Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước: Thực trạng và một số đề xuất
CHỦ TRƯƠNG LIÊN KẾT DN FDI VÀ DN TRONG NƯỚC
Về chính sách thúc đẩy liên kết DN FDI và DN trong nước, Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng đã đề ra quan điểm: “…Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác… Đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước…”.
|
Ngày 06/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó số DN trong nước chiếm khoảng 30%. Mục tiêu năm 2030, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp và có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Chủ trương liên kết DN FDI với DN trong nước cũng thể hiện rõ ở quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ, cụ thể: “…Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với DN trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp… cần ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có kỹ năng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu…”.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng chỉ rõ: “…Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu… Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện…”.
Những cơ chế, chính sách trên nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam và tận dụng nguồn vốn này để nâng cao cơ chế hợp tác kinh doanh giữa các DN FDI và DN trong nước nhằm cải thiện năng lực sản xuất của các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và giảm vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Sự hợp tác này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng với kinh tế quốc tế.
THỰC TRẠNG LIÊN KẾT DN FDI VÀ DN TRONG NƯỚC
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động, trong đó hơn 25.000 DN FDI với số vốn đầu tư nước ngoài trên 40 tỷ USD. Khối các DN trong nước hiện nay đa phần là DN nhỏ và vừa, chiếm đến 98% với 4 loại hình là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên danh và DN tư nhân (Vũ Thị Nhài, 2021).
Vấn đề liên kết giữa DN FDI và DN trong nước cũng đã có những tín hiệu khả quan. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) (2021), khu vực FDI với các hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và quản lý, đã mang lại lợi ích nhất định cho các DN tư nhân trong nước, khi khu vực tư nhân Việt Nam ngày càng tích cực hướng đến gia nhập các chuỗi cung toàn cầu.
Cụ thể, kể từ khi đạt mức đỉnh năm 2016, các DN FDI ngày càng bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào tại nước xuất xứ. Tỷ lệ DN FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các DN tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020. Cùng với đó, DN FDI cũng giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Chỉ 26,8% DN FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba trong năm 2020, so với 39% năm 2016. Các số liệu này cho thấy, các DN FDI đang chuyển hướng, về chiều sâu chứ không phải về chiều rộng, sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam. Nói cách khác, tỷ lệ DN FDI sử dụng nhà cung cấp Việt Nam không tăng, song dường như mức độ hài lòng của những DN FDI - vốn có nguồn cung ứng đa dạng, đối với các nhà cung cấp Việt Nam đã đủ để họ ngừng sử dụng hoặc giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài.
Hay, có thể kể tới một thành công rõ nét của sự hợp tác giữa DN trong nước và DN FDI nhìn từ trường hợp Samsung. Theo Bộ Công Thương (2021), năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện DN Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, nhưng các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà. Một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 DN CNHT Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó. Theo đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 DN năm 2018 lên 42 DN. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 DN năm 2018 lên 170 DN. 240 DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài và định hướng để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung. Ngoài Samsung, đến năm 2020, Toyota Việt Nam có tổng cộng 33 nhà cung cấp thì đã có 5 nhà cung cấp Việt Nam (chiếm 15,15%).
Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi ích từ dòng vốn FDI. Sau 30 năm thu hút vốn FDI, phải thừa nhận rằng, kết nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến DN trong nước còn rất hạn chế. Sự liên kết yếu thể hiện trước hết ở tỷ lệ khoảng 80% số DN FDI là 100% vốn nước ngoài (Nguyệt Bắc, 2018). Bên cạnh đó, theo VCCI và WB (2021), việc liên kết giữa DN FDI và DN trong nước vẫn tiến triển khá chậm. Năm 2020, chỉ khoảng 8% DN FDI tham gia điều tra cho biết đã chuyển sang sử dụng nhà cung cấp là DN nhà nước. Con số này cao hơn với nhóm cá nhân/hộ kinh doanh (14,8%) và nhóm DN tư nhân (62,5%).
Tình trạng liên kết yếu còn thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm CNHT trong nước vẫn còn thấp. Cụ thể, đối với các DN cung ứng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, phần lớn DN CNHT mới chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Theo Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7%-10%. Trong khi mục tiêu đề ra là 30%-40% vào năm 2020, 40%-45% vào năm 2025 và 50%-55% vào năm 2030. Hay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử hiện mới đạt 5%-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành điện tử phải nội địa hóa đến 45%, đây là mục tiêu đầy thách thức (Thùy An, 2021).
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do năng lực các DN nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các DN FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Nhằm tăng cường mối liên kết, hợp tác kinh doanh giữa DN FDI và DN trong nước để góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Về phía Nhà nước
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thu hút các DN FDI đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh đó cần tăng cường sự tương tác trong đầu tư kinh doanh giữa các DN FDI với các DN trong nước. Hướng tới thu hút các DN FDI quan tâm đến việc phát triển chuỗi giá trị tại Việt Nam và có cơ chế ưu đãi vượt trội, linh hoạt cho những DN này.
Thứ hai, có chiến lược phát triển các DN trong nước mạnh, quy mô lớn để hợp tác kinh doanh với các DN FDI. Cần gắn DN trong nước với các nhà khoa học, với sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy vai trò của những DN lớn trong nước để cùng phát triển cộng đồng DN.
Thứ ba, có giải pháp đột phá để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ giữa các DN trong nước và DN FDI, thông qua cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao… Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các DN trong nước tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ngân hàng để DN chủ động, tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các DN và thương hiệu lớn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ những nước có thế mạnh về công nghệ, vốn và kỹ năng quản trị cao như Mỹ, EU và Nhật Bản. Mở rộng thương mại đối với các thị trường và đối tác mà Việt Nam đã ký kết các FTA song phương và đa phương.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao. Các trường đại học, cao đẳng và địa phương cần có những chương trình đào tạo lao động những ngành nghề như kinh tế số, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo. Thực hiện rà soát các chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các DN FDI.
Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật thông tin về các DN FDI, các DN cung ứng nội địa và danh sách lao động kỹ thuật cao để cung ứng cho DN tuyển chọn. Thiết kế cấu trúc hệ thống của cơ sở dữ liệu quốc gia về cộng đồng DN Việt Nam cần phải đáp ứng tiêu chuẩn về dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin và định mức kinh tế kỹ thuật, có tính tương thích, chia sẻ thông tin và an toàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN.
Thứ bảy, siết chặt lại những điều kiện, thủ tục về đầu tư nước ngoài để đạt được những mục tiêu đề ra. Phải có chế tài đủ mạnh để các DN FDI thực hiện được tỷ lệ nội địa hóa, liên doanh với các DN trong nước sản xuất linh kiện, phụ kiện; đưa ra các tiêu chí và biện pháp khuyến khích cũng như chế tài xử phạt những DN FDI không thực hiện đúng cam kết về tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để giữ chân dòng vốn FDI.
Về phía các DN trong nước
Chủ động vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn của DN FDI. Theo đó, cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được yêu cầu đặt hàng của các DN FDI. DN trong nước cần ứng dụng khoa học, công nghệ mới, tận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị DN. Bên cạnh đó, cần chủ động tiếp cận, thu hút các đối tác đầu tư kinh doanh để tham gia sâu và hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030
2. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 06/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
3. Bộ Công Thương (2021). Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, ngày 07/01/2021
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) (2021). Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam”, công bố ngày 12/3/2021
5. Vũ Thị Nhài (2021). Tăng cường cơ chế hợp tác kinh doanh giữa DN FDI với DN trong nước nhằm góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 14, tháng 6/2021
6. Thùy An (2021). Tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử Việt Nam chỉ đạt 5%-10%, truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/ti-le-noi-dia-hoa-nganh-dien-tu-viet-nam-chi-dat-5-10-20210415145803963.htm
7. Nguyệt Bắc (2018). Liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, truy cập từ https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/lien-ket-giua-doanh-nghiep-fdi-va-doanh-nghiep-trong-nuoc-324744
TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên
Trường Đại học Sao Đỏ
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 32 năm 2021)
Bình luận