Công nghiệp chế biến là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2022
Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước; quý II/2022 ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan thống kê quốc gia cũng nhận định, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD). |
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước; quý II/2022 ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý I/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD).
Tổng cục Thống kê cũng tách riêng xuất, nhập khẩu dịch vụ và cho biết, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 22,3%.
Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 là 8 tỷ USD (trong đó, phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu là 4,6 tỷ USD).
Tại buổi họp báo thường kỳ Quý II/2022 của Bộ Công Thương ngày 16/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, hoạt động kinh tế thương mại, trong đó có lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay về giải pháp đối với lĩnh vực thương mại, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao…/.
Bình luận