Nguyễn Thị Mai Anh

Trường Kinh tế - Đại học Bách khoa Hà Nội

Email: anh.nguyenthimai@hust.edu.vn

Tóm tắt

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu về hội nhập tri thức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cá nhân trong thị trường lao động sẽ trở nên ngày càng mãnh liệt. Việc nâng cao kiến thức cũng như chuyên môn của các sinh viên tại Hà Nội sau khi tốt nghiệp thông qua các chương trình học thạc sĩ được nhiều sinh viên lựa chọn. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến Ý định học thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết quốc tế (MBALKQT) với mẫu là 230 sinh viên tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, “Thái độ của sinh viên đối với chương trình MBALKQT” và “Nhận thức kiểm soát hành vi” đều có tác động tích cực và đáng kể đáng kể đến Ý định học MBALKQT của sinh viên tại Hà Nội. Trong khi đó, “Chuẩn chủ quan” và “Cảm nhận giá trị’ có tác động, nhưng không đáng kể đến “Ý định học MBALKQT. Từ kết quả nghiên cứu, một số kiến nghị đã được đề xuất để thúc đẩy ý định học MBALKQT của sinh viên tại Hà Nội.

Từ khóa: quản trị kinh doanh, thạc sĩ, liên kết quốc tế, Hà Nội

Summary

With the development of the socio-economic landscape, the demand for knowledge integration to enhance individual competitiveness in the labor market is becoming increasingly intense. Pursuing Master's programs to improve knowledge and expertise has become a popular choice among students in Hanoi after graduation. This study explores the factors influencing the intention to pursue an International Joint MBA (MBALKQT) among a sample of 230 students in Hanoi. The results show that "Students' Attitude towards the MBALKQT Program" and "Perceived Behavioral Control" both positively and significantly impact the intention to pursue MBALKQT among students in Hanoi. Meanwhile, "Subjective Norms" and "Perceived Value" have an effect, but it is not significant on the intention to pursue MBALKQT. Based on the findings, several recommendations have been proposed to promote the intention to study the International Joint Master of Business Administration of students in Hanoi

Keywords: business administration, master's degree, international joint, Hanoi

GIỚI THIỆU

Trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay, nền kinh tế tri thức ngày càng chiếm ưu thế. Có thể nói, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Không chỉ có thế, kinh tế ngày càng phát triển, sự cạnh tranh về năng lực làm việc cũng đòi hỏi con người phải tự cập nhật kiến thức mới, trau dồi kỹ năng chuyên môn và phát triển năng lực bản thân. Vì vậy, nhu cầu học tập nâng cao trình độ ngày càng gia tăng, nhất là nhu cầu đào tạo sau đại học.

Có nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định học lên cao học của sinh viên. Tuy nhiên, các tác giả đều chỉ tập trung vào nghiên cứu ý định học các chương trình cao học ở trong nước, như nghiên cứu của Chong và cộng sự (2014), Ng, S.F và cộng sự (2011), Koe và Saring (2010)… hoặc ý định du học (Vernon và cộng sự, 2017), mà có rất ít những bài báo nghiên cứu đến ý định học các chương trình thạc sĩ liên kết quốc tế - một chương trình học sau đại học mang lại rất nhiều lợi ích cho người học.

Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định học MBALKQT của sinh viên tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để các nhà quản lý của chương trình MBALKQT nói riêng và thạc sĩ quản trị kinh doanh nói chung xây dựng chiến lược thu hút sinh viên Hà Nội sau khi tốt nghiệp đại học.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Thạc sĩ quản trị kinh doanh

Nghiên cứu của Collins và Clark (2003) đã đề cập đến giá trị của việc tiếp tục học sau đại học, nhất là trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Theo đó, việc sở hữu một bằng cấp thạc sĩ quản trị kinh doanh có thể mang lại nhiều lợi ích, như: cơ hội nghề nghiệp, tăng thu nhập và phát triển cá nhân. Smith và cộng sự (2010) chỉ ra rằng, hầu hết sinh viên sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh đều trở nên tự tin hơn và có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Bên cạnh đó, các nhân viên với bằng cấp thạc sĩ quản trị kinh doanh thường có cơ hội thăng tiến nhanh chóng hơn trong sự nghiệp của họ và thường được trả lương cao hơn so với những người không có bằng cấp tương đương.

Thạc sĩ quản trị kinh doanh chương trình liên kết quốc tế

Chương trình liên kết quốc tế là khái niệm của các chương trình đào tạo không bị giới hạn bởi biên giới các quốc gia (đào tạo xuyên biên giới), cho phép người học có thể tích lũy kiến thức và bằng cấp quốc tế, mà không cần rời khỏi quốc gia sinh sống.

MBALKQT là chương trình cao học quản trị kinh doanh dành cho học viên muốn nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường quốc tế, nhưng không bắt buộc người học phải ra nước ngoài học mà có thể học trực tuyến hoặc trực tiếp (một phần hoặc toàn bộ) tại chi nhánh quốc tế của trường tại Việt Nam hoặc các nước lân cận.

Ý định học

Ý định là việc nắm bắt các yếu tố mang tính động lực, thúc đẩy thực hiện hành động (Ajzen và Fishbein, 1980). Theo Armitage và Conner (2001), ý định là việc một cá nhân nỗ lực thực hiện một hành động như kế hoạch đã được định sẵn và có sự động lực làm đại diện. Ý định có sự liên quan đến hành vi càng mạnh, thì xác suất của nó càng lớn (Ghali-Zinoubi và Toukabri, 2019).

Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991) cho rằng, ý định thực hiện một hành vi nhất định của một cá nhân phụ thuộc vào thái độ của họ đối với hành vi đó. TPB mô tả cách mọi người hình thành ý định và thực hiện hành động bằng 3 yếu tố chính: Thái độ, Chuẩn mực chủ quan và Nhận thức kiểm soát hành vi.

Đối với nghiên cứu này, ý định học được xem là dự định, dự kiến học chương trình MBALKQT của sinh viên Hà Nội.

Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Qua lược khảo các nghiên cứu trước đây, nhóm tác đề xuất 4 yếu tố tác động đến Ý định học MBALKQT của sinh viên Hà Nội là: Thái độ, Chuẩn chủ quan, Nhận thức kiểm soát, Giá trị cảm nhận. Mô hình nghiên cứu được trình bày tại Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu

Ý định học thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết quốc tế của sinh viên đại học tại Hà Nội

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Thái độ

Thái độ đại diện cho những suy nghĩ và cảm xúc của một người đối với một hành vi cụ thể, dựa trên đánh giá của họ về hành vi đó. Theo mô hình lý thuyết hành vi hoạch định (TRA) của Ajzen (1991), ý định thực hiện một hành vi được ảnh hưởng trực tiếp bởi thái độ của cá nhân đó đối với hành vi đó.

Nghiên cứu của Chaniotakis và cộng sự (2010) đã chỉ ra rằng, thái độ đối với một hành vi phản ánh sự đánh giá của cá nhân về việc đó đáng giá với những gì họ phải chi trả. Thái độ của người tiêu dùng phản ánh niềm tin của họ rằng, việc sử dụng sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích và là sự lựa chọn tốt nhất cho họ (De Matos, Ituassu và Rossi, 2007). Hầu như các nghiên cứu đều cho thấy mối liên hệ tích cực giữa thái độ và ý định hành vi (Nguyễn Thị Hồng Nguyệt, 2020). Thái độ tích cực về sản phẩm/dịch vụ thường dẫn đến ý định hành vi tích cực. Thái độ cũng ảnh hưởng tích cực đến ý định tiếp tục học lên cao học của điều dưỡng viên (Nguyễn Quang Vĩnh và cộng sự, 2021). Từ đó, giả thuyết sau đây được đề xuất:

H1: Thái độ có ảnh hưởng tích cực đến Ý định học MBALKQT của sinh viên Hà Nội.

Chuẩn chủ quan (CQ)

Chuẩn chủ quan là nhận thức của cá nhân về các áp lực hay tác động xung quanh đối với việc thực hiện hay không thực hiện một hành vi (Ajzen, 1991). Các nghiên cứu trước đây cho rằng giữa, chuẩn mực chủ quan và ý định có mối quan hệ thuận chiều (Delafrooz và cộng sự, 2011; Bhattacherjee, 2000). Trên cơ sở đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

H2: Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng tích cực đến Ý định học MBALKQT của sinh viên Hà Nội.

Nhận thức kiểm soát hành vi (NT)

Ajzen (1991) định nghĩa, nhận thức kiểm soát hành vi là cảm nhận của cá nhân về việc dễ dàng hoặc khó khăn khi thực hiện hành vi. Nó đề cập đến niềm tin cá nhân về khả năng kiểm soát việc thực hiện hành vi cá nhân. Sự kiểm soát hành vi sẽ tác động lên ý định hoặc hành vi dựa trên các kỹ năng, tài nguyên và cơ hội để ngăn chặn, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi đó. Nghiên cứu của Phạm Xuân Giang và cộng sự (2019) chỉ ra rằng, kiểm soát hành vi có tác động tích cực đến dự định học cao học. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết:

H3: Nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng tích cực đến Ý định học MBALKQT của sinh viên Hà Nội.

Giá trị cảm nhận (GT)

Giá trị cảm nhận được của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên tổng thể của những lợi ích và chi phí mà họ nhận được (Zeithaml, 1988). Theo Yang và Peterson (2004), giá trị cảm nhận được được định nghĩa là tỷ lệ giữa lợi ích mà người tiêu dùng nhận được so với chi phí họ phải trả. Nghiên cứu của Petrick (2002) và Zeithaml (1988) đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của giá trị cảm nhận được trong việc giải thích hành vi mua hàng và sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng.

Nghiên cứu của Nguyễn Quang Vĩnh và cộng sự (2021) cho thấy, giá trị cảm nhận có ảnh hưởng đáng kể đến ý định học cao học của sinh viên. Dựa trên các kết quả này, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

H4: Giá trị cảm nhận có ảnh hưởng tích cực đến Ý định học MBALKQT của sinh viên Hà Nội.

Phương pháp nghiên cứu

Thu thập dữ liệu và phân tích mẫu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả tiến hành thu thập ý kiến của 230 sinh viên đến từ các trường khác nhau ở Hà Nội trong năm 2023. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện có xét đến giới tính, năm đang học, chuyên ngành, thông tin gia đình để đảm bảo sự đại diện của mẫu. Phiếu điều tra được thiết kế sử dụng thang đo 7 cấp độ. Trong đó, 1 là hoàn toàn phản đối và 7 là hoàn toàn đồng ý.

Tỷ lệ sinh viên nữ và nam gần bằng nhau, trong đó nữ chiếm 52,8%. Sinh viên năm thứ nhất và 2 chiếm 38,8%, số sinh viên từ năm thứ 3 trở lên chiếm 61,2%. Tỷ lệ sinh viên học chuyên ngành kinh tế quản lý chiếm cao nhất với tỷ lệ 33,2%, sau đó đến ngành kỹ thuật (29,8%), ngành ngoại ngữ (15%) và ngành khác (22%). 38,8% sinh viên đến từ nông thôn, 50% sinh viên từ vùng thị trấn, thị xã hoặc ngoại ô thành phố chiếm và 12,2% sinh viên ở tại thành phố.

Xử lý dữ liệu

Để phân tích các dữ liệu thu thập được, nhóm tác giả sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu thống kê SPSS phiên bản 26. Các kỹ thuật phân tích cụ thể được sử dụng bao gồm: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha cùng phân tích hồi quy đa biến.

Trong đó, thống kê mô tả được sử dụng để phân tích mẫu (tần suất) và phân tích đánh giá của sinh viên Hà Nội đối với các nhân tố tác động đến đến Ý định học MBALKQT. Các giá trị được tính toán trong phân tích mô tả bao gồm: giá trị trung bình, tần suất cũng như tỷ lệ phần trăm.

Kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha được sử dụng để đánh giá mức độ đồng nhất của các câu hỏi trong các thang đo, giúp xác định độ tin cậy của chúng đo lường đối với các khái niệm nghiên cứu. Giá trị của hệ số Cronbach’s Alpha > 0,7, thì thang đo được đánh giá là phù hợp và đáng tin cậy để dùng cho nghiên cứu (Nguyễn Đình Thọ, 2011).

Phân tích hồi quy đa biến được sử dụng để xác định mối quan hệ cùng lúc giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc trong một mô hình.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Phân tích độ tin cậy thang đo

Dữ liệu thu thập được cho thấy, giá trị hệ số Cronbach’s Alpha của tất cả 5 khái niệm nghiên cứu trong nghiên cứu dao động thấp nhất từ 0,700 (Giá trị cảm nhận) đến 0,953 (Thái độ) và tất cả đều > 0,7 (Bảng 1), điều này khẳng định, thang đo là tốt và đáng tin cậy.

Bảng 1: Độ tin cậy của các khái niệm nghiên cứu

Khái niệm

Cronbach’s Alpha

Số lượng biến

Thái độ

0,953

6

Chuẩn chủ quan

0,912

4

Nhận thức kiểm soát

0,948

5

Giá trị cảm nhận

0,700

3

Ý định học

0,875

3

Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của nhóm tác giả

Các yếu tố ảnh hưởng đến Ý định học MBALKQT

Thái độ

Nhìn chung, sinh viên Hà Nội đánh giá các biến thuộc nhân tố Thái độ khá cao. Có hơn một nửa các bạn cho rằng, việc học MBALKQT là một sự lựa chọn tốt (mean = 4,82); 61,21% cho rằng, việc học lên MBALKQT là một ý tưởng hay và là việc mà mọi người nên làm. Gần 60% cho biết, là việc học MBALKQT phù hợp với mong muốn của họ (59,8%) và học MBALKQT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho họ (Bảng 2).

Bảng 2: Đánh giá của sinh viên với yếu tố Thái độ

Các khái niệm nghiên cứu

TB

Phản đối và hoàn toàn phản đối

Không phản đối/không đồng ý

Đồng ý và hoàn toàn đồng ý

Tôi thấy học MBALKQT là một lựa chọn tốt

4,82

22,43

22,90

54,67

Tôi nghĩ việc học lên MBALKQT là một ý tưởng hay

5,00

21,03

17,76

61,21

Học MBALKQT phù hợp mong muốn của tôi

4,99

21,0

19,2

59,8

Học MBALKQT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tôi

4,97

20,56

21,96

57,47

Tôi nghĩ việc học MBALKQT là việc mọi người nên làm

5,15

20,09

18,69

61,21

Tôi thích học MBALKQT

5,11

19,2

19,6

61,2

Thái độ đối với MBALKQT

5,00

22,89

11,21

65,88

Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của nhóm tác giả

Chuẩn chủ quan (CQ)

Bảng 3 cho biết, đánh giá của sinh viên đối với các biến thuộc Chuẩn chủ quan đều ở mức trung bình, thậm chí có biến “Ủng hộ của gia đình đối với việc học MBALKQT” còn dưới trung bình (mean = 3,88). Chỉ có 36,9% người trả lời cho rằng, gia đình ủng hộ việc học MBALKQT. Thầy cô là đối tượng khuyến khích sinh viên học MBALKQT nhiều nhất khi có đến gần một nửa (45,3%) cho rằng, thầy cô hoàn toàn ủng hộ việc học MBALKQT. Số lượng ủng hộ của những người xung quanh và bạn bè là trên 36% (Bảng 3).

Bảng 3: Đánh giá của sinh viên Hà Nội với yếu tố Chuẩn chủ quan

Các khái niệm nghiên cứu

TB

Phản đối và hoàn toàn phản đối

Không phản đối/không đồng ý

Đồng ý và hoàn toàn đồng ý

Mọi người xung quanh tôi đều thích tôi học MBALKQT

4,08

33,60

29,90

36,40

Gia đình ủng hộ tôi học MBALKQT

3,88

39,25

27,10

33,64

Bạn bè khuyên tôi nên học MBALKQT

4,02

39,3

23,8

36,90

Thầy, cô khuyến khích tôi học MBALKQT

4,34

34,6

20,1

45,3

Chuẩn chủ quan

4,08

40,65

12,62

46,73

Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của nhóm tác giả

Nhận thức kiểm soát

Đánh giá của sinh viên Hà Nội đối với các biến Nhận thức kiểm soát là rất tích cực. Các biến đều có điểm trung bình đều cao và dao động từ 4,80 đến 5,22. Cụ thể, theo Bảng 4, có đến 65% người trả lời cho rằng, họ có đủ điều kiện để học MBALKQT. Hơn 60% hiểu rõ quy trình đăng ký học và gần 60% cho rằng, họ có đủ khả năng học lên MBALKQT (59,81%). Hơn một nửa cho biết, họ có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình MBALKQT cũng như có đủ thời gian và nguồn lực để học MBALKQT.

Bảng 4: Đánh giá của sinh viên Hà Nội về yếu tố Nhận thức kiểm soát

Các khái niệm nghiên cứu

TB

Phản đối và hoàn toàn phản đối

Không phản đối/không đồng ý

Đồng ý và hoàn toàn đồng ý

Tôi có đủ khả năng để học lên MBALKQT

5,02

18,22

21,96

59,81

Tôi có đủ điều kiện để học MBALKQT

5,22

16,82

17,76

65,42

Tôi hiểu rõ quy trình đăng ký học MBALKQT

5,00

25,23

14,49

60,28

Tôi có thể dễ dàng tiếp cận các chương trình MBALKQT

4,85

22,43

21,96

55,61

Tôi nghĩ mình có đủ thời gian và nguồn lực để học MBALKQT

4,80

23,83

20,09

56,07

Nhận thức kiểm soát hành vi

4,98

22,4

8,4

69,1

Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của nhóm tác giả

Giá trị cảm nhận (GT)

Gần một nửa người trả lời cho rằng, học MBALKQT sẽ giúp họ thăng tiến thuận lợi hơn trong sự nghiệp (46,3%) và cũng sẽ giúp họ có được nhiều mối quan hệ có chát lượng (43,9%). Trong khi đó, có đến gần hai phần ba người trả lời nghĩ rằng học MBALKQT sẽ không giúp học nhiều trong việc gây ấn tượng với người khác (Bảng 5).

Bảng 5: Đánh giá của sinh viên Hà Nội với Giá trị cảm nhận

Các khái niệm nghiên cứu

TB

Phản đối và hoàn toàn phản đối

Không phản đối/không đồng ý

Đồng ý và hoàn toàn đồng ý

Học MBALKQT sẽ giúp tôi gây được ấn tượng với người khác

2,41

73,80

16,80

9,40

Học MBALKQT sẽ giúp tôi thăng tiến thuận lợi hơn trong sự nghiệp

4,54

27,57

25,70

46,73

Học MBALKQT sẽ giúp tôi có nhiều mối quan hệ có chất lượng

4,36

31,8

24,3

43,9

Giá trị cảm nhận

4,45

31,3

20,6

48,1

Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của nhóm tác giả

Ý định học

Gần một nửa sinh viên cho biết, họ sẽ học MBALKQT trong thời gian sớm nhất có thể. Khoảng một phần ba cho rằng, họ đã có kế hoạch học MBALKQT cũng như sẽ tham gia chương trình MBALKQT (Bảng 6). Điều này cho thấy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, khi có đủ điều kiện họ sẽ học lên thạc sĩ và đặc biệt là MBALKQT.

Bảng 6: Ý định học MBALKQT của sinh viên Hà Nội

Các khái niệm nghiên cứu

TB

Phản đối và hoàn toàn phản đối

Không phản đối/không đồng ý

Đồng ý và hoàn toàn đồng ý

Tôi đã có kế hoạch MBALKQT

3,98

33,64

33,18

33,18

Tôi sẽ tham gia chương trình MBALKQT

3,85

42,99

26,64

30,37

Tôi sẽ học MBALKQT trong thời gian sớm nhất có thể

4,62

24,3

26,2

49,5

Ý định học MBALKQT

4,15

36,916

16,822

46,262

Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của nhóm tác giả

Nhìn chung, đánh giá của sinh viên Hà Nội đối với cả 5 yếu tố được nhận diện tác động đến “Ý định học MBALKQT” đều trên trung bình. Trong đó, đánh giá của sinh viên Hà Nội cao nhất đối với “Thái độ đối với MBALKQT” (mean = 5,00), sau đó đến “Nhận thức kiểm soát” (mean = 4,98), “Giá trị cảm nhận” (mean = 4,45) và cuối cùng là “Chuẩn chủ quan” (mean = 4,08). Hơn 60% sinh viên cho rằng, họ có đủ nguồn lực, khả năng để học MBALKQT. Họ hiểu rõ quy trình cũng như dễ dàng tìm kiếm được chương trình MBALKQT để học. Họ cũng cho rằng, học MBALKQT là một sự lựa chọn tốt, một ý tưởng hay, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của họ. Họ cũng tin rằng, học MBALKQT sẽ mang lại nhiều lợi ích và đó là việc nên làm. Có đến 46,26% sinh viên có ý định học MBALKQT sau khi tốt nghiệp đại học.

Tác động giữa các yếu tố và kiểm định giả thuyết

Để đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến Ý định học MBALKQT, nhóm tác giả tiến hành phân tích hồi quy đa biến. Kết quả được trình bày trong Bảng 7 cho thấy, giá trị R = 0,760, như vậy mô hình đề xuất hoàn toàn phù hợp với dữ liệu thu thập, R2 hiệu chỉnh = 0,556, điều này có nghĩa là 4 yếu tố đưa vào mô hình giải thích được 55,6% sự biến thiên của Ý định học MBALKQT. Giá trị F = 50,142 và Sig. = 0,000 chứng tỏ, sự kết hợp của các yếu tố ảnh hưởng này giải thích tốt được sự thay đổi của Ý định học MBALKQT và mô hình hồi quy tổng thể là ý nghĩa.

Trong 4 yếu tố ảnh hưởng, thì có 2 yếu tố có tác động đáng kể đến Ý định học MBALKQT là Thái độ (Sig. = 0,000) và Nhận thức kiểm soát (Sig. = 0,002)0. Hai yếu tố còn lại là Chuẩn chủ quan và Giá trị cảm nhận có Sig. = 0,170 > 0,05, nên thì không có tác động đáng kể đến Ý định học MBALKQT. Vì vậy, các giả thuyết được chấp nhận là H1 và H3, còn giả thuyết H2 và H4 bị bác bỏ.

Bảng 7: Tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến ý định học MBALKQT

Mô hình

Hệ số hồi quy chưa được chuẩn hóa

Hệ số hồi quy đã được chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Dung sai

VIF

(Hằng số)

0,583

0,309

1,889

0,060

Thái độ (TD)

0,364

0,078

0,387

4,672

0,000

0,393

2,542

Chuẩn chủ quan (CQ)

0,062

0,053

0,071

1,176

0,241

0,743

1,345

Nhận thức kiểm soát (NT)

0,222

0,072

0,245

3,106

0,002

0,432

2,316

Giá trị cảm nhận (GT)

0,089

0,064

0,081

1,376

0,170

0,768

1,302

R = 0,750; R2 = 0,570 ; R2 hiệu chỉnh = 0,556; F = 50,142 Sig. = ,000

Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của nhóm tác giả

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết sinh viên Hà Nội đều có thái độ tích cực đối với việc học chương trình MBALKQT. Có đến 65,88% sinh viên cho rằng, chương trình MBALKQT là một lựa chọn tốt, ý tưởng hay và phù hợp với mong muốn của bản thân họ. Hơn 60% sinh viên cho rằng, họ có đủ khả năng, nguồn lực để học MBALKQT, cũng như hiểu rõ quy trình đăng ký và tự tin trong việc tiếp cận đối với các chương trình này. Gần một nửa sinh viên mong muốn học MBALKQT trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, có 2 trong số 4 yếu tố có ảnh hưởng tích cực và đáng kể “Ý định học MBALKQT” là “Thái độ” và “Nhận thức kiểm soát”. Trong khi đó, “Chuẩn chủ quan” và “Giá trị cảm nhận” có tác động tích cực nhưng không đáng kể đến ý định học của sinh viên. Điều này cho thấy, rằng sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè không đủ mạnh để tác động đáng kể đến ý định học của sinh viên. Cũng có thể là do sau một thời gian dài học đại học, gia đình và bạn bè cho rằng sinh viên nên thay đổi môi trường để thực hiện các công việc khác.

Để nâng cao ý định học MBALKQT của sinh viên, giúp họ nhận thấy được giá trị và lợi ích của chương trình, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp trong tương lai, thời gian tới, các trường đại học cần:

- Tăng cường truyền thông về lợi ích của MBALKQT để nâng cao nhận thức của sinh viên về những lợi ích thiết thực từ việc theo học MBALKQT, như cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và xây dựng mối quan hệ chất lượng.

- Hỗ trợ về điều kiện và quy trình học tập. Các trường nên cung cấp thông tin chi tiết, dễ hiểu về quy trình đăng ký và các điều kiện cần thiết để theo học MBALKQT. Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và nguồn lực để sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận chương trình.

- Tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo hoặc sự kiện giao lưu với những người đã và đang học MBALKQT để sinh viên có cái nhìn thực tế và tích cực về chương trình này./.

Tài liệu tham khảo

1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior: Organizational behavior and human decision process, Science Direct, 50(2), 179-211.

2. Ajzen, I, Fishbein, M. (1980), Understanding attitudes and predicting social behavior, Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.

3. Armitage, C. J, Conner, M. (2001), Efficacy of the theory of planned behavior: a meta-analytic review, British Journal of Social Psychology, 40(4), 471-499.

4. Bhattacherjee, A (2000), Acceptance of e-commerce services: The case of electronic brokerages, IEEE Transactions on Systems, Man and Cybernetics, Part A: Systems and Humans, 30(4), 411-420,

5. Chaniotakis, I, E, Lymperopoulos, C, Soureli, M. (2010), Consumers’ intention of buying own-label premium food products, Journal of Product and Brand Management, 19(5), 327-334.

6. Chong, C, Lin, L Chuen, L, Chai,T, Yi, Y, (2014), A study on factors influencing students’ intention to pursue higher education, Malaysia: Tunku Abdul Rahman University.

7. Collins, C, J, Clark, K,D. (2003), The Role of Human Resource Practices in Creating Organizational Competitive Advantage, Academy of Management Journal, 46, 740-751.

8. Compeau, Deborah and Christopher Higgins (1991), The Development of a Measure of Computer Self-Efficacy. ASAC 1991 Conference, 34-48.

9. Delafrooz, N, Paim, L, H, Khatibi, A, (2011), A Research Modeling to Understand Online Shopping Intention, Australian Journal of Basic & Applied Sciences, 5(5), 70-77.

10. De Matos, C, A,, Ituassu, T, C, Rossi, C, A, V, (2007), Consumer attitudes toward counterfeits: A review and extension, Journal of Consumer Marketing, 24(1), 36-47.

11. Ghali-Zinoubi, Z, Toukabri, M, (2019), The antecedents of the consumer purchase intention: Sensitivity to price and involvement in the organic product: Moderating role of product regional identity, Trends in Food Science & Technology, 90, 175-179.

12. Koe, W., Saring, S, (2010), Factors Influencing the Foreign Undergraduates’ Intention to Study at Graduate School of a Public University, Journal Kemanusiaan Bil, 19, 57-65.

13. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh, Nxb Lao động Xã hội.

14. Nguyễn Thị Hồng Nguyệt (2020), Ảnh hưởng của trải nghiệm thương hiệu đến chất lượng mối quan hệ và lòng trung thành khách hàng, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính – Marketing, 55, 26-36.

15. Ng, S.F, Nik Muhd, N.M, K.A, Ismail, N. (2011), Influential factors to pursue a doctorate degree in Malaysia, Procedia Social and Behavioral Sciences, 15, 2028-2032.

16. Petrick, J, F, (2002), Development of a multi-dimensional scale for measuring the perceived value of a service, Journal of Leisure Research, 34(2), 119–134.

17. Phạm Xuân Giang, Nguyễn Thị Phương Thảo (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định học cao học của sinh viên ngành kinh tế tại Trường Đại học Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 41, 85-98.

18. Smith, A., Jones, J., Kurlbaum, J., (2010), Winning the H Factor: The Secrets of Happy Schools, London: Continuum.

19. Smith, T. W., Williams, P. G., Segerstrom, S. C. (2015), APA Handbook of Personality and Social Psychology, American Psychological Association.

20. Taylor, S., Tood, P. (1995), Decomposition and crossover effects in the theory of planned behavior: A study of consumer adoption intentions, International Journal of Research in Marketing, 12, 137-156.

21. Vernon, A, Moos, C, Loncarich, H, (2017), Student expectancy and barriers to study abroad, Academy of Educational Leadership Journal, 21(1), 1-9.

22. Vĩnh, N, Q, Nhất, P, B, Sơn, N, Đ, Hà, N, T, (2021), Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định học Thạc sĩ của cử nhân điều dưỡng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh phụ cận, Tp chí Y hc Vit Nam, 505(1).

23. Yang, Z, Peterson, R. T. (2004), Customer perceived value, satisfaction, and loyalty: the role of switching costs, Psychology & Marketing, 21.

24. Zeithaml, V. A. (1988), Consumer perceptions of price, quality, and value: a means-end model and synthesis of evidence, Journal of Marketing, 52(3), 2-22.

Ngày nhận bài: 25/4/2024; Ngày phản biện: 25/5/2024; Ngày duyệt đăng: 18/6/2024