Cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều mô hình, chuỗi sản xuất như: Gạo, trái cây, hoa, thủy sản, chăn nuôi,... đã được xây dựng và cho hiệu quả cao ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn khá nhiều rào cản. Trong đó, có thể kể đến sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mang tính quy mô hộ dẫn đến năng suất thấp, sản phẩm khó cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu với diễn biến ngày càng phức tạp, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế là những khó khăn mà tái cơ cấu ngành đang phải đối mặt. Vì vậy, để giải quyết những thách thức trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, rất cần tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thông qua đó nâng cao được chất lượng đời sống của nông dân.
Khẳng định doanh nghiệp giữ vai trò “hạt nhân” để kết nối các “mắt xích” sản xuất của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện con số doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Đến nay, có khoảng 3.643 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp/gần nửa triệu doanh nghiệp đầu tư vào ba khu vực nền kinh tế. Số lượng thì còn ít, trong đó 90% số doanh nghiệp đầu tư là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Số doanh nghiệp lớn mang tính đầu tàu còn ít.
“Tuy nhiên, điều đáng mừng gần đây nhiều doanh nghiệp lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp, ví dụ Vingroup đã lập Vineco với số vốn 2.000 tỷ đồng với chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính phát triển tập trung sản xuất rau sạch; tập trung phát triển chuỗi mặt bằng phân phối nông sản ở các vùng miền. Sau 1 năm, qua quá trình tham quan, một số trở thành đã hiện thực sản xuất, ví dụ 46 nhà kính ở Tam Đảo, đang triển khai ở Hải Phòng và một số nơi.
Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà, Dabaco ở Bắc Ninh, một năm sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch. Doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi Tọa đàm
Nguyên nhân những khó khăn đang kìm hãm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có nhiều, trong đó điển hình là nút thắt đất đai. Tất cả doanh nghiệp đầu tư muốn sản xuất phải có đất. Đất nông nghiệp, năm 1993 đã thực hiện giao đất cho nông dân ổn định lâu dài, khi nhu cầu cần tập trung thì trước mắt sẽ gặp khó khăn.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt về đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ở một số địa phương đã triển khai một số cách làm cho kết quả như: Ở những vùng đất nông dân canh tác không hiệu quả, trên cơ sở tự nguyện của nông dân ủy quyền sử dụng đất, đất sẽ được giao lại cho doanh nghiệp trong một thời gian nhất định để sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, là hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân xúm vào cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với doanh nghiệp.
Ngoài ra, với những bất cập trong việc triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ liên quan sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá, tiếp tục kiến nghị về Nghị định 210 để chính sách đi vào thực tiễn hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Liên quan đến tình hình nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng âm. Bộ trưởng chia sẻ, lần đầu tiên trong nhiều năm nông nghiệp có GDP tăng trưởng âm 0,18%, gây ra tác hại lớn. Cho đến nay, nông nghiệp chiếm vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, 70% số dân vẫn sống ở khu vực nông nghiệp và hiện có 46% lao động trong khu vực này.
Những năm qua, nông nghiệp trở thành điểm đệm trong nền kinh tế, nhất là thời điểm kinh tế khó khăn. Do vậy, việc tăng trưởng âm là điều trăn trở chung của toàn ngành, tác động không nhỏ tới đời sống bà con nông dân, nhất là vùng khó khăn.
Biến đổi khí hậu làm tất cả vùng sản xuất bị đảo lộn, Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ ngập tới 1m sau 100 năm nữa, ảnh hưởng tới tất cả vùng sản xuất trọng điểm. Theo kịch bản 2012 công bố, tốc độ diễn ra khốc liệt hơn, nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hàng nông sản có cơ hội đi quốc tế nhiều hơn, nhưng phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt với nông sản phẩm hàng hóa thế giới ở quốc gia có lợi thế hơn nhiều về tài nguyên, khoa học, sức sản xuất, quản trị… cùng lúc chịu 3 áp lực nên phải tập trung tái cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị tập trung bền vững.
Về giải pháp giúp lấy lại đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngoài ngành tôm sẽ được chú trọng đẩy mạnh phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai sản xuất trong một số ngành hàng khác như: Chăn nuôi, rau quả. Trong đó, với ngành chăn nuôi, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, đại gia súc, nuôi heo đây là ba đối tượng đang thuận lợi về nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh và nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Cùng với đó, đối với ngành rau quả, xuất khẩu đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt cũng là ngành kỳ vọng sẽ góp phần đưa lại tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2016./.
Bình luận