Cần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh bình thường mới
Kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đã đòi hỏi nhiều quốc gia phải thực hiện những biện pháp phòng chống chưa từng có tiền lệ, như: giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới… Khó khăn đối với kinh tế toàn cầu dần trở nên nghiêm trọng hơn.
Thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu 2020. Chẳng hạn, cuối tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu có thể sụt giảm 4,9% trong năm 2020; Bộ phận Nghiên cứu chính sách của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) mới đây cũng dự báo GDP của khu vực APEC có thể giảm tới 3,7% trong năm 2020.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, khó khăn đối với kinh tế thế giới và khu vực có thể không chỉ dừng ở đó, khi hiện nay, không ít cảnh báo về làn sóng dịch thứ hai, rủi ro đối với hợp tác kinh tế đa phương, suy giảm niềm tin chiến lược, cạnh tranh giữa các siêu cường kinh tế trong bối cảnh Covid-19, thậm chí cả rủi ro về khủng hoảng nợ toàn cầu trong bối cảnh các gói hỗ trợ tài khóa – tiền tệ được sử dụng nhiều và dồn dập hơn ở nhiều nước.
Còn đối với Việt Nam, Viện trưởng CIEM nhận định, là nền kinh tế đang phát triển, dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, do vậy, Việt Nam chịu nhiều hệ lụy cả trực tiếp và gián tiếp từ đại dịch COVID-19. Song, Chính phủ Việt Nam cũng đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kích thích phục hồi kinh tế. So với nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, thì kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống đã kéo theo hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nhiều ngành, hoạt động kinh tế (như: du lịch, giao thông vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính...).
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I và 0,36% trong quý II (so với cùng kỳ năm 2019). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng GDP cao hơn so với các nước ở khu vực châu Á.
Về sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm trên diện rộng, trong đó có cả những ngành được coi là có nhiều tiềm năng trong các FTA mới (CPTPP, EVFTA). Chịu ảnh hưởng mạnh nhất là khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, trong quý II chỉ có ngành dịch vụ là tăng trưởng âm…
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM). ẢNh: Minh Trang.
Còn đối với các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Anh Dương, phần lớn các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thấp nhất (85,5%), khu vực doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng mạnh nhất (88,7%). Về tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng chậm, trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 3,4%. Đầu tư công giải ngân nhanh hơn, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra. Đầu tư FDI 6 tháng đầu năm nay giảm 15,1% về vốn đăng ký và 4,9% về vốn thực hiện.
Bên cạnh đó, xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, song, khả năng duy trì trở nên khó khăn hơn kể từ tháng 4/2010. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 1,1% so với cùng kỳ 2019 (quý I tăng 5,7%). Tuy vậy, cán cân thương mại vẫn có những con số ấn tượng khi thặng dư 6 tháng đầu năm là 4,0 tỷ USD (tháng 4 thâm hụt 0,9 tỷ USD; tháng 5 thặng dư 1,0 tỷ USD; tháng 6 ước thặng dư 0,5 tỷ USD).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân có thể là do chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã sớm ban hành những biện pháp hỗ trợ và đại dịch mới diễn ra trong thời gian ngắn, nên chưa thể nhìn nhận và đánh giá các tác động của đại dịch một cách đầy đủ.
2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, Báo cáo của CIEM sử dụng 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 2,1%, lạm phát bình quân đạt 4,3%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo giảm 3,1%, cán cân thương mại ở mức 1,7 tỷ USD; Đối với Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế đạt 2,6%, lạm phát bình quân 4,5%, tăng trưởng xuất khẩu giảm 1,9%, cán cân thương mại 2,1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Dương nhạn định, một trong những điểm nhấn quan trọng thời gian qua, đó là, Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin ở người dân, đặc biệt là trên phương diện điều hành gắn với mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dự báo của CIEM cho thấy, diễn biến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố chính, như: kinh tế thế giới còn bất định, nhất là khả năng bùng phát lần thứ 2 của dịch Covid-19.
Nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu. Điều này có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu cũng như căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang đến nhiều kỳ vọng tích cực, song, Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… ở một số thị trường và mức độ thích ứng của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong bối cảnh trên, CIEM khuyến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh “bình thường mới”.
Đồng thời, cần xây dựng và thực thi kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế thông qua 3 trụ cột chính, đó là: tái cơ cấu kinh tế; hoàn thiện chính sách công nghiệp; thu hút FDI. Song song với đó, cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển các kỹ năng thích ứng cho doanh nghiệp và người lao động; khai thác nhiều hơn dư địa của các mô hình kinh tế mới, nhất là kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Đại diện Ban Pháp chế VCCI cũng đề xuất: Thứ nhất, cần có sự đồng bộ trong ban hành thực thi chính sách của nhà nước. Về mặt tinh thần các văn bản đã có những tạo điều kiện thuận lợi. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều chồng chéo, những mâu thuẫn đối với tinh thần kiến tạo còn nhiều. Do đó, các bộ, ngành, cũng như các địa phương cần nghiên cứu xử lý vấn đề này.
Thứ hai, bên cạnh tinh thần kiến tạo, thì cần có hành động kiến tạo, các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước xây dựng dự thảo thì cần lấy ý kiến xây dựng và có tiếp thu giải trình, có đánh giá và có lựa chọn phương án…/.
Bình luận