Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra chiều ngày 6/4.

Đến năm 2030, Ninh Bình phát triển hiệu quả, bao trùm, bền vững
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, tăng trưởng kinh tế của Ninh Bình chưa tạo ra bứt phá. Ảnh: Đức Trung

Tăng trưởng kinh tế của Ninh Bình chưa tạo ra bứt phá, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý

Ninh Bình là tỉnh phía Nam của vùng Đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa khu vực Duyên hải Bắc Bộ với vùng Thủ đô Hà Nội, khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta, có diện tích 141.178,14 ha và dân số năm 2020 là 993.920 người. Tỉnh Ninh Bình có 08 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó có 06 huyện (Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Kim Sơn, Yên Mô) và 02 thành phố (Thành phố Ninh Bình, Thành phố Tam Điệp); 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 119 xã, 17 phường và 7 thị trấn.

Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi cùng bề dày lịch sử và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc; đặc biệt là danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ phía Nam của đất nước, Ninh Bình kết nối giữa phía Bắc Trung Bộ với phía Nam Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội để kết nối lên khu vực Tây Bắc.

Với lợi thế vốn có đã tạo cho Ninh Bình nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế, thể hiện qua một số chỉ tiêu như giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,03%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 45%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 11,7%; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông vận tải, truyền tải điện… đã phát triển mạnh mẽ; văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc và tiến bộ; đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm.

Tuy nhiên, phát triển của tỉnh Ninh Bình thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả; nông nghiệp chưa được chú trọng theo hướng gia tăng về chất lượng và giá trị; nguồn nhân lực với trình độ, năng suất lao động chưa cao; tỷ lệ đô thị hóa (24,7%) đạt mức trung bình cả nước; du lịch chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế.

Đến năm 2030, Ninh Bình phát triển hiệu quả, bao trùm, bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp là ngành tạo ra động lực tăng trưởng và về lâu dài du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh. Ảnh: Đức Trung

Ninh Bình thời kỳ 2021-2030: Công nghiệp là ngành động lực; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trình bày một số nội dung chính của quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, mục tiêu đến năm 2030, Tỉnh phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững, trong đó công nghiệp là ngành tạo ra động lực tăng trưởng và về lâu dài du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng, hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Phấn đấu xây dựng Ninh Bình đến năm 2025 là Tỉnh phát triển trung bình khá và năm 2030 là Tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và trở thành một trung tâm du lịch của cả nước.

Đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình là một trung tâm du lịch bền vững chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là một cực tăng trưởng tiềm năng về công nghiệp và dịch vụ của khu vực phía Nam Đồng bằng sông Hồng; một Tỉnh phát triển khá toàn diện của vùng Đồng bằng sông Hồng và là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện.

Các hoạt động kinh tế - xã hội được phân bố và tổ chức theo ba hình thái: theo vùng chức năng lãnh thổ (diện); theo các hành lang phát triển (tuyến) và theo các cực hoặc đầu mối kinh tế - xã hội và kỹ thuật, gọi chung là các trung tâm tăng trưởng.

Tỉnh Ninh Bình được phân thành ba vùng chức năng là các khu vực lãnh thổ tích hợp bao gồm: (i) Vùng trung tâm bao gồm đô thị Ninh Bình và thành phố Tam Điệp có diện tích 255,14 km², chiếm 18,40% diện tích tự nhiên toàn Tỉnh; (ii) Vùng Tây Bắc bao gồm huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn, diện tích 627,18 km², chiếm 45,23% diện tích tự nhiên toàn Tỉnh; (iii) Vùng Đông Nam bao gồm các huyện Yên Mô, Yên Khánh và Kim Sơn, diện tích 472.32 km², chiếm 36,37% diện tích tự nhiên toàn Tỉnh.

Vùng trung tâm là vùng động lực phát triển toàn Tỉnh, trong đó đô thị Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 28/7/2014 với chức năng là: trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình; là trung tâm lịch sử - văn hóa, du lịch cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế gắn với Quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên của thế giới; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Trung Bộ; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Tam Điệp là thành phố công nghiệp, là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Ninh Bình kết nối với Thanh Hóa.

Vùng Tây Bắc là một vùng chức năng giữ vai trò là vùng nông nghiệp trọng điểm; là khu vực có điều kiện phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nông thôn, chăm sóc sức khỏe, nơi tập trung các khu bảo tồn quan trọng: rừng quốc gia Cúc Phương, khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình; khu du lịch Cúc Phương, Vân Long và là khu vực phát triển công nghiệp trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5 - 9%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ lệ 5,35%; công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 47,92%; dịch vụ chiếm tỷ lệ 35,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ lệ 11,19%.

Vùng Đông Nam là vùng chức năng ngoài diện tích 472,32km² đất liền còn lại có 18.542,83ha (185,4283km²) không gian biển với vai trò là vùng nông nghiệp trọng điểm của Tỉnh gắn với khu vực phát triển kinh tế biển; là khu vực có điều kiện phát triển các khu du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch biển Kim Sơn - Cồn Nổi, nhà thờ đá Phát Diệm, hồ Đồng Thái, du lịch nông thôn, đồng thời là khu vực có điều kiện phát triển các khu công nghiệp, cảng logistic và nuôi trồng hải sản.

Các hoạt động kinh tế xã hội tập trung chủ yếu ở 09 đô thị, trong đó có thành phố Ninh Bình kết nối với huyện Hoa Lư và khu du lịch quốc gia Quần thể danh thắng Tràng An 12.552ha; định hướng trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh trong tương lai, thành phố công nghiệp - dịch vụ Tam Điệp là đô thị loại III và 06 thị trấn huyện lỵ của các huyện Nho Quan, Me, Yên Thịnh, Yên Ninh, Thiên Tôn, Phát Diệm và thị trấn Bình Minh cùng một số đô thị mới được hình thành trên các khu dân cư tiềm năng.

Ngoài các đô thị trên, các khu chức năng, đặc biệt là 10 khu công nghiệp có diện tích 1381,38ha và 08 phân khu du lịch trong đó có 3 điểm nhấn, gồm: (1) Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An là trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh số 1 của Việt Nam; (2) Tổ hợp nghỉ dưỡng du lịch Kênh Gà – Vân Trình là khu nghỉ dưỡng tắm nước nóng, chữa bệnh, vui chơi giải trí cao cấp; (3) Khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương, khu du lịch nghỉ dưỡng Vân Long và vùng ven biển Kim Sơn dự kiến trở thành liên hiệp khu sinh thái hấp dẫn bậc nhất ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

Các phân khu du lịch trên được liên kết bởi 3 tuyến du lịch và 01 trung tâm dịch vụ là thành phố Ninh Bình, là cơ sở để Tỉnh trở thành trung tâm du lịch quốc gia chất lượng cao theo tầm nhìn đến năm 2050.

Các hoạt động kinh tế- xã hội được tổ chức theo 5 hành lang giữ vai trò xương sống của tỉnh Ninh Bình gồm: 1 Hành lang Bắc- Nam, gần với đường cao tốc, đường sắt và Quốc lộ 1A, hành lang trụ cột hình thành vùng chức năng trung tâm, kết nối tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Vùng Bắc Trung Bộ; 3 Hành lang Đông- Tây, là hành lang phía Nam gần với QL12B, hành lang phía Bắc gần với Quốc lộ 10 và đường cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh và hành lang trung tâm kết nối 3 vùng chức năng của tỉnh Ninh Bình.

Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn, dựa vào mục tiêu cần đạt và hệ số sử dụng vốn, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2025 là 5,27 tỷ USD, thời kỳ 2026 - 2030 là 6,4 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,05 tỷ USD/năm và khoảng 1,28 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2026 - 2030.

Để huy động vốn đầu tư, tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả về thu, chi ngân sách; tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Đến năm 2030, Ninh Bình phát triển hiệu quả, bao trùm, bền vững
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung

Các chuyên gia Cao Viết Sinh, Nguyễn Thế Chỉnh, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Văn Liêm đề nghị lấy số liệu trong Niên giám Thống kê do Tổng cục Thống kê công bố để tính toán; làm rõ căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030; làm rõ cơ sờ pháp lý và tính khoa học của việc đề xuất tỷ lệ tăng dân số trung bình năm từ 0,95% (năm 2020) lên 1,98% (năm 2025), chưa phù hợp với chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XXII và Nghị quyêt số 105/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, chuyên gia Cao Viết Sinh chỉ rõ, theo các thông số đã có, gồm: tăng trưởng 8,76%/năm, chỉ số giá GRDP là 4%/năm, dân số đến năm 2025 là 1.126.493 người và năm 2030 là 1.209.341 người..., như vậy quy mô GRDP của Ninh Bình đến năm 2025 là 121,7 nghìn tỷ đồng với GRDP bình quân đầu người là 108 triệu đồng và đến năm 2030 quy mô GRDP là 227,9 nghìn tỷ đồng, với GRDP bình quân là 188 triệu đồng/người, khác với con số trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình (144 triệu đồng).

"Với cách tính như trên cho thấy, bức tranh kinh tế của tỉnh Ninh Bình khác xa với đề xuất của quy hoạch, nên cần nghiên cứu, xem xét về vấn đề này", vị chuyên gia này chỉ rõ.

Ông Cao Viết Sinh cũng cho rằng, cần làm rõ việc xây dựng kịch bản phát triển của 2 phương án đề xuất trong giai đoạn 2021-2025 là như nhau ở các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng (8,52%), GRDP (4,46 tỷ USD), GRDP/người (4.344 USD/người), cơ cấu kinh tế (công nghiệp xây dựng, dịch vụ, nông-lâm-thủy sản, thuế sản phẩm: 44,34%; 35,04%; 7,75%; 12,86%) và làm rõ việc chọn kịch bản I để xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, với mức tăng trưởng (8,5-9%) thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của khu vực Đồng bằng sông Hồng (9%/năm).

Chuyên gia Phạm Trung Lương, Trương Văn Quảng thì góp ý Tỉnh cần thể hiện một cách cô đọng nhất khát vọng phát triển Ninh Bình đến năm 2050; cần nghiên cứu thấu đáo hơn để có được “tầm nhìn” tương xứng với thế và tiềm năng của Ninh Bình; xem xét tính khả thi khi xây dựng Ninh Bình là một ‘‘cực tăng trưởng” của tứ giác phát triển trong điều kiện GRDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 mức bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Để xây dựng Ninh Bình là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện, các chuyên gia này cũng cho rằng, Tỉnh cần quan tâm thêm đến sự tiếp cận tiêu chí thành phố đáng sống, gồm 10 nhóm tiêu chí gồm: nhóm về môi trường chính trị xã hội; nhóm về môi trường kinh tế; nhóm về môi trường văn hóa xã hội; nhóm về y tế và chăm sóc sức khỏe; nhóm về giáo dục và đào tạo; nhóm về vui chơi giải trí; nhóm về cung cấp sản phẩm tiêu dùng; nhóm về nhà ở; nhóm về môi trường tự nhiên.

Các chuyên gia Trương Văn Quảng, Lê Đô Mười thì đề nghị Tỉnh cân nhắc bổ sung nhiệm vụ trọng tâm xây dựng ngành công nghiệp văn hóa dựa vào đặc thù của điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa, lịch sử để nâng tầm giá trị lĩnh vực du lịch, thông tin và truyền thông... Cân nhắc bổ sung nhiệm vụ đầu tư xây dựng các kết nối khác với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh ven biển là nhiệm vụ rất quan trọng đối với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch; cần nhấn mạnh trong nhiệm vụ cụ thể: hình thành tuyến Quôc lộ 21C (kết nối Vành đai 3 Hà Nội với Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính - Tràng An); tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (kết nối với Sân bay quốc tế Cát Bi).

Các chuyên gia cũng đề nghị Tỉnh bổ sung khâu đột phá thứ 5 là là Tăng cường mối liên kết, chia sẻ chức năng vùng để khẳng định Ninh Bình giữ vai trò là một cực tăng trưởng của tứ giác Thủ đô Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình gắn kết với Thanh Hóa.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng với việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch.

Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh công bố kết quả, 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.

Thứ trưởng lưu ý UBND tỉnh Ninh Bình xem xét tính hợp lý và sự đảm bảo để phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch, bao gồm: sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh; sự phù hợp của quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 27 của Luật Quy hoạch về quy trình lập căn cứ lập quy hoạch, yêu cầu về nội dung quy hoạch và quy định về quy hoạch tỉnh.

Để sớm hoàn thiện nội dung trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian sớm nhất, Thứ trưởng nhắc nhở UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến; tập trung làm rõ tất cả các nội dung bằng văn bản; triển khai lập báo cáo tiếp thu giải trình bằng văn bản các ý kiến và kết luận…, chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch…

Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng lưu ý UBND tỉnh tuân thủ theo đúng quy định và thời hạn trong vòng 1 tháng như chỉ đạo của Thủ tướng trong việc đẩy nhanh hoàn thiện quy hoạch tỉnh./.