Chưa đánh giá rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu
Chưa truy rõ trách nhiệm
“Đến ngày 11/3/2022, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát, 55/63 báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố. Đoàn giám sát nhận thấy, việc báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu…”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra, khi xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế…, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, số ngày tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu còn nêu chung chung. Ảnh: QH |
Cũng theo ông Bình, chất lượng báo cáo các bộ, ngành Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế, nhiều báo cáo đánh giá chung chung, không cụ thể, không rõ địa chỉ. Mặc dù Đoàn giám sát đã có đề cương chi tiết, rõ nội dung yêu cầu tại phụ lục, bảng biểu, tuy nhiên một số UBND tỉnh báo cáo chưa đúng, chưa đủ nội dung theo đề cương, biểu mẫu. Số ngày tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu còn nêu chung chung, chưa đánh giá đầy đủ trách nhiệm, hiệu quả tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu...
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, so với giai đoạn 2011-2016, giai đoạn 2016-2021, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%, nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương. |
“Qua bước đầu giám sát cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các sở, ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện..”, ông Bình cho hay.
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, Đoàn giám sát tiếp tục đi sâu hơn nữa để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu trong công tác thể chế hóa văn bản quy phạm pháp luật, cũng như tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện để đề xuất, kiến nghị cấp có thầm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Đoàn giám sát sẽ rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực hành chính. Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát sẽ lập danh sách các vụ việc cụ thể để đề xuất UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát, định kỳ báo cáo UBTVQH tại các Phiên họp định kỳ hàng tháng và kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Thảo luận tại phiên họp, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, điểm mấu chốt là cần chỉ được địa phương nào, ngành nào có nhiều đơn thư, chỉ rõ nguyên nhân. Nếu do pháp luật thì đề xuất sửa đổi, hay do khâu tổ chức thực hiện thì cần bàn bạc hướng đến thay đổi nhận thức và hành động, đồng thời có thống kê vụ việc tồn đọng kéo dài để chỉ đạo giải quyết...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giám sát không đi vào giải quyết các vụ việc cụ thể, mà giám sát để nắm tình hình giải quyết. Ảnh: QH |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị báo cáo kết quả giám sát cần bảo đảm toàn diện cả hai lĩnh vực hành chính và tư pháp. Giám sát không nên quá sa đà vào vụ việc cụ thể, bởi đây là giám sát vĩ mô. Đoàn giám sát không trực tiếp giải quyết vụ việc, mà giám sát tình hình giải quyết… |
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, qua xem xét báo cáo bước đầu cho thấy, nhiều số liệu còn chung chung như số liệu về tiếp công dân của người đứng đầu. Chỉ khi người đứng đầu không tiếp hoặc ủy quyền cho cấp dưới tiếp, thì mới viết chung chung. Khi ủy quyền cho cấp dưới, giao lại cho văn phòng hay luân phiên các phòng ban tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân nhiều năm thường có có định kiến nhất định, thái độ không tích cực, từ đó nhận lại sự phản ứng của người dân và tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhiều vụ việc vượt cấp cũng từ đây mà ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Đoàn giám sát đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật tại các cơ quan, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu có bảo đảm đúng, đủ quy định, bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu…
“Mục tiêu của giám sát lần này là tạo được bước chuyển biến rõ rệt, căn cơ của việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực sự chuyển biến tích cực, đồng thời đề ra thời hạn giải quyết căn cơ những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài, hạn chế tối đa hoặc không để phát sinh vụ việc phức tạp mới…”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.
Bình luận