Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020 vào tháng 8/2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định quan điểm rõ ràng rằng, việc bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi

Tại Dự thảo Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14, ngày 10/11/2016. Theo đó, Chính phủ đã giao chi tiết kế hoạch vốn cho các Bộ, ngành và địa phương, trong đó đã xác định tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 theo cơ cấu ngành, lĩnh vực, chương trình và cho từng dự án cụ thể.

Do đó, Kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trên cơ sở bám sát mục tiêu, định hướng đầu tư công tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đồng thời bổ sung và cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo hướng tập trung hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, đặc biệt trong công tác quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công, từ đó tạo tiền đề cho công tác xây dựng, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn tiếp theo.

Tại Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, các nguồn vốn được tập trung nghiên cứu trong Kế hoạch là các nguồn vốn đầu tư công được quy định tại Luật Đầu tư công và có xem xét tới mối liên hệ với vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng thể cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội.

Mục tiêu chung của Kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020 là nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công. Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước bình quân giai đoạn đạt khoảng 10-11% GDP.

Đề án được xây dựng trên các quan điểm cơ cấu lại đầu tư công phải được triển khai trong tổng thể chương trình cơ cấu lại nền kinh tế và được thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại tài chính công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; Cơ cấu lại đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, phải đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của xu thế hội nhập, của từng ngành, địa phương và toàn nền kinh tế.

Hình thành định hướng và cơ cấu lại đầu tư công trên cơ sở phù hợp với vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, từng bước giảm thiểu vai trò đầu tư trực tiếp của Nhà nước, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội; Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế. Nhà nước tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, trọng điểm có tác động thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển và các công trình gắn với phát triển sản xuất, tạo sản phẩm.

Hoàn thiện hệ thống quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế đảm bảo đến năm 2019 đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN-4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công. Tăng cường đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho vay lại gắn với tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Rà soát, công bố công khai nội dung, nhiệm vụ cần thu hút đầu tư của xã hội để có chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút đầu tư.

Hoàn thiện, triển khai thống nhất trên toàn quốc hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trái phiếu Chính phủ...); xây dựng quy định bảo đảm triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin; hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và địa phương sử dụng trong công tác quản lý, lập báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tái khẳng định quan điểm rõ ràng rằng, việc bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Tập trung thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Giảm dần tỷ lệ vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đồng thời, cơ cấu lại đầu tư công thực hiện đồng bộ với các công cụ chính sách khác, nhất là các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển thị trường tài chính và thị trường vốn. Tăng cường trách nhiệm giải trình và góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong Dự thảo Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ thời gian thực hiện đánh giá kết quả thực hiện Đề án, đó là vào quý II/2020. Đề án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, dự kiến, tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ động làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính về số bội chi ngân sách địa phương; số vốn tăng thêm dành cho đầu tư công (nếu còn nguồn); Việc sử dụng nguồn xổ số kiến thiết giai đoạn 2017-2020 cho các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi và các lĩnh vực cấp thiết khác của địa phương.

Đồng thời, tiếp tục rà soát lại các nguyên tắc, tiêu chí và xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trong phạm vi tổng mức đầu tư nêu trên; Cắt giảm các công trình, dự án có mức độ ưu tiên thấp hơn để tập trung bố trí vốn cho một số dự án lớn, quan trọng, có tính chất vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa lớn, như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường tuần tra biên giới...

Bố trí thành mục riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 để bố trí cấp đủ phần cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý và tối thiểu 50% vốn điều lệ theo quy định cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội; Bố trí khoản dự phòng ngân sách theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015.../.