Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ công bố ngày 17/11/2015
Bổ nhiệm Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Tại Quyết định 2006/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Đinh Quế Hải, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2010 - 2015 giữ chức Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc.
Ông Đinh Quế Hải từng đảm nhiệm các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy ban Dân tộc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.
Phê chuẩn nhân sự tỉnh Thanh Hóa
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, Thủ tướng đã ký quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng.
Thủ tướng cũng ký quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đỗ Quốc Cảnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.
Đồng thời, Thủ tướng cũng ký quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Ngọc Hồi để nghỉ hưu theo chế độ.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng ký quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Bình Vũ, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ để nghỉ hưu theo chế độ.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giám định tư pháp
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" (Đề án 258). Qua đó, công tác giám định tư pháp nói chung và giám định phục vụ công tác xử lý tham nhũng nói riêng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp của nhiều Bộ, ngành và địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế.
Nhận thức của một số Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tố tụng ở cấp Trung ương về công tác giám định tư pháp còn chưa đầy đủ; vẫn còn một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp chưa được ban hành, hoặc đã ban hành nhưng chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu, có trường hợp còn né tránh trách nhiệm; vẫn còn một số vướng mắc về nguồn kinh phí chi trả chi phí giám định tư pháp...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, các cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thực hiện và các văn bản khác có liên quan. Nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp về công tác giám định tư pháp, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng Bộ, ngành và địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp, nhất là đối với việc giải quyết các vụ án tham nhũng.
Xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn
Các Bộ, ngành chủ quản được trưng cầu giám định (nhất là các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước) tập trung thực hiện chỉ định, công khai hóa đầu mối ở các Bộ, ngành về công tác giám định tư pháp; rà soát, củng cố đội ngũ cán bộ và tổ chức thực hiện giám định tư pháp; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thành lập và giải quyết các khó khăn trong hoạt động của các Văn phòng giám định tư pháp.
Đồng thời xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó xác định rõ quy trình, phương pháp, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật, phương tiện và thời gian giám định đối với từng loại việc giám định để khắc phục tình trạng lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng quy chuẩn chuyên môn; hướng dẫn về nghiệp vụ giám định trong một số loại việc giám định có nội dung nghiệp vụ mới.
Bên cạnh đó có cơ chế cụ thể, tạo điều kiện bảo đảm cho các cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ giám định; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho người làm giám định của Bộ, ngành; có chế độ khen thưởng, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định.
Không để vướng mắc kéo dài trong công tác giám định
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ động, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tố tụng, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết, không để vướng mắc kéo dài trong công tác giám định ảnh hưởng đến quá trình xử lý án tham nhũng.
Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường thông tin, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành chủ quản về hoạt động, quản lý giám định tư pháp; có hướng dẫn việc thi hành Luật giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; hướng dẫn và tổ chức thực hiện về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; chế độ thống kê trưng cầu, đánh giá và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ liên quan xây dựng quy chế phối hợp, thông tin về công tác giám định tư pháp để kịp thời cập nhật và giải quyết các khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng nói chung, trong giải quyết án tham nhũng, án kinh tế nói riêng, bảo đảm hiệu quả hoạt động, quản lý giám định tư pháp.
Tăng cường đảm bảo ATGT đường thủy nội địa
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo các cơ quan thành viên, Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa; đẩy mạnh triển khai cuộc vận động xây dựng phong trào văn hoá giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các phương thức vận tải, chú trọng các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng và bảo đảm ATGT của phương thức vận tải thủy nội địa; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quy định lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS đối với phương tiện thủy kinh doanh vận tải hành khách từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất mở rộng loại hình phương tiện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa; huy động các nguồn vốn đầu tư một số cảng thủy nội địa đầu mối để tăng năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, kết nối các phương thức vận tải khác, đặc biệt trên tuyến Bắc - Nam, các tuyến vận tải thủy chính để giảm áp lực vận tải đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về ATGT tất cả các bến hành khách, bến khách ngang sông, chủ phương tiện chở khách; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã khi xảy ra tai nạn đường thuỷ trên địa bàn.
UBND thành phố Hải Phòng tăng cường thực hiện các giải pháp kết nối đường thủy nội địa với các cảng biển; đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, đường thuỷ nội địa, chú trọng kiểm soát khâu xếp hàng lên phương tiện; tăng cường quản lý kinh doanh vận tải, ngăn chặn tình trạng "xe dù", "bến cóc", phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải khách; đồng thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT cuối năm 2015 để đạt mục tiêu giảm từ 5% - 10% các tiêu chí về tai nạn giao thông.
Thu phí tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư hệ thống thu phí sử dụng đường bộ và kiểm soát tải trọng theo hình thức tự động không dừng trên toàn tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 675/TTg-KTN 14/5/2015.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng; dự thảo Quyết định về hoạt động của hệ thống thu phí đường bộ và kiểm soát tải trọng theo hình thức tự động không dừng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau khi có đủ các thủ tục cần thiết theo quy định thì áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tự động trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).
Công nghệ thu phí không dừng có nhiều ưu điểm như: Chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác đến 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận.
Để sử dụng dịch vụ này, chủ phương tiện sẽ được phát 1 thẻ định danh E-tag dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này được nạp tiền bằng nhiều kênh như: Nạp trực tiếp, qua Internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại… Sau khi xe được dán thẻ E-tag chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống sẽ đọc thẻ E-tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản của xe đủ điều kiện qua trạm, thanh chắn sẽ được mở tự động để xe đi qua, đồng thời 1 tin nhắn SMS sẽ được gửi về số điện thoại đã đăng ký của chủ phương tiện thông báo xe vừa qua trạm. Trường hợp tài khoản không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu một dừng.
Bên cạnh hệ thống thu phí không dừng, Bộ Giao thông vận tải cũng nghiên cứu áp dụng công nghệ cân xe tự động cảm biến thạch anh thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang được sử dụng hiện nay. Công nghệ này được đánh giá phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết, tốc độ xe có thể dao động từ 1-230km/h, độ chính xác lên tới 98%.
Khi xe đi qua hệ thống cân tự động này, thông tin về tải trọng phương tiện quá tải sẽ được hiển thị ngay trên bảng điện tử VMS đặt bên lề đường. Tất cả hình ảnh, thông tin, dữ liệu chi tiết về tải trọng mọi phương tiện đi qua trạm cân đều được chuyển về lưu trữ tại trung tâm dữ liệu. Kết quả cân xe sẽ được sử dụng để xử phạt các phương tiện vi phạm tải trọng./.
Bình luận