Định vị thương hiệu TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
Cần có chiến lược để định vị cho TP. Hồ Chí Minh và xây dựng thương hiệu rõ ràng cho thành phố; phải đề xuất chọn một danh xưng cho Thành phố để dễ dàng quảng bá truyền thông cho quốc tế. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia thương hiệu, bà Trần Tuệ Tri - thành viên ban điều hành AVSE Global - cho rằng làm thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ là hoạt động đã có trăm năm nay để tạo thêm giá trị cho sản phẩm, nhưng chỉ đến 25 năm trở lại đây, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi tại sao không đem khoa học về xây dựng thương hiệu ấy cho một điểm đến, địa phương hay một quốc gia.
Năm 1996, chuyên gia Simon Anholt lần đầu đề cập cụm từ "thương hiệu quốc gia". Những nghiên cứu sau đó của ông chỉ ra Hàn Quốc bấy giờ đang phát triển rất tốt về kinh tế, khoa học - công nghệ nhưng trong mắt của nhiều người, họ vẫn chưa thể là một đối thủ đáng gờm so với Nhật Bản hay Trung Quốc. Để tạo thêm lợi thế, Hàn Quốc nghiêm túc xây dựng thương hiệu bài bản về cả kinh tế lẫn văn hóa, để giờ đây thương hiệu của họ đã nổi tiếng thế giới và đóng góp trở lại những giá trị hữu hình.
Tương tự, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của Việt Nam và có văn hóa dồi dào, lịch sử hào hùng. Vậy thì TP. Hồ Chí Minh sẽ kể câu chuyện nào để nhận thức của mọi người về thương hiệu thành phố tương đương hoặc thậm chí hơn những gì Thành phố làm được?" - chuyên gia Trần Tuệ Tri lý giải.
Thành phố với nhiều danh xưng
Thành phố nằm trên vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, có tọa độ 10°10′ - 10°38′ Bắc và 106°22′ - 106°54′ Đông. Thành phố tiếp giáp 06 tỉnh: Phía Bắc và phía Đông: giáp tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; - Phía Tây: giáp tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang; Phía Nam: giáp với Biển Đông.
Thành phố bao gồm: 1 thành phố, 16 quận, 5 huyện; 312 đơn vị hành chính cấp xã (58 xã, 249 phường và 05 thị trấn). Huyện Cần Giờ có diện tích lớn nhất Thành phố. Quận có diện tích nhỏ nhất là Quận 4 với 4,18 km.
Năm 2021, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 03 quận cũ (Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức). Thành phố Thủ Đức trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
“TP. Hồ Chí Minh được xem là nơi “đất lành chim đậu” là thành phố tiêu biểu trên tất cả lĩnh vực kinh tế, giao thông, văn hóa, giáo dục, chính trị được mọi người ở khắp mọi miền đến sinh sống và làm việc. Thành phố từng là nơi cập bến của các đoàn tàu thuyền chở người và hàng hóa. Sài Gòn từng là một thành phố cảng từ nhiều thế kỷ trước, khi thế hệ cha ông đã hoàn thành sứ mệnh khẩn hoang, mở mang bờ cõi, xây dựng thị thành và phát triển Cảng thị Sài Gòn như một hòn ngọc Viễn đông”[1].
Ngày 02/7/1976, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trường Chinh đã ký nghị quyết về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là TP. Hồ Chí Minh.
Tại báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa VI tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ VII (do đồng chí Nguyễn Minh Triết, ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy trình bày ngày 19/12/2000). Đến năm 2010, thành phố Hồ Chí Minh phải là một thành phố văn minh hiện đại, thành phố giữ vững vai trò là một trung tâm về nhiều mặt của cả nước, đồng thời sẽ là một trong những trung tâm thương mại tài chính của khu vực Đông Nam Á, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 20 – NQ/TW ngày 18/11/2002 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 đã nhấn mạnh: “TPHCM là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước…”.
Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 đã nhấn mạnh: “TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo; khoa học – công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.
Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 khẳng định: “Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Vào thời gian sáng 01/09/2005 tại nhà hát Hòa Bình (quận 10) thành phố anh hùng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trao quyết định phong tặng danh hiệu Thành phố anh hùng cho TP. Hồ Chí Minh”[2].
Ngày 28/04/2016, bài của Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, phát triển và hội nhập. Ngày 30/04/2016, bài của Phạm Phương Thảo (nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) báo Người lao động: Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo anh hùng. Trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/04/2019 thì nêu rõ: Thành phố Nghĩa tình, thành phố anh hùng, thành phố sáng tạo và hội nhập.
Cần có chiến lược để định vị cho thành phố và xây dựng thương hiệu rõ ràng cho thành phố; phải đề xuất chọn một danh xưng cho thành phố để dễ dàng quảng bá truyền thông cho quốc tế, đề xuất chọn này phải dựa trên những khác biệt của thành phố, những lợi thế cạnh tranh của thành phố Hồ Chí Minh so với các thành phố khác trên khu vực và thế giới trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Ngày 5/5/2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học: “Định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, là thành phố văn hóa đầu tàu về kinh tế số, xã hội số”. Khát Vọng hướng tới một đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Định hình thương hiệu TP. Hồ Chí Minh
Cho đến nay, định hình thương hiệu TP. Hồ Chí Minh trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; thời kỳ tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thời kỳ “đại học Khởi nghiệp” xu thế của thế giới.
Để phù hợp với tiềm năng, nội lực thật sự của TP. Hồ Chí Minh đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự khác biệt mà khó có thể nơi khác có được chúng tôi có đề xuất rằng, Thành phố phải là Thành phố Khởi nghiệp số một Việt Nam và khu vực (top 10 của thế giới) và “Rồng xanh - sông Sài Gòn” là thương hiệu đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
Là thành phố Khởi nghiệp số 1 của Việt Nam và khu vực
TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và là đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố được đánh giá là năng động nhất cả nước. Thành phố đang có 50% số lượng startup, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước và là nơi có 3 trong 4 "kỳ lân" (doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) của Việt Nam gắn bó.
Danh sách top 10 thành phố khởi nghiệp tuyệt vời nhất thế giới 1. Silicon Valley (Mỹ) 2. New York (Mỹ) 3. London (Anh) 4. Bắc Kinh (Trung Quốc) 5. Boston (Mỹ) 6. Tel AVIV (Israel) 7. Berlin (Đức) 8. Thượng Hải (Trung Quốc) 9. Los Angeles (Mỹ) 10. Seatle (Mỹ) Theo ATP Soft ware – 23/5/2020) |
Tại Chương trình gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo do UBND Thành phố tổ chức ngày 28/3/2024, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết, năm 2023, Startup Genome đã xếp hạng TP. Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 81 - 90 thị trường khởi nghiệp sáng tạo mới nổi của toàn cầu, trong khi Startup Blink xếp hạng Thành phố đứng thứ 114 trong số các hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu.
Theo Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025, Thành phố sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính là nâng cao năng lực cho các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối các nguồn lực của xã hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức ươm tạo và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Thành phố mở rộng hợp tác trong nước, quốc tế; truyền thông các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cũng như xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khu vực công (Govtech).
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố được xây dựng với mục tiêu hình thành mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm các tổ chức ươm tạo, tăng tốc, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối nguồn lực từ các quỹ đầu tư, trường, viện và các cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước có liên quan. Đây còn là nơi giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cộng đồng, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Thành phố trong khu vực và quốc tế.
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh có trụ sở chính đặt tại số 123 đường Trương Định, phường Võ Thị Sáu, Quận 3 và cơ sở tại địa chỉ Lô I - 3b - 3, đường N6, Khu Công nghệ cao (TP. Thủ Đức, TP.HCM). |
“Rồng xanh - sông Sài Gòn” là thương hiệu đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh
“Rồng xanh – sông Sài Gòn” là một tác phẩm kiến trúc – thiên nhiên – văn hóa, là biểu tượng thiêng liêng, quý giá, là niềm tự hào của người dân TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh với chương trình: “Đánh thức con Rồng xanh” chính là điểm nhấn, mô hình mẫu cho các Thành phố thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, rất cần mỗi người dân chung tay góp sức bằng tình yêu, ước mơ, những nỗ lực bền bỉ, sáng tạo và từ những hành động cụ thể mỗi ngày.
Đề án “Đánh thức con rồng xanh” với 3 trụ cột chính: (i) Kinh tế đô thị: Phát triển hành lang kinh tế đô thị (công nghệ cao, du lịch, logistic), thúc đẩy chuyển đổi xanh gắn với hành lang văn hóa sông nước dựa trên một cấu trúc hạ tầng xanh đa chức năng; (ii) Kiến tạo không gian xanh cho xã hội, mọi người dân tạo dựng chuỗi không gian mở, công viên và dịch vụ phục vụ các hoạt động văn hóa xã hội, thể thao, giải trí, dịch vụ sức khỏe của cộng đồng và người dân; (iii) Xây dựng cấu trúc môi trường bền vững, một hạ tầng xanh (xanh lam và xanh lục) có vai trò giảm ngập, lọc nước, đa dạng sinh học, giảm phát thải và cải thiện chất lượng môi trường, an ninh nguồn nước và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Chương trình “Đánh thức con rồng xanh” góp phần thực hiện 3 mục tiêu lớn của Thành phố: (1) Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh phát triển kinh tế - xã hội bền vững; (2) Thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; (3) Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngay từ bây giờ; không phải đợi đến khi thành phố Hồ Chí Minh giàu lên.
Chương trình “đánh thức con rồng xanh” tập trung với những công việc chủ yếu:
- Đưa vào chương trình học thành môn học chính khóa cho học sinh trung học, cao đẳng và đại học với các nội dung: Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Tổ chức hội thảo trên 30 trường đại học nội dung chủ đề: “Đánh thức con rồng xanh” với nhiều hạng mục khác nhau như: Đánh thức con rồng xanh; Làm sạch sông Sài Gòn và nâng cao chất lượng môi trường nước.
- Xanh hóa sông Sài Gòn và tăng cường đa dạng sinh học dọc theo hành lang sông, trở thành “Dòng sông xanh” cho cộng đồng và sức khỏe của người dân Thành phố
Theo tính toán sơ bộ của nhóm chuyên gia cố vấn cho chương trình “Đánh thức con rồng xanh” có thể đầu tư trọn vẹn cần rất nhiều tiền của và công sức, tuy nhiên mức thấp nhất phải sử dụng số tiền kinh phí khoảng 5 tỷ USD; trong thời gian từ 2024-2030 tầm nhìn 2045.
Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để huy động nguồn lực từ xã hội (xã hội hóa) để có được 5 tỷ USD cho đầu tư “Đánh thức con rồng xanh”? mà không phải dùng đến kinh phí ngân sách.
Triển khai chương trình hành động, ứng dụng từ lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có được: “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Cần có căn cứ trên những vấn đề căn bản: (1) Thống nhất xuyên suốt chương trình, mục đích ý nghĩa của chương trình; (2) Tổ chức bộ máy, chính danh hoạt động, theo nguyên tắc kiêm nhiệm, không có kinh phí; (3) Quản lý tài chính cần công khai, minh bạch, định kỳ hàng quý, hàng năm có kiểm toán quốc tế.
Công cụ để phát huy nguồn lực xã hội cần thiết phải thành lập Hội đồng cố vấn chương trình “Đánh thức con rồng xanh”, gồm các thành phần chính sau:
-
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố (Chủ tịch Hội đồng)
-
Đại diện Thành ủy
-
Giám đốc Sở Kiến trúc Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh (phó chủ tịch thường trực Hội đồng)
-
Giám Đốc Sở Tài nguyên Môi trường (thành viên)
-
Giám đốc Sở Công thương thành phố (thành viên)
-
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (thành viên)
-
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố (thành viên)
-
Giám đốc Sở Du lịch thành phố (thành viên)
-
Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
-
Quỹ vì chất lượng cuộc sống (thành viên)
-
Vài chuyên gia độc lập - có thể là đại diện doanh nghiệp (thành viên)
-
Sở Giáo dục Đào tạo (thành viên)
-
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
-
Đoàn thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
-
Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
-
Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
-
Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
-
Vài trường Đại học có uy tín (thành viên)
-
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực từ các nhà mạnh thường quân, nhà tài trợ, tổ chức hàng năm trồng cây tại nhiều điểm khác nhau dọc theo 2 bên sông Sài Gòn. Ít nhất 1 năm tổ chức trồng 20 lần tại 20 điểm khác nhau. Phối hợp với WB, IMF,… phối hợp với các tổ chức chuyên gia các nước Pháp, Singapore, Nhật, Úc… triển khai quy hoạch Rồng xanh – sông Sài Gòn. Thông qua các chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư quốc tế, trong nước vào các dự án xung quanh sông Sài Gòn./.
[1] Trang 176, sách Đánh thức con rồng xanh, tác giả CEO Đặng Đức Thành và Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Nxb Đại học Quốc gia ngày 31 tháng 8 năm 2023.
[2] http://tuoitre.vn>thoi.su>xa.hoi ngày 2/9/2005
CEO Đặng Đức Thành
Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU)
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Bình luận