Doanh nghiệp bảo khó…

Dẫn lời ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trên Vietnamnet than thở: "Có rất nhiều điểm chúng tôi rất bí, không biết đường nào mà lần. Chúng tôi cũng đã tìm đủ mọi cách để doanh nghiệp tiếp cận được, đặt vấn đề với Sở Kế hoạch và Đầu tư của Thành phố nhưng ai cũng lúng túng, không làm được."

"Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã ban hành thứ tháng 11 năm ngoái mà 7 tháng trôi qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ra được nghị định, thông tư hướng dẫn nào. Cuối tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao phải có công văn hướng dẫn tạm thời, nhưng cả một bộ luật quan trọng như vậy thì hướng dẫn tạm thời làm sao được?", ông Minh chia sẻ.

Đứng ở phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và quan hệ đối ngoại của Trung tâm giáo dục và đào tạo Apollo, chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chỉ phải đến một nơi để làm thủ tục. Bây giờ, luật mới yêu cầu phải tách giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng phòng đăng ký kinh doanh trong nước thì ở một chỗ (khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy), bộ phận làm chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài thì lại ở chỗ khác (16B, Cát Linh, quận Đống Đa)".

Bên cạnh đó, về vấn đề đăng ký ngành nghề hoạt động, một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản trả lời trên báo Diễn đàn doanh nghiệp rằng, việc không ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà doanh nghiệp đã đăng ký trong giấy phép sẽ càng gây khó khăn trong các giao dịch. Chẳng hạn, hoạt động kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trước đây yêu cầu vốn pháp định tối thiểu 6 tỷ đồng, nay tăng lên thành 20 tỷ đồng), nếu không ghi ngành này vào giấy phép thì làm sao đối tác, nhà đầu tư biết được doanh nghiệp này có đủ điều kiện hay không.

Theo Điều 29, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không còn phải ghi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề dự kiến hoạt động. Cách hiểu những quy định mới của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn mang tính khuôn mẫu khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy thực hiện các thủ tục còn khó hơn trước khi luật mới có hiệu lực.

Đối với các doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn phải ghi ngành nghề kinh doanh, nhưng doanh nghiệp vẫn phải điền đầy đủ ngành nghề kinh doanh trên giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp trong bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Trước đây, theo quy định của luật cũ thì trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đến 10 nội dung, ghi rõ ngành nghề kinh doanh, vốn góp… Giờ đây, quy định mới tinh giản chỉ còn 4 nội dung, gồm: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; thông tin người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; vốn điều lệ doanh nghiệp.

L

Cơ quan quản lý nói gì?

Trước việc doanh nghiệp băn khoăn về việc hướng dẫn trong triển khai Luật, trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét ban hành; đồng thời, Bộ cũng đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp thay thế Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT.

Theo dự kiến, Thông tư nêu trên sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngay sau khi Nghị định về đăng ký doanh nghiệp được Chính phủ ban hành. Để đảm bảo thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp 2014 từ ngày 01/07/2015, trong thời gian chờ nghị định và thông tư hướng dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 4211/BKHĐT-ĐKKD, ngày 26/06/2015 gửi sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất hướng dẫn áp dụng quy định về đăng ký doanh nghiệp.

Văn bản này đã được đăng tải trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh địa phương cũng như cộng đồng được biết và áp dụng.

Liên quan đến Luật Đầu tư, để phục vụ cho việc đăng tải công khai Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này, trong thời gian qua, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Đến ngày 30/6/2015, danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trong 16 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 16 bộ, cơ quan ngang bộ đã được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp tham khảo.

Cần thay đổi tư duy trong triển khai Luật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: "Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định nội dung gì, thì cứ thế mà thực hiện, tránh tình trạng chờ thông tư, công văn hướng dẫn".

Vị chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thay đổi thói quen, áp dụng luật là theo luật, chứ không phải áp dụng luật là thông qua nghị định, thông tư.

TS. Cung cũng hiến kế, muốn trị căn bệnh đúng quy trình theo kiểu hình thức nói trên, thì điều quan trọng là cần phải nâng cao trách nhiệm giải trình của hệ thống cơ quan công quyền các cấp.

Để đưa Luật Doanh nghiệp 2014 vào cuộc sống, phát huy tối đa những tác động tích cực từ các nội dung cải cách, điều quan trọng đầu tiên là thái độ, cách thức quản lý của công chức nhà nước phải thay đổi. Đây là thách thức không nhỏ, bởi nhiều công chức Việt Nam còn bị động, sợ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cách thức quản lý là phải dựa trên thông tin. Khi đó, chúng ta phải đi thu thập thông tin, phải biết được loại thông tin nào cần thu thập, lưu giữ và phân tích thông tin để nó đáp ứng nhu cầu của việc quản lý, đó là quản lý dựa trên rủi ro, dựa trên tiếp quản.

Đặc biệt, điều quan trọng là cần phải đổi mới tư duy vì với Luật mới thì cách thức quản lý phải hoàn toàn thay đổi. Đó là phải quản lý theo nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải quản lý theo sự áp đặt của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhìn nhận khách quan, để Luật sớm đi vào cuộc sống, TS. Cung cũng cho rằng, vấn đề này cần sự chung tay trong thảo luận và tháo gỡ. Vì vậy, doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao cho người dân, doanh nghiệp nhiều quyền, nên họ cần chủ động, tích cực sử dụng tối đa những quyền này, để tận dụng hiệu quả cơ hội kinh doanh, cũng như bảo vệ tốt các quyền và lợi ích của mình./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://enternews.vn/sau-mot-thang-trien-khai-luat-doanh-nghiep-dot-pha-tren-giay-rao-can-thuc-thi.html

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/253141/luat-cho-huong-dan-7-thang--cai-cach-gi-la-qua-.html