Bộc lộ hạn chế

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 11 (khai mạc ngày 11/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Để chuẩn bị cho phiên họp này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa họp phiên mở rộng để thẩm tra nội dung này, theo Văn phòng Quốc hội.

Đề xuất công khai tên cơ quan chậm gửi tài liệu tới kỳ họp của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp (ảnh: QH)

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, Nội quy kỳ họp năm 2015 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24/11/2015. Việc thực hiện Nội quy đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội nói chung ngày càng chuyên nghiệp, bài bản...

Sau hơn 6 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Việc sửa đổi Nội quy lần này nhằm cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp; về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp. Dự thảo còn bổ sung cơ sở pháp lý cho tổ chức kỳ họp bất thường; nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp nói chung...

Theo đó, dự thảo Nội quy có một số điểm mới như: sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp, quy định về văn bản điện tử, khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu đến kỳ họp theo hướng sẽ công khai danh sách các cơ quan gửi chậm hoặc rút khỏi dự kiến chương trình kỳ họp; quy định về lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức phiếu xin ý kiến điện tử; quy định về hình thức làm việc trực tuyến…

Bổ sung quy định về kỳ họp bất thường

Điểm đáng chú ý là dự thảo Nội quy bổ sung 1 điều quy định về kỳ họp bất thường của Quốc hội. Đây cũng là nội dung còn có ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị quy định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội chỉ xem xét, quyết định đối với những nội dung thực sự cấp bách, đã rõ, đã chín, các quyết sách sau khi được ban hành phải cụ thể, rõ ràng và thực hiện được ngay, không cần phải chờ văn bản quy định chi tiết. Quy định như vậy để tránh tình trạng lạm dụng đưa vào chương trình kỳ họp bất thường những vấn đề chưa được chuẩn bị, xem xét kỹ, hoặc nội dung chưa kịp chuẩn bị để trình tại kỳ họp thường lệ được chuyển sang trình tại kỳ họp bất thường, gây bị động cho các cơ quan của Quốc hội trong công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, với việc Hiến pháp, các quy định pháp luật không ràng buộc kỳ họp bất thường chỉ xem xét những vấn đề cấp bách, chỉ cần có đề nghị của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, UBTVQH phải xem xét để triệu tập kỳ họp. Do đó, đối với kỳ họp bất thường, có thể tiến hành nhiều lần khi có đề nghị, yêu cầu. Như vậy, hoạt động của Quốc hội sẽ thường xuyên hơn, kịp thời hơn trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm kỳ họp bất thường, để bảo đảm thận trọng, có ý kiến đề nghị Quốc hội cho thí điểm áp dụng quy định về tổ chức kỳ họp bất thường. Ngược lại, có ý kiến cho rằng đã có thực tiễn về tổ chức kỳ họp bất thường vừa qua, nên đề nghị chỉ cần bổ sung quy định về kỳ họp bất thường như quy định về việc triệu tập, về thời hạn gửi tài liệu…, để bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp này mà không cần phải thí điểm.

Đề xuất công khai tên cơ quan chậm gửi tài liệu tới kỳ họp của Quốc hội
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần nghiên cứu tính toán các quy định đặc thù áp dụng tại kỳ họp bất thường (ảnh: QH)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần nghiên cứu tính toán các quy định đặc thù áp dụng tại kỳ họp bất thường, bởi một số quy định tại kỳ họp thường kỳ như: quy định về thời hạn gửi văn bản, hồ sơ tài liệu… áp dụng cho kỳ họp bất thường là không phù hợp, nên cần xem xét, bổ sung.

“Đề nghị các cơ quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Hồ sơ dự thảo và các báo cáo liên quan để trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 11. Trong đó lưu ý bổ sung thêm đánh giá khái quát những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Nội quy, dự thảo đáp ứng đến đâu mục tiêu yêu cầu đề ra. Một mặt nội quy hóa, chính thức hóa những cải tiến, đổi mới đã được thực tiễn chứng minh, mặt khác, cần rà soát, cập nhật các quy định liên quan để bảo đảm thống nhất các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền… tổ chức, tiến hành kỳ họp Quốc hội…”, ông Tùng kết luận nội dung phiên họp./.