Kinh tế Việt Nam 2025: Nắm bắt các cơ hội để chuyển đổi
Hướng tới tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thay đổi toàn cầu
Diễn đàn là sự kiện thường niên và chủ đề năm 2024 là: “Hướng tới Tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thay đổi toàn cầu”. Diễn đàn có sự tham gia của các nhà lãnh đạo và chuyên gia đại diện một số bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và khối nghiên cứu. Tại Diễn đàn, các diễn giả, khách mời đã trao đổi, thảo luận về những điều chỉnh chiến lược, chính sách của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và công nghệ đang thay đổi nhanh chóng cùng với những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn - Ảnh: UNDP Việt Nam |
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: “Diễn đàn hôm nay thể hiện mạnh mẽ cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, toàn diện và linh hoạt cho Việt Nam. Khi chúng ta đang nỗ lực vượt qua bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp, được đánh dấu bởi những biến động địa chính trị và thách thức môi trường, diễn đàn VEP giúp chúng ta cùng phân tích và xây dựng lộ trình hướng tới tương lai, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ xanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững."
Bà Trần Thị Hồng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn - Ảnh: UNDP Việt Nam |
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách hướng tới tương lai. Chủ đề Diễn đàn Nhịp đập kinh tế năm nay phản ánh cam kết của chúng tôi đối với các chiến lược chủ động, hướng tới tương lai nhằm tăng cường khả năng chống chịu và tận dụng các cơ hội đang nổi lên. Nỗ lực vượt qua thời kỳ đầy thách thức với tình hình chính trị bất ổn gia tăng và tác động mạnh của biến đổi khí hậu, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự kiên cường. Lấy sức mạnh kinh tế, tiến bộ công nghệ và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu làm trọng tâm trong lãnh đạo, thảo luận tại Diễn đàn hôm nay giúp làm sáng tỏ những lựa chọn chiến lược, mà Việt Nam có thể cân nhắc hướng tới xây dựng một tương lai bền vững và có tính cạnh tranh cao.
Bà Ramla Khalidi phát biểu khai mạc Diễn đàn - Ảnh: UNDP Việt Nam |
Các chủ đề chính được thảo luận tại diễn đàn bao gồm: (i) Khai thác các chuẩn môi trường thương mại mới để nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu: Khảo sát vị thế của Việt Nam theo Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU và sự phát triển thương mại giữa Việt Nam-EU; (ii) Mức độ sẵn sàng trong Chuyển đổi xanh của doanh nghiệp: Đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng các thực hành bền vững và tận dụng các tiêu chuẩn môi trường trong thương mại toàn cầu; (iii) Nâng cao Hiệu quả, Năng suất và Tiến bộ công nghệ: Đánh giá tình trạng hiệu quả và năng suất trong một số ngành công nghiệp chủ lực và khám phá các cách thức để thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nhằm củng cố hiệu suất kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam 2024 vẫn đối mặt với nhiều thách thức
2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai trong và ngoài nước. Với sự nỗ lực điều hành của Chính phủ và những chính sách phù hợp, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ước đạt từ 6,8 - 7%. Kết quả này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã lấy được đà tăng trưởng trước Covid-19.
Tuy nhiên, còn tồn tại một số thách thức, khó khăn như: khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn; cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại, nhưng chậm so với mong muốn; các tỉnh/thành “đầu tàu kinh tế” tiếp tục chạy chậm lại… Do đó, để năm 2025 có kết quả tốt, cần những tiến bộ vượt bậc.
“Giai đoạn 2024 - 2025 là thời gian rất quan trọng, bước vào năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025. Có những mục tiêu đạt được hay không sẽ nằm ở ‘'điểm rơi’ trong 2 năm này. Và như vậy, chắc chắn phải có rất nhiều cố gắng”, bà Minh chia sẻ.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc CIEM cho rằng, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, nên diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam 2025:
“Năm 2025, chúng tôi cho rằng địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn”, ông Thọ nói.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo kinh tế, CIEM trình bày tại Diễn đàn - Ảnh: UNDP Việt Nam |
Chuyển đổi xanh: Cuộc đua ở cấp độ toàn cầu
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhấn mạnh, chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều, đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, khách hàng ngày càng chú ý tới tác động môi trường trong hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên, theo khảo sát của Ban IV về Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh 2024, có tới 64% doanh nghiệp cho biết họ chưa chuẩn bị gì cho hoạt động trên.
Về phía doanh nghiệp, bà Đinh Hoài Giang - Tổng Giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng SECOIN cho biết, trong quá trình chuyển đổi xanh tại chính đơn vị của mình, nhân sự là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có tự động hóa, chuyển đổi số… Tuy nhiên, việc đào tạo ra đội ngũ nhân sự có đủ chuyên môn, trình độ để thích ứng với việc thay đổi quy trình sản xuất còn khó khăn, khi nhân sự của Công ty đa số ở các tỉnh, nhận thức còn nhiều hạn chế. Ngược lại, mức độ gắn bó với sản xuất của họ lại cao. Chính vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để trung hòa giữa yếu tố nhân lực chất lượng cao và gắn bó với công việc.
“Chuyển đổi xanh cần đầu tư rất nhiều vào công nghệ, máy móc, trong khi doanh nghiệp hiện nay tiếp cận tài chính xanh còn mơ hồ, không biết làm thế nào để tiếp cận, lựa chọn công nghệ nào để đáp ứng tài chính xanh? Ngoài ra, khi chuyển đổi xanh còn phải chấp nhận lỗ hoặc giảm lãi trong ngắn hạn để thấy được kết quả trong tương lai”, bà Giang nói.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chỉ ra 2 khó khăn chính đối với doanh nghiệp ngành dệt may trong chuyển đổi xanh.
Thứ nhất, Chính phủ đưa ngành dệt may là 1 trong 2 ngành ưu tiên chuyển đổi xanh, được tổ chức tín dụng trong và ngoài nước hỗ trợ. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm qua, chưa có ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào tìm đến May 10 yêu cầu chứng minh làm xanh để tài trợ. Doanh nghiệp lại phải đi tìm tổ chức tín dụng, giống như "mò kim đáy bể".
Thứ hai, trước đây có Chính phủ số, xã hội số, thì cũng nên có xã hội xanh, Chính phủ xanh… để truyền thông, thay đổi tư duy của mọi người từ gốc. Nếu khách hàng có tư duy tiêu dùng xanh, thì nhà sản xuất buộc phải theo. "Người tiêu dùng muốn xanh, thì phải trả chi phí cao hơn. Nhưng liệu họ có chấp nhận điều đó? Hay vẫn chỉ mong những sản phẩm giá rẻ?
Cải thiện thể chế là cốt lõi để phát triển
Diễn đàn VEP 2024 nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn nhằm thúc đẩy một khuôn khổ kinh tế bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu với những cú sốc, để Việt Nam có thể trở thành một cường quốc công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo.
Với chiến lược hướng tới tương lai, Việt Nam có thể thích ứng và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng CIEM (thứ nhất từ phải sang) điều hành phiên thảo luận - Ảnh: UNDP Việt Nam |
Trong năm 2025, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, cải cách thể chế... tiếp tục được nhận định sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025. Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam năm 2025 sẽ được kiểm soát tốt, tăng trưởng GDP ngang bằng hoặc cao hơn từ 0,2-0,4% so với năm 2024.
Ông Lương Văn Khôi phát biểu bế mạc Diễn đàn - Ảnh: UNDP Việt Nam |
Kiến nghị một số giải pháp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, các diễn giả cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế với trọng tâm là cắt bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, gỡ rào cản cho doanh nghiệp./.
Khởi xướng vào năm 2021 bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP), Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam là một sự kiện thường niên, nhằm tập hợp tri thức của các nhà hoạch định chính sách, học giả và doanh nhân để thảo luận về các vấn đề kinh tế hàng đầu hiện nay, chia sẻ quan điểm về các xu hướng mới trong kinh doanh và kinh tế, đặc biệt là những xu hướng liên quan đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. VEP tập trung vào một chủ đề cụ thể và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Các bài nghiên cứu được trình bày bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế xoay quanh chủ đề này, kế tiếp là một cuộc thảo luận nhóm với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia quốc tế và nhà đầu tư. |
Bình luận