Cần chính sách đủ mạnh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đang diễn ra, Quốc hội vừa thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, theo Văn phòng Quốc hội.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ sẽ tạo tính lan toả
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ sớm ban hành Thông tư để quy định, quản lý chặt chẽ hơn trong việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù. Ảnh: Quốc hội
“Để TP. Cần thơ phát triển hơn nữa, chúng ta cần có những chính sách về đầu tư, tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý… đủ mạnh để tạo ra động lực, qua đó giúp TP. Cần Thơ chuyển mình phát triển đột phá, trở thành trung tâm dịch vụ lớn, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, từng bước khẳng định vai trò trung tâm hạt nhân của Vùng đồng bằng sông Cửu Long…”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề xuất.

Liên quan đến giải pháp cụ thể phát triển TP. Cần Thơ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nhìn nhận, việc sớm triển khai dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn ra, vào các cảng của Cần Thơ sẽ thúc đẩy nhanh việc phát huy công suất các cảng theo quy hoạch đã phê duyệt, góp phần bảo đảm chất lượng logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với định hướng phát triển trên cơ sở thực trạng điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng... Đặc biệt, cần kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động nạo vét, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ nhằm xử lý kịp thời các tác động tiêu cực của dự án nạo vét đối với hoạt động hàng hải, cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên… Đề nghị các bộ, địa phương khi triển khai một vấn đề lớn như: nghiên cứu tổng thể, đánh giá hiệu quả đầu tư, kinh tế – xã hội, môi trường phải gắn với quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Để tăng tính khả thi khi xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và báo cáo thuyết minh thêm để làm căn cứ xây dựng, vận hành Trung tâm trước khi quyết định thành lập; phân tích các tiêu chí ưu đãi đặc thù; tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư để đảm bảo minh bạch, công bằng trong thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất thúc đẩy, tham gia những khâu ngoài sản xuất, làm cầu nối để doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Sẽ tạo tính lan toả trong khu vực

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ có ý nghĩa với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ những cơ chế, chính sách ưu đãi này có thể tạo nên các cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng phát triển – là tinh thần được nêu tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ sẽ tạo tính lan toả
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, từ những cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển TP. Cần Thơ có thể tạo nên các cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng phát triển... Ảnh: Quốc hội

“Các chính sách được xây dựng phù hợp với Quy hoạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Chính phủ chuẩn bị xem xét thông qua, bảo đảm sẽ thuận thiên và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời khuyến khích các hình thức xã hội hóa…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ trình Quốc hội xem xét, thông qua./.