Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 93, nhằm phù hợp với Luật Giao thông Đường thủy nội địa sửa đổi, bổ sung năm 2014 (có hiệu lực từ năm 2015).

Nghị định được xây dựng theo hướng tách riêng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy với hàng hải (hiện Nghị định 93 bao gồm cả đường thủy và hàng hải).

So với Nghị định 93, Nghị định lần này bổ sung các nhóm hành vi trong quy định xử phạt gồm như sau: Nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm; Sử dụng phương tiện thủy quá niên hạn sử dụng; Không có giấy phép thành lập doanh nghiệp khi hành nghề đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện; Phương tiện không lắp thiết bị AIS (hệ thống nhận dạng tự động kết hợp GPS và tự động thu phát); Bị đình chỉ đào tạo nhưng vẫn đào tạo thuyền viên; Không tham gia tìm kiếm cứu nạn; Vi phạm quy tắc cấm vượt; Phà chở ô tô lớn hơn trọng tải giới hạn; Xếp hàng hóa quá khổ; Chở quá số người trên nhà hàng nổi…

10 tháng năm 2015, lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa và Thanh tra thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát hiện, xử phạt gần 4.500 vụ việc vi phạm pháp Luật Giao thông Đường thủy nội địa, với số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là 1 năm. Đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.

Liên quan đến hành vi vi phạm quy tắc giao thông, trường hợp phà một lưỡi chở ô tô từ trên 3,5 tấn hoặc từ 16 chỗ bị phạt 3 - 4 triệu đồng. Hành vi chở quá tải hàng hóa (quá dấu mớn nước an toàn) cũng được bổ sung với mức phạt theo nguyên tắc phương tiện trọng tải càng lớn mức phạt càng cao, với mức từ 300 nghìn đến 12 triệu đồng.

Tương tự, phương tiện chở khách quá tải bị phạt gấp 3 - 5 giá vé tính trên mỗi khách chở quá tải; Phạt 100 nghìn đồng/người chở quá so với số lượng cho phép chở trên hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện du lịch lưu trú ngủ đêm.

Nhằm tăng hiệu quả kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, bên cạnh thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đã được quy định như hiện tại, dự thảo đã bổ sung lực lượng khác có thẩm quyền xử phạt.

Đó là, lực lượng cảng vụ hàng hải, thanh tra chuyên ngành thủy sản, chuyên ngành kiểm ngư, ngành văn hóa - thể thao và du lịch, Trưởng phòng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn… Người có hành vi chống đối việc kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền bị phạt đến 5 triệu đồng.

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1-6 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-3 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính./.