Chính thức khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự VBF 2023 |
Trong khuôn khổ phiên cấp cao Diễn đàn có 2 phiên, trong đó phiên 1 tập trung vào nội dung đồng hành cùng Việt Nam trong giai đoạn phát triển xanh; phiên 2 thảo luận vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các phiên thảo luận nhằm hướng tới chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” hết sức có ý nghĩa. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp xác định đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp khuyến nghị cho Chính phủ các giải pháp, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Phiên cấp cao VBF thường niên 2023 |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen năm 2022, song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Cùng với những kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với năm trước. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, khi tăng 19,8%, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với các tín hiệu khả quan nêu trên, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc VBF 2023 |
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều thách thức khó khăn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội.
“Với tầm nhìn xa, hoài bão lớn, quyết tâm cao, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đồng tâm, hiệp lực, kiên định triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thực hiện các cam kết quốc tế mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Trong bối cảnh đó, VBF 2023 với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch liên minh VBF Phạm Tấn Công tái khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn ủng hộ, hưởng ứng và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Để thực hiện được mục tiêu đến giữa thế kỷ này trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép là phát triển nhanh và xanh, với mức tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6-7%/năm, đồng thời phải đưa công nghệ xanh vào phổ cập trong hoạt động kinh tế.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch liên minh VBF |
Theo Chủ tịch VCCI, chính mục tiêu và yêu cầu phát triển này tạo ra cơ hội và không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, cho các nhà đầu tư quốc tế. Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 và quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và môi trường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn ủng hộ, hưởng ứng và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu và cam kết phát triển quan trọng này.
Tuy nhiên, chia sẻ trước cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, dù kết quả đạt được trong năm 2022 là rất ấn tượng, nhưng các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đã cho thấy những dấu hiệu đáng quan ngại, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ phải đồng hành và hành động quyết liệt hơn nữa. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã suy giảm rõ rệt, đồng thời trong 2 tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường, tức là đội ngũ doanh nghiệp tại Việt Nam đã sụt giảm trên 13 nghìn DN chỉ trong 2 tháng qua. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất cao, đó là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0.
“Do đó, rõ ràng để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, phải cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững’, ”, ông Công nhấn mạnh./.
Bình luận