Chuyển đổi số, nhiều ngân hàng mới “chuyển” chứ chưa… “đổi”
Nhiều thách thức
“Quá trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như: chi phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng tốn kém, khoảng 80% người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt, 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, ngân hàng, chia sẻ tại Hội thảo Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số, diễn ra hôm nay (ngày 7/10).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện ở Việt Nam chưa có hệ thống chấm điểm tín dụng của người dân |
Theo góc nhìn của ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, hiện nhà nhà, người người nói về chuyển đổi số, nhưng hiểu và thực thi nó thì có nhiều mức độ khác nhau. Nhiều người coi chuyển đổi số như một dự án về công nghệ hơn là dự án kinh doanh. Hiện nhiều ngân hàng mới “chuyển” chứ chưa “đổi”, bởi nói chuyển đổi số, thường các ngân hàng nghĩ là dùng công nghệ số điện toán đám mây, để chuyển nhà “lên mây”, trong khi đổi ở đây là phải thay đổi về quy trình, kiến trúc, cách thức vận hành ngân hàng…
“Để triển khai ngân hàng số đòi hỏi tầm nhìn và lãnh đạo số, trong khi hiện ở Việt Nam tư tưởng lãnh đạo số còn tương đối thấp, nên còn khoảng cách giữa lãnh đạo về mặt kinh doanh và công nghệ…”, ông Minh phân tích.
Một trở ngại cho chuyển đổi số ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech là ngân hàng hay cậy thế “ông lớn” khiến các công ty fintech bị lép vế trong mối tương quan khi hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số. Thay vì tư tưởng “ông lớn”, các ngân hàng nên có cách tiếp cận win - win hơn nữa trong mối quan hệ với các công ty fintech…
Giải pháp nào?
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đi vào thực chất, theo các chuyên gia, cả cơ quan quản lý lẫn hệ thống ngân hàng và các bên liên quan cần triển khai nhiều giải pháp.
Theo ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, khi các ngân hàng tính đến chuyển đổi số, thì phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng |
Theo ông Minh, chuyển đổi số để tạo ra doanh thu mới, số lượng khách hàng mới từ cơ hội mới trên nền tảng số. Do đó, khi các ngân hàng tính đến chuyển đổi số, thì phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng. Ví dụ như khi chuyển đổi số, thì sẽ có bao nhiêu khách hàng mới đến từ kênh số, nền tảng số; làm thế nào thay đổi chi phí trên doanh thu. Khi chuyển đổi số thành công sẽ giúp ngân hàng giảm các chi phí: vận hành, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin. Phần chi phí tiết giảm này cần được ngân hàng sử dụng để tái đầu tư vào công nghệ số để tiếp tục tạo ra sự sáng tạo mới, mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan quản lý cần định hình cơ chế kiểm soát người dân sử dụng điện thoại thông minh được phép tiêu số tiền bằng đúng con số thực có trong tài khoản của họ, chứ không cho phép nhà mạng có chức năng tạo tiền như Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. |
“Khi chuyển đổi ngân hàng số, việc thu hút được khách mới đã khó, giữ được chân họ còn khó khăn hơn. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng cần tạo ra môi trường thuận lợi để cho khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch hàng ngày. Nghĩa là các ngân hàng cần đổi mới sáng tạo trong tạo ra sân chơi, để giữ chân khách hàng bằng cách cung cấp hệ sinh thái giao dịch đa dạng nhằm đáp ứng phong phú nhu cầu của khách hàng…”, ông Minh nhìn nhận.
“Kinh nghiệm từ thị trường Hoa Kỳ cho thấy, các ngân hàng nhỏ và vừa không bao giờ bỏ ra số tiền hàng triệu USD để mua phần mềm phục vụ cho hoạt động, mà họ đi thuê phần mềm, thậm chí cả phần cứng với chi phí hợp lý, đồng thời khắc phục được tình trạng hệ thống phần mềm nhanh chóng bị lỗi thời do không được cập nhật. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam có cơ chế cho phép các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam cho các ngân hàng thuê cả phần cứng và phần mềm...”, ông Hiếu đề xuất.
Để triển khai được cơ chế trên, theo ông Hiếu, ngân hàng cần xây dựng lòng tin với các công ty fintech. Cùng với đó, Chính phủ cần đổi mới phương thức quản lý thông tin trong ngân hàng theo hướng thông thoáng và cởi mở hơn hiện nay./.
Bình luận