Không nhiều tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá
"Thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy, phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường. Đấu giá còn xảy ra tình trạng ép giá hoặc thổi giá; năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá còn hạn chế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này…", Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra hôm nay (ngày 15/8).
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, theo chương trình, cũng tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Theo đó, trong lần sửa đổi này xác định rõ phạm vi điều chỉnh. Thực tế ở nước ta phần lớn đấu giá tài sản công trong hoạt động đấu giá là đấu giá quyền sửa dụng đất. Tuy nhiên, việc xác định giá khởi điểm không phải là công việc của Luật Đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản là luật về hình thức. Việc xác định giá khởi điểm như trong đấu giá quyền sử dụng đất phải xử lý trong pháp luật về đất đai.
Ông Long cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết vấn đề liên quan đến nội dung này, để có hướng xử lý trong Luật Đất đai cũng đang được sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội |
Về tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, có tình trạng này nhưng không nhiều. Do đó, trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản lần này có căn chỉnh để làm tốt hơn, siết chặt hơn các điều kiện tham gia đấu giá.
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp đã làm gì để thực hiện đấu giá trực tuyến trong thời gian tới? |
Quan tâm đến vấn đề bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu giá, Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho biết, đấu giá trực tuyến là hình thức hiệu quả để đảm bảo sự công khai, minh bạch, chống thông đồng, dìm giá, tiết kiệm nguồn lực, chi phí trong hoạt động đấu giá. Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp đã làm gì để thực hiện đấu giá trực tuyến trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đấu giá trực tuyến là một hình thức tốt nhằm hạn chế phần nào tình trạng thông đồng, dìm giá hoặc không công khai, minh bạch trong đấu giá. Thời gian qua, một số tổ chức đấu giá tài sản tư đã có trang web và cách thức đấu giá trực tuyến. Đấu giá trực tuyến tài sản công hiện nay mới bắt đầu bàn thảo. Vừa qua khi sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản cũng đã đưa ra quy định về hình thức đấu giá trực tuyến, để chi tiết hóa và xây dựng một trang hoặc một cổng đấu giá trực tuyến.
"Khó khăn trong triển khai đấu giá trực tuyến tài sản công là về kinh phí, vấn đề quản lý đặt trong cơ chế tự chịu trách nhiệm và cơ chế quản lý thị trường. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu kinh nghiệm tốt trên thế giới, xem xét một số mô hình vận hành của một số nước…", ông Long nói.
Theo Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu), để đảm bảo yêu cầu về hiệu quả trong công tác đấu giá tài sản, thì phải nâng cao tính chuyên nghiệp của đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá, coi đây là một nghề đặc thù với các chuẩn mực cao.
Trả lời mối quan tâm trên của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, về đấu giá tài sản công trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, ghi nhận tổng số cuộc đấu giá thành công là 151.000/201.000, tổng số giá bán được của đấu giá tài sản là 526.000 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 110.000 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự đóng góp đáng kể, có thể lượng hóa được của bán đấu giá tài sản công, tài sản nhà nước.
"Bên cạnh đó còn một số tồn tại, hạn chế như về năng lực của đấu giá viên… Đây là những vấn đề sẽ được giải quyết khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới. Theo đó, dự thảo Luật bổ sung một số điều nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của đấu giá viên, cũng như của người đứng đầu tổ chức đấu giá, đề ra các tiêu chuẩn bắt buộc hơn, chặt chẽ hơn trong quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá…", ông Long cho hay./.
Bình luận