Ngô Anh Tín - Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ

Email: tinanhngo@gmail.com

Võ Vương Bách (tác giả liên hệ) - Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Email: vvbach@ntt.edu.vn

Nguyễn Ngọc Ngân, Lê Quỳnh Như - Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Tóm tắt

Bến Tre là địa phương có ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trồng dừa và các sản phẩm từ dừa. Bên cạnh đó, Tỉnh còn sở hữu các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái và vị trí địa lý thuận lợi. Với những lợi thế đó, trong những năm qua, Bến Tre đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Bài viết khái quát thực trạng xuất khẩu của địa phương, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả cơ hội, lợi thế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế.

Từ khóa: xuất khẩu, phát triển, kinh tế, Bến Tre

Summary

Ben Tre is a locality with a strongly developed agricultural sector, especially coconut cultivation and products. In addition, the province also possesses advantages in natural resources, ecological environment, and favorable geographical location. With these advantages, in recent years, Ben Tre has promoted the export of goods. The article summarizes the current export situation of the locality, thereby proposing several solutions to effectively exploit opportunities and advantages and limit the impact of challenges in the process of international economic integration, intensely participating in the global supply chain and value chain.

Keywords: export, development, economy, Ben Tre

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bến Tre là một tỉnh ven biển nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ lâu đã nổi bật với ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là cây dừa. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng có nhiều lợi thế tự nhiên như tài nguyên đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới, hệ thống sông ngòi thuận lợi cho giao thông thủy. Mặc dù có tiềm năng lớn về sản phẩm nông sản và thủy sản, nhưng kinh tế Bến Tre vẫn chưa đạt được mức phát triển bền vững như kỳ vọng. Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế chính là xuất khẩu. Hiện nay, mặc dù Bến Tre đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm nông sản, nhưng tỷ lệ gia tăng giá trị xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc thúc đẩy xuất khẩu trở thành một trong những giải pháp quan trọng giúp Tỉnh không chỉ nâng cao giá trị các sản phẩm, mà còn tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế.

THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU TỈNH BẾN TRE

Kết quả đạt được

Bến Tre là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển với vị trí địa lý thuận lợi, giáp biển Đông với 65km bờ biển, nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp chiếm 76% tổng diện tích tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như dừa, trái cây và thủy sản. Về kinh tế, Bến Tre có tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, với GDP chủ yếu đến từ nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, xuất khẩu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, trong giai đoạn 2021-2024, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Bến Tre đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 5.845 triệu USD, tăng trưởng bình quân 4,36%/năm, đưa Bến Tre đứng thứ 6/13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xuất khẩu của Tỉnh chiếm khoảng 6%-7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 1.750 triệu USD, tăng 20,27% so với năm 2023 và đạt 100% kế hoạch năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đang đứng thứ 3 của Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau Long An và Tiền Giang. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.240 triệu USD, tăng 17,39%. Các doanh nghiệp trong nước đạt 510 triệu USD, tăng 27,91%. Thị trường xuất khẩu của Bến Tre chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Á (chiếm tỷ trọng 49,16%, tương đương 860,38 triệu USD và tăng 16,54% so với cùng kỳ năm trước); tiếp đến là các nước khu vực châu Mỹ (chủ yếu Mỹ, Canada) (chiếm 31,69%, tương đương 554,61 triệu USD và tăng 24,1%); các nước EU chiếm tỷ trọng 13,15%, tương đương 230,16 triệu USD và tăng 14,82%.

Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Tỉnh đều tăng so với chỉ tiêu. Cụ thể, thủy hải sản xuất khẩu đạt 107% kế hoạch năm (kế hoạch 36 ngàn tấn, thực hiện 38,6 ngàn tấn). Các sản phẩm xuất khẩu như: cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính đều tăng so với năm 2023. Dệt may, da giày xuất khẩu đạt 680 triệu USD; túi xách xuất khẩu đạt 154 triệu USD; điện tử - linh kiện 207 triệu USD.

Trong đó, đóng góp cho tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre năm 2024 phải kể đến các mặt hàng chế biến từ dừa. Với diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, Bến Tre được mệnh danh là "thủ phủ dừa". Cây dừa không chỉ là trụ cột kinh tế quan trọng mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đây là nguồn nguyên liệu chủ lực cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã có mặt tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, khẳng định vị thế và chất lượng trên thị trường quốc tế (Thái Hà, 2025). Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa... (Ngọc Phạm, 2024).

Khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu của Bến Tre vẫn gặp phải nhiều thách thức. Thị trường xuất khẩu của Tỉnh dù đã mở rộng ra hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các thị trường trung gian và chưa chủ động khai thác được các thị trường mới. Ngoài ra, tỷ trọng hàng công nghiệp gia công vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu xuất khẩu, dẫn đến việc giá trị gia tăng chưa cao.

Sự manh mún trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trở ngại lớn. Phần lớn sản xuất vẫn theo mô hình kinh tế hộ, nhỏ lẻ và thiếu liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư vào chế biến sâu và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị​. Cơ sở hạ tầng giao thông và logistics chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, làm tăng chi phí vận chuyển và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, nguồn nhân lực có chất lượng cao trên địa bàn Tỉnh vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế​. Cùng với đó, rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, biến động giá cả thị trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu xuất khẩu của Tỉnh.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre (ban hành theo Kế hoạch số 3206/KH-UBND, ngày 02/9/2023 của UBND tỉnh Bến Tre), tỉnh Bến Tre hướng tới mục tiêu: Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường, cán cân thương mại, các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch số 3206/KH-UBND là: Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn Tỉnh giai đoạn 2021-2030 đạt 13,5%-14,5%. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 13,22% và giai đoạn 2026-2030 có mức tăng trưởng bình quân 15%.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa đạt được mục tiêu nói trên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về phát triển sản xuất và xuất khẩu

Phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Để nâng cao giá trị xuất khẩu và đảm bảo bền vững trong dài hạn, tỉnh Bến Tre cần tập trung vào việc phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đối với ngành chế biến dừa, việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dừa hữu cơ, thực phẩm chức năng từ dừa sẽ giúp Tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn có thể xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, mang lại giá trị gia tăng gấp 2-3 lần so với các sản phẩm dừa truyền thống.

Trong ngành thủy sản, chuyển hướng từ xuất khẩu sản phẩm thô sang các sản phẩm chế biến sâu sẽ là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Việc này không chỉ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, mà còn tạo ra nhiều việc làm trong các công đoạn chế biến và gia tăng giá trị của sản phẩm.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Chiến lược thu hút đầu tư cần được thực hiện có chọn lọc, tập trung vào các dự án có công nghệ tiên tiến, đồng thời tạo ra nhiều việc làm có chất lượng. Tỉnh Bến Tre cần ưu tiên các dự án đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sản phẩm xuất khẩu chủ lực như chế biến dừa, thủy sản và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Cần xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, đảm bảo các doanh nghiệp đầu tư sử dụng lao động địa phương và đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Ngoài ra, Tỉnh cũng cần triển khai cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp FDI, đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết về sử dụng lao động địa phương và đầu tư vào công nghệ cao, từ đó hỗ trợ sự phát triển bền vững cho nền kinh tế địa phương.

Phát triển công nghiệp phụ trợ

Phát triển công nghiệp phụ trợ là yếu tố then chốt để tăng cường tính bền vững của các ngành xuất khẩu chủ lực. Việc xây dựng các cụm công nghiệp liên kết ngành sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và tăng hiệu quả sản xuất. Tỉnh Bến Tre cần hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Đồng thời, Tỉnh cần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, từ đó tạo ra cơ hội chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp địa phương.

Nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ tại Bến Tre

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Chính quyền tỉnh Bến Tre cần triển khai đồng bộ các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Một trong những chính sách quan trọng là đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND, ngày 09/12/2020 của HĐND Tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, cần ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành xuất khẩu chủ lực như chế biến dừa, thủy sản và dệt may. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường xúc tiến thương mại thông qua việc phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại để tổ chức các hoạt động kết nối giao thương và tham gia các hội chợ quốc tế. Tập trung vào các thị trường trọng điểm, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ giúp tỉnh mở rộng cơ hội xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng

Bến Tre cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1399/QĐ-TTg, ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Các dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Giao Long (giai đoạn 2), Khu công nghiệp An Hiệp cần hoàn thiện nhanh chóng để thu hút đầu tư vào các ngành chế biến xuất khẩu. Đồng thời, cần hoàn thiện nâng cấp tuyến Quốc lộ 60 và đường ven biển để cải thiện khả năng kết nối với các trung tâm logistics lớn. Đặc biệt, Dự án cảng nước sâu Bến Tre theo hình thức PPP cần được triển khai sớm, giúp doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra các thị trường quốc tế, giảm bớt chi phí logistics và tăng cường hiệu quả xuất khẩu.

Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu bền vững tại Bến Tre. Để đáp ứng nhu cầu của các ngành xuất khẩu chủ lực, tỉnh cần xây dựng các chiến lược đào tạo nghề phù hợp với thực tế. Cần tổ chức các chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành chế biến dừa, thủy sản và dệt may. Tỉnh cũng cần phát triển mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giúp người lao động có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề để tiếp cận các tiêu chuẩn và công nghệ quốc tế, từ đó nâng cao năng lực cho người lao động. Cùng với việc đào tạo nghề, tỉnh cần tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động hiện tại, giúp nâng cao năng suất lao động và tạo cơ hội thăng tiến trong công việc. Đồng thời, Tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đào tạo./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê Bến Tre (2025), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2024, truy cập từ https://www.thongkebentre.gov.vn/Bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-tinh-Ben-Tre-quy-IV-va-nam-2024-post119

2. Ngọc Phạm (2024), Xuất khẩu dừa Bến Tre hướng tới mục tiêu tỷ USD, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/xuat-khau-dua-ben-tre-huong-toi-muc-tieu-ty-usd.html.

3. Sở Công Thương tỉnh Bến Tre (2024), Đánh giá thực trạng và các điểm nghẽn trong hoạt động xuất khẩu tỉnh Bến Tre, truy cập tại https://congthuongbentre.gov.vn/danh-gia-thuc-trang-va-cac-diem-nghen-trong-hoat-dong-xuat-khau-tinh-ben-tre.html.

4. Thạch Thảo (2025), Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre năm 2024 đạt mốc ấn tượng, truy cập từ https://baodongkhoi.vn/kim-ngach-xuat-khau-cua-tinh-nam-2024-dat-moc-an-tuong-20012025-a141371.html.

5. Thái Hà (2025), Ngành dừa Bến Tre khởi sắc: Giá tăng, xuất khẩu đạt kỷ lục, truy cập từ https://nongnghiephuuco.vn/nganh-dua-ben-tre-khoi-sac-gia-tang-xuat-khau-dat-ky-luc-3896.html.

Ngày nhận bài: 06/01/2025; Ngày phản biện: 15/01/2025; Ngày duyệt đăng: 19/02/2024


* Chúng tôi chân thành cảm ơn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã hỗ trợ nguồn lực quý báu để chúng tôi thực hiện Nghiên cứu này.