Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý mô hình cho vay trực tiếp
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, tham gia huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…
Theo đó, hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra trên một triệu lao động mới; sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới kể cả các quốc gia phát triển, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được đánh giá rất cao. Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỷ lệ này từ 90%- 98%. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong thời gian qua, để hiện thực hóa những đường lối, chính sách của Đảng tại Đại hội XII, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt, kịp thời để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Các luật về đầu tư, kinh doanh đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018, đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, với hàng loạt chính sách hỗ trợ đa chiều, như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; tư vấn quản trị kinh doanh, công nghệ; đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Với mục tiêu giải quyết bài toán khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg, ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ với số vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Qua hơn 3 năm chính thức triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, một trong các nhiệm vụ Chính phủ đề ra là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4% đối với cho vay trung, dài hạn. Có thể thấy, đây là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển. Qua đó, khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tăng cường hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Thông qua Hội thảo này, Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động cho vay trực tiếp, bên cạnh triển khai tốt hoạt động ủy thác, cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại, sẽ giúp đa dạng thêm các kênh tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoàn thành tốt các nhiệm vụ Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trong thời gian tới.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng
Cũng tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen - Antin, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù dưới tác động của đại dịch Covid-19 và rất nhiều rủi ro về gián đoạn kinh tế, biến đổi khí hậu và thách thức về môi trường trong năm 2020, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP ở mức 2,91% nằm trong ngưỡng cao nhất toàn cầu năm 2020.
Toàn cảnh Hội thảo.
Bà Caitlin Wiesen - Antin khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và tiếp tục nhận được các dòng tài chính quốc tế. Trong bối cảnh Covid-19, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt để sáp nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu
“Với một hệ sinh thái hỗ trợ để phát triển đáp ứng cao, bao gồm một chuỗi hỗn hợp tài chính khỏe mạnh từ trong và ngoài nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển tiềm năng mạnh mẽ cho sự tăng trưởng năng động và bền vững tại Việt Nam”, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Caitlin Wiesen - Antin cho rằng, một trong những thách thức quan trọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục gặp phải đó là sự hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Một nghiên cứu mới đây bởi John và Finn Tarp tại trường Đạihọc Copenhagen cho biết, khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt với rào cản tín dụng và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp nhỏ cao hơn 115% so với tỷ lệ cung cấp. Đây chính là lí do tại sao các thị trường tín dụng không chính thức đang đóng một vai trò to lớn đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Xây dựng môi trường pháp lý giúp tăng cường cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa
Do đó, để tiếp cận tín dụng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam mong muốn nhấn mạnh 3 luận điểm nhằm thúc đẩy Chính phủ Việt Nam có thể mở ra tiềm năng, cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể:
Thứ nhất, cần có hiểu biết về hệ sinh thái tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam và vai trò chiến lược mà một kênh cho vay mới có thể để tăng cường nguồn vốn nội địa hiện có, bao gồm cả khối công và tư, để đáp ứng nhu cầu luôn luôn thay đổi của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì vậy, các cơ chế cho vay mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững phải được tạo lập để tháo gỡ những rào cản tín dụng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải. Điều này cũng sẽ giúp đưa ra định nghĩa rõ ràng về một kênh cho vay trực tiếp cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhóm đối tượng rõ ràng và tiêu chí để theo dõi, đo lường sự thành công.
Đồng thời, cần được hỗ trợ bởi việc tạo lập hệ thống khung pháp lý, môi trường điều tiết có tính kích hoạt, để tăng sự tự tin đối với các đầu tư dài hạn, khuyến khích các chương trình và nguồn vốn tài chính đổi mới để hỗ trợ các doanh nghiệp start-up và phi truyền thống.
Thứ hai, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng về nguồn tài chính xanh và bền vững để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, Quỹ nên tập trung vào sự phát triển và phục hồi xanh. Xây dựng một nền kinh tế xanh mang đến cơ hội quan trọng cho những doanh nghiệp tân tiến để chạm đến nguồn tài chính xanh.
Điển hình như, Chương trình Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân sử dụng mô hình kinh doanh bền vững và các công nghệ sản xuất sạch do UNDP phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện trong khoảng thời gian từ 2021-2025 (theo Quyết định của Thủ tướng số 1362 trong năm 2019 và kế hoạch phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân).
Thứ ba, nguồn tài chính Chính phủ hạn hẹp được dành cho những loại quỹ này nên được sử dụng một cách hiệu quả để làm chất xúc tác thu hút đầu tư to lớn từ khối tư nhân và có thể kết hợp với các nguồn tài chính khác như tài chính công.
Chính phủ nên tăng cường việc giới thiệu các chương trình tài chính đổi mới, như: tài chính xanh, tài chính mua bán cac-bon… để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn tài chính mới.
Ngoài ra, cả Quỹ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng chuỗi dự án xanh có thể được ngân hàng tiếp nhận, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần kiến thức và kỹ năng về sản xuất xanh, mô hình kinh doanh xanh, sản phẩm xanh và một thị trường xanh.
Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế UNDP cũng cho rằng, cần xây dựng môi trường giúp tăng cường cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể: về môi trường pháp lý, hạ tầng tín dụng và hỗ trợ trực tiếp của chính phủ. Trong đó, sự hỗ trợ từ chính phủ là rất quan trọng, có thể thông qua các hình thức, như: vốn đầu tư mạo hiểm của chính phủ, bảo lãnh tín dụng, trợ cấp tín dụng hay thông qua các tổ chức chuyên cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Jonathan Pincus ví dụ, tại Israel, Chương trình Ươm mầm công nghệ đã hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong 3 năm đầu tiên vận hành và các vườn ươm được tư nhân quản lý và nhận sự hỗ trợ của chính phủ. Đồng thời, các vườn ươm mua vốn chủ sở hữu tại công ty khởi nghiệp, thường cùng đầu tư với các quỹ tư nhân…
Chia sẻ kinh nghiệm mô hình cho vay của tổ chức tài chính JFC Nhật Bản, TS. Nguyễn Trọng Hiệu, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Viện phó Viện nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp Hà Nội (INBUS) cho biết, tổ chức này có 152 chi nhánh ở Nhật Bản và 2 chi nhánh ở nước ngoài (đó là Thượng Hải và Băng Cốc) đây là mô hình cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với hình thức cho vay nhiều lần và các khoản vay nhỏ. Đặc trưng của hệ thống này là cho vay không thế chấp (khoảng 74%), cho vay khởi nghiệp và cho vay mạng lưới an sinh (như: thảm họa, phá sản…).
Còn tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mô hình cho vay trực tiếp, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị tôm công bằng, bền vững tại Việt Nam, có những khó khăn khi triển khai cho vay theo chuỗi giá trị, như: cơ chế hợp tác, phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro của người nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác và định chế tài chính tham gia trong chuỗi còn thiếu công khai, minh bạch; Sản phẩm tài chính cho vay theo chuỗi giá trị chưa đa dạng và đồng bộ; sự liên kết của các định chế tài chính, nhà đầu tư tư nhân với các ngân hàng thương mại trong việc cung ứng dịch vụ tài chính cho các thành viên trong chuỗi giá trị trên thực tế ở Việt Nam còn lỏng lẻo…
Nhận diện những rủi ro và khó khăn trong thực tế, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tập trung hoàn thiện quy trình nghiệp vụ đối với chức năng cho vay trực tiếp với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đồng thời trao đổi với một số đối tác quốc tế về việc hỗ trợ Quỹ xây dựng khung quy chế cho hoạt động tài trợ vốn, vì đây là một chức năng mới, mô hình thành công tại Việt Nam chưa nhiều./.
Bình luận