Cần mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, CIEM đề xuất cần thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế

"Kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, nhưng đã có một số chuyển biến. Các tổ chức quốc tế đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Trong đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 và 2024 là khoảng 3%...", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 diễn ra chiều nay (8/8).

Trên cơ sở đó, tại báo cáo tháng 7/2023, CIEM đã dự báo 3 kịch bản kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong năm 2023 như sau.

Cần mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới

Theo đó, kịch bản 1 được tính toán trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Kịch bản 3 có thể xảy ra với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm…), sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam. Qua đó, giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh, năng suất lao động, giúp thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư (cả tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài) theo hướng hiệu quả hơn.

Cần cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Đề cập đến một số kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Dương cho rằng, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).

Thứ hai, cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN…

Thứ ba, cần thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…/.