“Việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên cho thấy, tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua một luật nào đó, thì hạn chế tối đa việc điều chỉnh mới…”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề xuất, khi Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, diễn ra hôm nay (ngày 24/5), theo Văn phòng Quốc hội.

Công tác xây dựng pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, không đưa vào chương trình các dự án luật mà Quốc hội đã không tán thành (ảnh: Quốc hội)

Ông Vân đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hoá sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp. Quốc hội đã có chiến lược liên quan đến kinh tế-xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, thì nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật.

“Cần mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu tác động để họ lên tiếng. Lấy ý kiến nhân dân rộng rãi về dự án có tác động rộng…”, ông Vân kiến nghị.

Dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn tồn tại, hạn chế, bất cập nhất định. Đặc biệt, chất lượng đánh giá tác động chính sách ngay từ khâu đề nghị xây dựng luật, nghị quyết còn hạn chế. Đây là vấn đề đã được nêu ra rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa được khắc phục, nhất là đối với những nhiệm vụ lập pháp mang tính cấp bách thì vấn đề này càng đáng lưu tâm hơn...

Công tác xây dựng pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, không ít các chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung (ảnh: Quốc hội)

Cũng theo ông Sơn, qua nghiên cứu nhiều hồ sơ dự án luật, nghị quyết cho thấy, không ít các chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ về nội dung quy định được thiết kế để cụ thể hóa chính sách, nên đánh giá tác động chính sách còn sơ sài, hình thức không rõ định lượng.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, kể cả những gợi ý về các dự án cụ thể, tiếp tục tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để có các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lập, thực hiện chương trình xây dựng luật và pháp lệnh cho những năm sau tốt hơn năm trước.

“Chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được cải thiện hơn, bảo đảm rõ ràng. Đặc biệt, thiết kế điều về áp dụng luật trong các dự thảo luật phải được đầu tư hơn. Qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, đây là nội dung có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm rõ, hoàn thiện thêm để phân biệt rõ về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng…”, ông Sơn đề xuất.

Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai), trong quá trình xây dựng dự án luật, ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến dự án luật là rất quan trọng. Nhưng trong quá trình các Ủy ban, các cơ quan Quốc hội thẩm tra có những văn bản ý kiến của các cơ quan đối với những dự án luật rất quan trọng, có hàng trăm điều, nhưng ý kiến tham gia thì cũng chỉ dừng lại khoảng ba bốn câu "hoàn toàn nhất trí với dự thảo". Đây là những vấn đề mặc dù không lớn, nhưng cần lưu ý để cơ quan soạn thảo và thẩm tra chuẩn bị thật tốt đối với chất lượng của các dự án luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua./.