“Chúng ta tự ghè chân mình nếu phá giá VNĐ”
Chuyên gia Nguyễn Anh Dương (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) đã ví von như vậy tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cải cách và Triển vọng trong một thế giới nhiều biến động”, ngày 20/7/2018.
Chuyên gia Nguyễn Anh Dương (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)
Chạy theo diễn biến đồng NDT có thể làm tăng độ bất định cho nền kinh tế
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, đã có chuyên gia đề xuất giảm giá đồng Việt Nam.
Không đồng tình với đề xuất phá giá, chuyên gia Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô cho rằng, các ý kiến và kiến nghị về tăng tỷ giá VNĐ/USD đều chỉ nhìn việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá NDT như một sự kiện riêng biệt, trong khi ít nhiều còn thiếu thực tiễn về hoạt động thương mại, cũng như thị trường ngoại hối.
Việc dựa hoàn toàn vào tỷ giá theo cách “phá giá” để ứng phó với những tác động bất lợi đối với thương mại là không phù hợp, theo ông Dương là do bất định đối với thương mại hiện nay xuất phát từ những vấn đề của kinh tế thực của Mỹ và Trung Quốc, khó có thể xử lý trong ngắn hạn.
“Trong chừng mực ấy, dùng biện pháp tiền tệ để xử lý vấn đề kinh tế thực khó có thể mang lại hiệu quả bền vững”, vị chuyên gia của CIEM nhấn mạnh.
Với quan điểm đó, ông Dương cho rằng, việc có các điều chỉnh chạy theo diễn biến đồng NDT có thể làm tăng độ bất định đối với điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá.
Trong bối cảnh ấy, các nhà đầu tư cũng phản ứng quá mức và các tài sản USD được coi là có độ an toàn cao nhất; điều này càng gây thêm áp lực mất giá đối với VNĐ.
Phá giá: Việt Nam có thể gặp phải tình trạng “nhập khẩu lạm phát"
Ông Dương ví von: “Chúng ta tự ghè chân mình nếu phá giá”. Bởi, theo nghiên cứu của CIEM, việc điều chỉnh tỷ giá không phải lúc nào cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Dẫn các nghiên cứu của Trương Đình Tuyển và cộng sự (2011), Võ Trí Thành và Nguyễn Anh Dương (2015), vị chuyên gia này cho biết, điều chỉnh tỷ giá chỉ có thể giúp tăng xuất khẩu nếu vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng đây lại là thách thức khá lớn đối với Việt Nam.
Từ năm 1994, Trung Quốc đã khá thành công trong việc giữ cho hàng hóa cạnh tranh. Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của Trung Quốc tăng hơn 101,4% trong giai đoạn 1994-tháng 7/2015, cho thấy hàng Trung Quốc rẻ đi so với hàng hóa thế giới, dù đồng NDT lên giá 42,2% so với USD trong cùng giai đoạn. Trong khi đó, đồng VNĐ mất giá 49,9% so với USD trong cùng giai đoạn, nhưng hàng Việt Nam lại lên giá hơn 27,0% so với hàng hóa thế giới (theo REER).
Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc đồng NDT mất giá cũng làm đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn (khi quy ra VNĐ). Do chi phí đầu vào (từ nhập khẩu) giảm, hàng Việt Nam có thể không kém cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc ở thị trường thứ ba.
“Giá cả không ít mặt hàng trên thế giới đang có xu hướng tăng. Nếu phá giá VNĐ, dù chỉ ở mức 2-3%, thì Việt Nam có thể gặp phải tình trạng “nhập khẩu lạm phát” song song với rủi ro suy giảm kinh tế - điều đã gặp phải trong giai đoạn 2008-2009”, ông Dương cảnh báo.
Điều hành tỷ giá cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng
Theo ông Dương, tư duy phá giá hiện nay cũng không phù hợp với chuỗi giá trị hiện nay.
Trong chuỗi giá trị, cho rằng, nhà đầu tư thấy giá rẻ mà nhập khẩu thì không đúng. Bởi, nhà sản xuất họ chỉ nhập khẩu đúng mặt hàng mình cần, họ quan tâm nhiều tới việc đúng hạn, đúng thời gian.
Khi gặp biến động tỷ giá, họ tập trung cho công tác quản trị rủi ro tỷ giá, chứ không phải tận dụng lúc giá rẻ để nhập khẩu nhiều hơn.
Bổ sung thêm vào bài phát biểu của ông Nguyễn Anh Dương, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng, thực tế doanh nghiệp rất lo lắng về sự bất ổn của chính sách tiền tệ.
"Họ rất sợ phá giá đồng tiền, họ cần sự ổn định trong điều hành để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh lâu dài", người đứng đầu CIEM chia sẻ những điều mình biết được trong thực tế.
Vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành chính sách tỷ giá cần theo hướng nào? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, điều hành tỷ giá chỉ nên được coi là một phần trong kết hợp chính sách để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
“Ưu tiên điều hành tỷ giá, do đó, cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng”, ông Dương đề xuất.
Thực tế, mức tăng tỷ giá trung tâm trong tháng 4 và 5 cao hơn so với tháng 6, trong khi tháng 6 lại chứng kiến tỷ giá biến động nhiều nhất. Bắt đầu từ cuối tháng 5, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá của ngân hàng thương mại tăng gần như liên tục trong tháng 6, thậm chí có những thời điểm đạt tới 210 đồng.
Chênh lệch giữa tỷ giá ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm ở mức khá thấp trong quý và còn cách xa mức trần 3%, dù giữ xu hướng tăng trong tháng 5-6.
“Như vậy, động thái điều chỉnh tỷ giá trung tâm đã chủ động tạo thêm độ linh hoạt cho diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại hối – trong bối cảnh đồng USD lên giá. Trong khi đó, cho đến tháng 6, Ngân hàng Nhà nước chưa phải bán ngoại tệ để can thiệp vào tỷ giá”, ông Dương cung cấp thêm thông tin./.
Bình luận