Chuyển đổi số và câu chuyện của Digital marketing trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Digital marketing là một công cụ rất hữu ích trong ngành chăm sóc sức khỏe, nhiều lợi ích nổi bật được nhắc đến bên cạnh sự hiệu quả trong việc tiếp cận và chăm sóc khách hàng

Digital marketing đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành chăm sóc sức khỏe

Cuộc cách mạng số 4.0 đã làm thay đổi toàn diện theo hướng tích cực ở tất cả các ngành. Hầu hết trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có sự góp mặt của marketing hay digital marketing, kể cả những ngành đặc thù, như: y học, sinh học hay rộng hơn là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung.

Marketing (Tiếp thị) có thể hiểu một cách đơn giản là một quá trình hoạt động để tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua việc đưa thông tin về sản phẩm, dịch vụ và thông tin đến thị trường. Marketing đã xuất hiện từ lâu và có vai trò quan trọng đối bất kỳ doanh nghiệp nào trong bất cứ ngành nghệ nào và dược phẩm cũng là một trong số những ngành đó. Theo Philip Kotler, “Marketing là khoa học và nghệ thuật khám phá, sáng tạo và cung cấp giá trị nhằm thỏa mãn nhu cầu của thị trường mục tiêu với lợi nhuận. Marketing xác định các nhu cầu và mong muốn chưa được đáp ứng”. Marketing giúp các doanh nghiệp dược phẩm tìm kiếm cơ hội, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm, tăng mức độ nhận diện thương hiệu từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số và câu chuyện của Digital marketing trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
ThS. Trương Văn Đạt cho rằng “Digital marketing là một công cụ rất hữu ích trong ngành chăm sóc sức khỏe, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tiếp cận và tương tác với khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả”. Với các công cụ như email marketing, quảng cáo trên mạng xã hội, các trang web và ứng dụng di động, các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe có thể tiếp cận đến hàng triệu khách hàng tiềm năng một cách dễ dàng và tiện lợi. Điều này giúp cho các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe có thể tăng doanh số và đưa thương hiệu của họ đến với một đối tượng khách hàng rộng hơn.

Trong thời đại công nghệ 4.0, Digital marketing (Tiếp thị số) đã trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực để quảng bá và tiếp cận khách hàng. Digital marketing là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ trong thời đại số. Với sự gia tăng của công nghệ và internet, các doanh nghiệp đang dần chuyển hướng từ các phương tiện truyền thông truyền thống sang các kênh truyền thông số. Điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các chuyên gia marketing.

Không riêng gì ngành dược, tất cả các ngành kinh tế - kỹ thuật – thương mại khác đều phải học cách thay đổi để thích ứng với thời đại, tạo nên lợi thế cạnh tranh và tránh bị tụt lại phía sau. Digital marketing đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành dược nói riêng và trong khối ngành y tế nói chung để giúp các doanh nghiệp dược phẩm hay các tổ chức y tế tăng cường hiệu quả quảng bá, thu hút khách hàng và tăng doanh thu.

Với mục đích tiếp cận khách hàng, từ đó quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, Digital marketing bao gồm nhiều phương pháp ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động tiếp thị như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization – SEO), các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, email marketing, marketingnội dung và lưu trữ đám mây.

Các công cụ Digital marketing còn được ứng dụng để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tạo ra lưu lượng truy cập trang web và tăng tương tác với khách hàng. Hiện nay Digital marketing đang ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng hơn trong việc tiếp cận khách hàng và tăng trưởng doanh nghiệp. Đối với ngành dược, Digital marketing từ khi xuất hiện và phát triển đã và đang dần thay thế các chiến lược tiếp thị truyền thống, điều này đòi hỏi sự thay đổi đến từ các doanh nghiệp, công ty nhằm nhanh chóng thích ứng, bắt kịp với những phát triển của thời đại công nghệ số.

Tuy nhiên, trong ngành chăm sóc sức khỏe có thể tận dụng được tiềm năng phát triển hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Hiện nay, digital marketing trong lĩnh vực này được cho là phát triển chậm hơn nếu so với các ngành khác, điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các chuyên gia trong ngành.

Sáu lợi ích nổi bật của Digital marketing

Theo nhiều kết quả đánh giá, cơ hội phát triển marketing số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có triển vọng rất tốt trong thời gian tới. Với quy mô dân số được dự đoán sẽ tăng trong năm năm tới tăng 0,93% và tỷ lệ dân số trên 65 tuổi vào năm 2039 dự báo đạt 15% tổng dân số, đã cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam trong tương lai sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng và “già hóa dân số”.

Ngoài ra, sự phổ cập ngày càng rộng rãi của internet trong người dân khi đầu tháng 01/2022 Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet (73,2% quy mô dân số) cũng thể hiện trong tương lai dư địa phát triển marketing số là rất lớn.

Sáu lợi ích nổi bật của Digital marketing gồm:

Ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm của chính phủ trong việc nâng cao tuổi thọ cho người dân

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó tuổi thọ bình quân dân số đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Bên cạnh đó, theo báo cáo mới nhất của World Bank (Ngân hàng Thế giới), Việt Nam đang trải qua giai đoạn có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay. Điều này đồng nghĩa rằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng được đặt lên cao hơn trong quỹ chi tiêu của người dân.

Số hóa là xu thế, công nghệ tiên tiến, phát triển một cách mạnh mẽ

Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế. Theo báo cáo "Chuyển đổi số tại Việt Nam và những thống kê ấn tượng đầu năm 2021", có đến 96,9% dân số nước ta sử dụng smartphone, điều này đã tạo điều kiện để Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các công nghệ mới liên quan đến khám chữa bệnh.

Sự phát triển công nghiệp giúp chúng ta có thể ứng dụng những kỹ thuật hiện đại như điện toán đám mây, AI (Trí tuệ nhân tạo) vào trong digital marketing ngành chăm sóc sức khỏe. Xây dựng những chatbot AI thông minh có thể giới thiệu hay tư vấn sức khỏe hay sử dụng thuốc hợp lý.

Sự bùng nổ mạng xã hội

Song song với sự phát triển của các ngành khác, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng có thể dựa vào nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng truyền thông như Facebook, Instagram, Tik Tok, Twitter, Youtube… để tăng cơ hội tiếp cận và chăm sóc khách hàng một cách nhanh, rộng và sâu. Chúng ta đều có thể dễ dàng tìm thấy những ông lớn trong ngành chăm sóc sức khỏe như DHG Pharma, Johnson & Johnson, Pfizer, Sanofi, Roche,... chứng tỏ lĩnh vực này đã và đang ngày càng phát triển thông qua mạng xã hội thay vì các kênh truyền thông truyền thống.

Đối với một lượng lớn người dân tham gia sử dụng mạng xã hội khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn về cơ hội kết nối ngành chăm sóc sức khỏe với các chuyên gia nổi tiếng có sức ảnh hưởng trong ngành trên các trang mạng xã hội để tăng hiệu quả của các chiến dịch marketing.

Xu hướng mua hàng trên các sàn thương mại điện tử

Ngày nay, việc mua bán trực tuyến đem lại cho người dùng nhiều sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian hay được mua với những khuyến mãi và ưu đãi lớn lớn, thậm chí người dùng không cần tự mình mua sắm mà còn có thể nhờ người mua hộ thông qua các ứng dụng trực tuyến. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, chúng ta càng thấy rõ ràng hơn khi sự gặp mặt, mua bán trao đổi trực tiếp dường như bị hạn chế tối đa thì người dùng càng bắt đầu “tập” đặt hàng trực tuyến nhiều hơn. Một số trang thương mại điện tử hiện đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Sendo,... đều đang chuyển mình, cập nhật xu hướng và tỏ ra chiều lòng khách hàng với nhiều tiện ích hơn nữa. Chính vì vậy, ngành chăm sóc sức khỏe cũng không ngừng nỗ lực để phù hợp với xu hướng hiện tại.

Khả năng tiếp cận và chăm sóc khách hàng nhanh, rộng, sâu thông qua digital marketing

Bằng nhiều phương pháp tiếp cận khách hàng khác nhau thông qua phương tiện điện tử và internet, digital marketing cho phép sử dụng hình ảnh, âm thanh sống động, video phong phú, hấp dẫn để truyền tải thông điệp đến khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, việc liên tục xuất hiện trên các nền tảng số và đúng đối tượng khách hàng mục tiêu giúp tăng độ nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp, tăng tần suất tương tác với khách hàng. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận được rằng digital marketing giúp chúng ta thấu hiểu khách hàng hơn, dễ dàng chăm sóc và giải quyết các mối quan tâm của họ với mức chi phí ban đầu không quá cao so với các phương pháp marketing truyền thống.

“Digital Marketing”: Công cụ hiệu quả, nhưng cũng là thách thức

Song song với những cơ hội, thì việc sử dụng digital marketing cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe, đó là:

Kỹ thuật công nghệ và xu hướng thị trường thay đổi liên tục: Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải tìm cách để nổi bật và thu hút được sự chú ý của khách hàng. Để làm được điều này, các chuyên gia marketing trong ngành chăm sóc sức khỏe cần phải có kiến thức sâu và rộng về các công cụ và kênh truyền thông số, đồng thời cũng cần phải có khả năng phân tích và đánh giá hiệu quả của các chiến dịch marketing của mình. Khách hàng sẽ ngày càng trở nên khó tính, đòi hỏi các doanh nghiệp dược cần phải liên tục cập nhật xu hướng thị trường.

Tiêu chuẩn kiểm duyệt cao hơn đối với quảng cáo dược phẩm, chăm sóc sức khỏe: Ở nước ta, hầu hết quảng cáo dược phẩm thường bị hạn chế và tất cả các tài liệu quảng cáo phải được đăng ký thông qua Bộ Y tế. Để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả trên các nền tảng số, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo tính chính xác và an toàn của thông tin liên quan đến sức khỏe của người dùng.

Khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe thấp ở những người ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa: Ở Việt Nam, dân số ở nông thôn cao, chỉ 33,6% sống ở thành thị. Bệnh nhân ở đây tiếp cận chăm sóc y tế gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, có sự khoảng cách về mức sống giữa các vùng nông thôn và thành thị cũng ảnh hưởng đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng như vấn đề cơ sở hạ tầng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế là không hề nhỏ tại địa phương ở vùng sâu, vùng xa.

Thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn thiếu hụt và ẩn chứa nhiều nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin. Việc bảo vệ thông tin khách hàng cũng là một trong những thách thức lớn của digital marketing. Với sự phát triển của internet, các vấn đề về an ninh mạng và việc xâm nhập vào thông tin cá nhân của khách hàng đang trở thành một thách thức đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

--------------------

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, Digital marketing là một công cụ rất hữu ích trong ngành chăm sóc sức khỏe, nhiều lợi ích nổi bật được nhắc đến bên cạnh sự hiệu quả trong việc tiếp cận và chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội của Digital marketing, các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe cần phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải có kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển các chiến dịch marketing hiệu quả trên các kênh truyền thông số./.

Tài liệu tham khảo

1. Philip Kotler, Gary Armstrong (2017), Principles of Marketing 17th Edition, Pearson.

2. Dhara Parekh, Dr. Pankaj Kapupara, Dr. Ketan Shah, Digital Pharmaceutical Marketing : A Review, researchgate.net/, January 2016.

3. Ganesh R. Bharskar, SuhasS. Siddheshwar, Digital Marketing In Pharmaceutical Sector, researchgate.net/, April 2020.

4. Bensoussan, Babette E.; Fleisher, Craig S. (2008), SWOT analysis, FT Press.

ThS. Trương Văn Đạt

Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP. Hồ Chí Minh

Phạm Thị Thu

Khoa Dược - Đại học Y Dược TP. HCM

và nhóm cộng sự Khoa Dược - Đại học Y Dược TP. HCM