Có hay không chuyện các hãng sữa liên kết nhau để tăng giá?
Có thể áp giá trần với mặt hàng sữa
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào ngày 3/3, sau nhiều đợt tăng giá bất hợp lý của các doanh nghiệp sữa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đặt ra nghi vấn, có thể có việc một số doanh nghiệp liên kết để nâng giá sữa.
Giải đáp vấn đề có hay không việc các doanh nghiệp sữa vi phạm về cạnh tranh, sau cuộc họp về quản lý giá sữa của liên bộ Công Thương và Tài chính với các bộ, ngành liên quan diễn ra hôm qua (ngày 4/3), theo sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ trước tới nay việc quản lý giá sữa của Bộ Tài chính đã được làm rất nghiêm túc và quyết liệt, chủ yếu dựa trên căn cứ vào Pháp lệnh Giá và Luật Giá.
Tuy nhiên, trước một số nghi vấn như trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm, “Bộ Tài chính không đứng chờ mà sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương thực hiện 5 đoàn đi thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn để làm rõ việc tuân thủ văn bản pháp luật về giá, nếu xác định vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nêu tên 5 doanh nghiệp mà hai Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều tra bao gồm: MeadJohnson, Nestle, Vinamilk, Frieslandcampina Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A.
Kể từ tháng 12/2013 đến nay, đã có tới 4 doanh nghiệp tăng giá sữa với mức tăng từ 5%-10%. Đó là: Mead Jonhson với các nhãn sữa Enfagrow, Enfamil.., Nestle với dòng sữa Nan, Friesland Campina với dòng sữa Frisolac và Vinamilk, sở hữu dòng sữa Alpha, Dielac… |
“Chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra ngay trong tuần này. Bộ Tài chính sẽ kết hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan khác để thanh kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm chúng tôi sẽ công khai và xử lý”, ông Hải nói thêm.
Thành phần của các Đoàn thanh tra lần này gồm có đại diện các đơn vị chức năng của Liên Bộ Tài chính - Công Thương và các bộ, ngành có liên quan khác. Các đoàn sẽ thanh tra, kiểm tra tại 5 doanh nghiệp nêu trên và sẽ công khai kết quả thanh tra.
Đối với công tác phối hợp, Bộ Tài chính và Bộ Công thương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, tiến hành thu thập các số liệu có liên quan, đồng thời thanh tra, kiểm tra các yếu tố cầu thành giá,... xem xét việc và xác minh làm rõ có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc vi phạm các quy định về giá, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để kiến nghị các giải pháp xử lý báo cáo Chính phủ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, “các bộ đều chịu trách nhiệm trước Chính phủ theo chức năng phân công để thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý giá sữa”.
Đồng thời, Bộ Tài chính mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Liên Bộ đưa tin kịp thời, chính xác nội dung thông tin mà các cơ quan quản lý cung cấp về thông tin quản lý điều hành cũng như trách nhiệm của các bộ để làm rõ và định hướng dư luận.
Nếu trường hợp sau khi thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Liên Bộ Tài chính – Công Thương đang nắm bắt tình hình, sẽ tham khảo tài liệu và các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền công bố các biện pháp bình ổn giá.
“Có thể áp dụng một trong các biện pháp (7 biện pháp) theo quy định của Luật Giá. Ngoài ra,nếu tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, các cơ quan chức năng có thể tính tới cả biện pháp áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa này theo đúng quy định của Luật Giá”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Hành vi tiêu dùng của người dân quyết định giá cả thị trường
Có thể thấy, các công ty kinh doanh mặt hàng sữa đều đã nắm khá rõ luật trước khi lần lượt “nhìn nhau” tăng giá sữa trong thời gian vừa qua. Còn trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khẳng định “đang quản lý chặt, quyết liệt” việc tăng giá sữa của doanh nghiệp.
Và trong lúc chờ đợi các giải pháp hữu hiệu của các bộ, ngành, thì hàng ngày người tiêu dùng vẫn phải mua sữa với giá cao bất hợp lý.
Vậy người tiêu dùng phải làm gì trước “cơn bão” tăng giá sữa vẫn đang tiếp tục diễn ra?
Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã khuyến cáo rằng, hành vi tiêu dùng của người dân là rất quan trọng trong việc quyết định giá của các nhà kinh doanh.
Theo ông, người tiêu dùng không nên quá lệ thuộc vào các hãng sữa ngoại, nếu hãng này tăng giá thì có thể chuyển sang dùng sữa của hãng khác hoặc tìm các mặt hàng sữa có giá thấp để sử dụng. Người dân không nên lệ thuộc quá nhiều vào một sản phẩm sữa. Như vậy sẽ gây áp lực được với doanh nghiệp phân phối và đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường./.
Bình luận