“Chúng tôi thấy được những rủi ro và điều đó có nghĩa là mọi người phải hết sức cẩn thận”, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, David Lipton chia sẻ với Bloomberg hôm thứ Sáu, “Với căng thẳng thương mại, không biết chính sách tiền tệ sẽ đi về đâu, không biết tăng trưởng của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào, đã đến lúc để đảm bảo rằng các nhà hoạch định chính sách không nên có những động thái tồi tệ hơn”.

Ông Lipton kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác giải quyết xung đột thương mại - một rủi ro chính mà IMF đã nhiều lần cảnh báo kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp dụng các biện pháp đánh thuế nhập khẩu vào năm ngoái.

Mối đe dọa từ những sai lầm chính trị đang xuất hiện trên nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh phản ứng dữ dội với thương mại tự do đã thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trên toàn thế giới. Trong tuần này, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước, khi điều kiện tồi tệ hơn nằm ở hầu hết các nền kinh tế phát triển lớn.

“Chúng tôi thấy được những rủi ro, mọi người phải hết sức cẩn thận, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách không nên có những động thái tồi tệ hơn”

Chiến tranh thương mại

Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng qua. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây ra hậu quả không lường trước được nếu Trung Quốc cam kết chọn hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, loại bỏ hàng nhập khẩu từ các nước khác ở châu Á, Changyong Rhee, người đứng đầu bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF cảnh báo hôm thứ Sáu.

Bên cạnh đó, nguy cơ về các cuộc chiến thương mại khác cũng có thể nổ ra. Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp thuế vào 10,2 tỷ Euro (tương đương 11,5 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ nhằm trả đũa đối với các khoản bảo trợ cho Airbus là công ty đối thủ của Boeing.

Kế hoạch này được đặt ra sau khi Mỹ đe dọa đánh thuế các hàng hóa của EU, từ máy bay trực thăng đến phô mai. Cả hai động thái bắt nguồn từ các tranh chấp đã có từ 14 năm trước, áp lực buộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra quyết định cuối cùng.

Khi được hỏi về căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, ông Pierre Moscovici, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế cho biết, đã đến lúc EU và Mỹ phải hạ nhiệt xuống và tránh xa cuộc chiến thương mại. Thật là vô lý khi Mỹ coi EU là một mối đe dọa như Trung Quốc, ông nói trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg TV.

Ở châu Âu, sự suy yếu đã được phát hiện đặc biệt ở Đức và Ý, mặc dù cơ sở là đang phục hồi dần dần, ông Poul Thomsen, Giám đốc Châu Âu của IMF cho biết trong một cuộc họp tại Washington hôm thứ Sáu.

Khủng hoảng Brexit

Trong khi đó, việc Anh rời khỏi EU tiếp tục gặp khó khăn. Vương quốc Anh dự định rời EU vào ngày 29/3, nhưng đã 2 lần phải đề nghị 27 nhà lãnh đạo khác cho phép gia hạn. Kế hoạch mới nhất được thống nhất trong tuần này tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels là để Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10. Chính phủ của bà May có thể đàm phán với Đảng Lao động đối lập để xem liệu họ có thể đồng ý một thỏa thuận thỏa hiệp sẽ được hỗ trợ bởi Nghị viện hay không.

“Đây không phải là một cuộc tranh luận về kinh tế”, Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Philip Hammond nói với Bloomberg TV, “Nói một cách thẳng thắn, nếu chỉ vì kinh tế, người Anh đã quyết định ở lại EU. Lý do rời đi không phải là kinh tế mà là do cảm xúc và chính trị”.

Thách thức là “tìm ra cách đưa ra quyết định chính trị của người dân Anh để có thể bảo vệ nền kinh tế, việc làm và sự thịnh vượng của Anh, ông Hamnond nói.

Các thị trường mới nổi

Tại các thị trường mới nổi, các nhà đầu tư đã được nhắc nhở về những nguy cơ của tác động của chính phủ đến nền kinh tế. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ra lệnh cho công ty Petrobras - thuộc sở hữu nhà nước kiềm chế không tăng giá dầu diesel hôm thứ Năm. Quyết định được đưa ra một cách vội vã đã làm dấy lên những lo ngại về các chính sách can thiệp gây tổn thương đến nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ.

Để chắc chắn, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể đang chuyển hướng. IMF đang dừng việc dự đoán suy thoái kinh tế. Tăng trưởng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, các biện pháp kích thích của Trung Quốc đang có tác dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết.

Ông Kuroda chia sẻ: “Đúng là có những rủi ro suy thoái. Tuy nhiên, tôi tin rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Một môi trường tiền tệ phù hợp sẽ tiếp tục, trong khi các hiệu ứng chính sách hỗ trợ của Trung Quốc với nền kinh tế sẽ dần có tác dụng./.

Dịch từ nguồn: https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-04-12/imf-warns-policymakers-to-do-no-harm-as-world-economy-wobbles