Chủ tịch VIOD: IMP sẽ đào tạo, nâng tầm và mở rộng cơ hội cho người làm nghề quản trị công ty
Những thành viên IMP đầu tiên…
|
17 thành viên danh dự đầu tiên của IMP có sự góp mặt của các doanh nhân đang trực tiếp quản trị những doanh nghiệp lớn, uy tín trên thương trường, như ông Đào Đình Thi, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Việt; bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh; ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thiên Long; ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Group… Cùng với đó là sự có mặt của các chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu về quản trị công ty như bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam; ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital; bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC; bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK; bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE…
Tổng giám đốc VIOD, ông Phan Lê Thanh Long cho biết, với sự nỗ lực kết nối và đào tạo, VIOD hy vọng, danh sách những người tham gia IMP sẽ ngày một lớn. Thành viên của IMP được phân thành 3 chủ thể. Đó là, thành viên Liên kết dành cho các thành viên HĐQT mới và Ban điều hành; Thành viên đầy đủ dành cho thành viên HĐQT và Ban điều hành từ 12 tháng trở lên; Thành viên cao cấp dành cho thành viên HĐQT và Ban điều hành có nhiều năm kinh nghiệm. “Đây đang và sẽ là đội ngũ các nhà quản trị tiên phong, gắn thực hiện quản trị công ty với quản trị môi trường và xã hội (ESG), hướng tới sự phát triển bền vững và nâng cao tính minh bạch của thị trường”, ông Phan Long nói.
VIOD hy vọng, danh sách những người tham gia IMP sẽ ngày một lớn. Thành viên của IMP được phân thành 3 chủ thể. Đó là, thành viên Liên kết; Thành viên đầy đủ và Thành viên cao cấp. |
Quản trị công ty theo thông lệ tốt là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, công tác quản trị công ty bắt đầu được quan tâm vào năm 2009, sau khi các doanh nghiệp và TTCK trải qua những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008). Những nỗ lực xây dựng chính sách, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng quản trị theo quy chuẩn pháp lý và theo các thông lệ tốt dần hoàn thiện kể từ thời điểm này. Đến năm 2020, khi đánh giá về mối liên hệ giữa điểm số QTCT với hiệu quả kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE đã tự tin khẳng định, đây là mối quan hệ thuận chiều. Các doanh nghiệp có điểm số quản trị cao (trong chương trình đánh giá, bình chọn doanh nghiệp niêm yết do HOSE, HNX, Dragon Capital, Báo Đầu tư cùng một số đối tác thực hiện từ năm 2008) đã cho thấy có hiệu quả hoạt động tốt và bền vững hơn trên thương trường, so bằng chung của doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chứng minh tầm quan trọng của QTCT đối với kết quả hoạt động hiện tại và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và vì thế, từ nhiều năm nay, cải thiện chất lượng QTCT luôn là vấn đề được quan tâm trong khu vực và toàn cầu. Sự quan tâm này đang và sẽ mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho những cá nhân giỏi nghề QTCT. Bà Zarinah Anwar, Chủ tịch Viện Thành viên HĐQT Malaysia (ICDM) nhận định, tại Việt Nam, IMP sẽ là nền tảng quan trọng, hữu ích cho thành viên HĐQT, truyền cảm hứng, thúc đẩy những người thực hành QTCT phát triển. Bà chia sẻ mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác với VIOD trong năm 2022 để vừa đào tạo, vừa tìm kiếm tài năng và tạo ra nhiều cơ hội cho các thành viên HĐQT, không chỉ hoạt động hiệu quả ở thị trường trong nước mà còn mở rộng cơ hội tham gia QTCT trên các thị trường vốn trong khu vực. Bà hy vọng, IMP sẽ là mạng lưới rất có ảnh hưởng trong việc dịch chuyển tư duy và cách thức hoạt động của từng thành viên HĐQT và các HĐQT - ở đó, mỗi người sẽ trở thành một người học trọn đời.
Quản trị tốt để phát triển bền vững
Chương trình IMP đã được Viện Thành viên HĐQT tại một số nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia… triển khai hiệu quả và mang lại nhiều giá trị hữu ích |
Thông qua mạng lưới đối tác chiến lược, VIOD sẽ kết nối các nhà QTCT của Việt Nam với mạng lưới các nhà QTCT trong khu vực và quốc tế để tăng cường cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm và mở rộng phạm vi hành nghề cho các nhà QTCT Việt Nam... |
Chia sẻ tại Lễ ra mắt IMP, Chủ tịch VIOD Hà Thị Thu Thanh cho biết, từ năm 2018 đến nay, VIOD đã liên tục triển khai các chuỗi đào tạo chuyên sâu, các hoạt động hội thảo chuyên đề và các chương trình thiết thực dành các thành viên HĐQT và những người quan tâm đến công tác QTCT, trong đó có Chương trình thành viên Doanh nghiệp VIOD (CMP). Trong giai đoạn phát triển mới từ năm 2022, với nhiều thách thức khó lường, hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo, các thành viên HĐQT doanh nghiệp cần được trang bị và cập nhật những kiến thức, nguyên tắc quản trị công ty tốt, cũng như chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn và chuyên nghiệp về QTCT để phát triển và nâng cao năng lực thực hành quản trị của từng cá nhân, của cả HĐQT, qua đó góp phần năng lực cạnh tranh và quản trị phát triển bền vững cho doanh nghiệp của mình.
Chủ tịch VIOD cho rằng, đây chính là lý do để VIOD xây dựng Chương trình thành viên cá nhân. “IMP tích hợp trên nền tảng thông lệ tốt nhất mà các viện thành viên HĐQT quốc tế đang áp dụng, nhằm mục tiêu kết nối các thành viên HĐQT - những người đang thực hành và thực sự làm nghề QTCT, làm giàu kiến thức, kinh nghiệm QTCT, mở rộng cơ hội và tôn vinh những giá trị của người làm nghề QTCT này”, bà Thu Thanh nói.
Trong khu vực, chương trình IMP đã được Viện Thành viên HĐQT tại một số nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia… triển khai hiệu quả và mang lại nhiều giá trị hữu ích cho các thành viên HĐQT. Bà Thu Thanh khẳng định, thông qua mạng lưới đối tác chiến lược, VIOD sẽ kết nối các nhà QTCT của Việt Nam với mạng lưới các nhà QTCT trong khu vực và quốc tế để tăng cường cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm và mở rộng phạm vi hành nghề cho các nhà QTCT Việt Nam, góp sức mang lại giá trị bền vững cho các doanh nghiệp và thị trường vốn.
Công bố thông tin trên TTCK: Những điểm mới HĐQT không thể bỏ qua
Trong Chương trình Directors Talk: “Công bố thông tin trên TTCK và vai trò của HĐQT” diễn ra tại Lễ ra mắt Chương trình IMP, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã giúp các thành viên hiểu rõ các quy định về công bố thông tin tại Thông tư số 96/TT-BTC trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Một số điểm mới đáng chú ý gồm: + Đối tượng công bố thông tin (CBTT) không phải gửi bản giấy để báo cáo UBCK, SGDCK khi đã CBTT tin đầy đủ trên các phương tiện CBTT của công ty, UBCKNN (Hệ thống IDS), SGDCK và đảm bảo tuân thủ pháp luật về văn bản điện tử…; + Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng (CTĐC), CTĐC có trách nhiệm công bố về việc trở thành CTĐC kèm bản CBTT về CTĐC trên website của công ty, hệ thống CBTT của UBCKNN; + Thông tư số 96 bỏ quy định gia hạn báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp đại chúng. Thay vào đó, quy định rõ các loại BCTC của CTĐC như sau: Trường hợp CTĐC là cty mẹ của tổ chức khác, công bố 02 báo cáo: BCTC năm của riêng đơn vị mình và BCTC năm hợp nhất; Trường hợp CTĐC là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng phải công bố BCTC năm tổng hợp theo quy định pháp luật kế toán DN; Trường hợp CTĐC là công ty mẹ của tổ chức khác, đồng thời là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng, phải công bố 02 báo cáo: BCTC năm tổng hợp và BCTC năm hợp nhất theo quy định của pháp luật kế toán. + Tất cả CTĐC phải CBTT về báo cáo tình hình QTCT theo mẫu tại Phụ lục Thông tư số 96 trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm và kết thúc năm đương lịch (trước đây chỉ áp dụng CTNY, CTĐC quy mô lớn). + Thông tư 96 quy định CTĐC phải CBTT trong 24 giờ khi có sự kiện ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, QTCT, giá chứng khoán. Điểm mới của Thông tư 96 là: Bỏ quy định CBTT về quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu dẫn đến tổng giá trị các khoản vay của công ty có giá trị từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên tính tại BCTC năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc BCTC bán niên gần nhất được soát xét (do Luật Chứng khoán 2019 không quy định và thực tiễn phát sinh nhiều vướng mắc trong xác định thời hạn công bố, hạn mức công bố, thời điểm công bố); Bỏ quy định CBTT về vốn góp của chủ sở hữu bị giảm từ 10% trở lên hoặc tổng tài sản bị giảm từ 10% trở lên tại BCTC năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc BCTC bán niên gần nhất được soát xét (do Luật Chứng khoán 2019 không quy định, số liệu được phản ánh tại BCTC đã được CBTT và khó xác định thiệt hại trong trường hợp bất thường trong thời hạn 24 giờ); Bỏ quy định CBTTvề ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên đối với BCTC, kết quả điều chỉnh hồi tố BCTC(nếu có) (do phải CBTT đồng thời khi CBTT BCTC năm đã được kiểm toán/BCTC bán niên đã được soát xét). + Trường hợp huy động vốn để thực hiện các dự án đầu tư, Thông tư 96 yêu cầu tổ chức phát hành phải CBTT định kỳ về báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán đã được kiểm toán, báo cáo tiến độ sử dụng vốn kể từ khi kết thúc đợt chào bán trái phiếu ra công chúng cho đến khi hoàn tất thanh toán trái phiếu, hoặc giải ngân hết số tiền đã huy động tùy theo thời điểm nào đến trước. Cụ thể: Phải thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán trong BCTC năm được kiểm toán hoặc công bố đồng thời báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cùng BCTC năm được kiểm toán và báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc Hội đồng thành viên thường niên; Định kỳ 06 tháng, CBTT về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo… Cũng theo bà Tạ Thanh Bình, trong năm 2021, UBCK đã ban hành 568 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt là 2,95 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là vi phạm về CBTT. Năm 2022, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trên TTCK nhất là hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, hoạt động giao dịch, CBTT... |
“Doanh nghiệp cần công bố thông tin liên quan đến phát thải nhà kính”
Ông Vũ Quang Thịnh - Thành viên HĐQT VIOD, CEO Dynam Capital cho biết, điểm rất mới trong Thông tư 96/TT-BTC là quy định các công ty phải công bố thông tin liên quan đến tổng phát thải nhà kính, bắt đầu từ 1/1/2021 (tại Phụ lục 4, mục 2, phần 2, Thông tư 96). Theo đó, Báo cáo thường niên năm 2022 của các doanh nghiệp sẽ phải công bố con số này của năm 2021. Cũng theo ông Thịnh, quan sát xu thế đầu tư trong hơn 10 năm qua cho thấy, các nhà đầu tư lớn, nhất là các quỹ đầu tư ngày càng quan tâm, tính toán đến các yếu tố phi tài chính trong lựa chọn đầu tư, các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị ESG. “10 năm trước ESG là mới nhưng đến bây giờ đã trở thành vấn đề cấp bách của từng doanh nghiệp, của các thị trường, nếu muốn thu hút được vốn đầu tư”, ông Thịnh nói. Với quy định mới này, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng cách đo lường lượng phát thải nhà kính và công bố ra thị trường. “Đây là một bước tiến lớn của quy định pháp lý và khi các công ty công bố chỉ tiêu này, công việc chọn lựa đầu tư của các quỹ sẽ dễ dàng hơn nhiều”, ông Thịnh cho biết. Việc đo lường và công bố chỉ tiêu phát thải nhà kính sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng đánh giá chính mình, từ đó, có ý thức cải tiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm lượng phát thải nhà kính, góp sức cho Việt Nam dần hiện thực hoá các cam kết tại COP 26 vừa qua. |
Bình luận