Đi tìm giải pháp để khu vực doanh nghiệp tư nhân “bứt phá”
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nhấn mạnh điều này tại buổi Đối thoại Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ “bứt phá”, do Kênh truyền hình VITV tổ chức, chiều ngày 15/3 tại Hà Nội.
Chỉ tăng trưởng kinh tế tư nhân còn nhiều dư địa
Tại buổi đối thoại, ông Hoàng Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho biết, từ lâu, Việt Nam đã chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu và đang tiếp tục đẩy mạnh. Tăng trưởng kinh tế dựa vào 3 trụ cột chính, đó là: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đang dần bị thu hẹp, còn khu vực FDI mỗi năm thu hút hơn 10 tỷ USD/năm, riêng năm 2018 là đột biến lên tới 19 tỷ USD. Duy nhất là tăng trưởng kinh tế tư nhân là còn nhiều dư địa.
Trong năm 2019, Chính phủ đã đặt ra mức tăng trưởng GDP là 6,6%-6,8%, ông Giang cho rằng, với tình hình kinh tế khó lường như hiện nay thì mức tăng trưởng 6,6% là hợp lý.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Đồng quan điểm ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6% không hẳn là cao, nhưng đây vẫn là một thách thức với Việt Nam. Để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng như mong muốn, phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể chế và nguồn lực. Việt Nam đã có những tiền đề để phát triển nhanh, bền vững, nhưng không thể chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP mà phải trả lời được câu hỏi, người dân Việt Nam được hưởng lợi gì từ tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đang đóng vai trò quan trọng đối với việc gia tăng tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, những tín hiệu mới tích cực đã và đang cho thấy việc phát triển kinh tế tư nhân đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Các lĩnh vực, như: thương mại, du lịch, dịch vụ khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ cao. Lĩnh vực công nghệ thông tin dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc mạnh trong những năm tới. Nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang các ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trái ngược với quan điểm của các diễn giả, ông Lương Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo Quản trị Kinh doanh BizUni cho rằng, tăng trưởng 6,6% GDP chưa có gì là “bứt phá”. Nếu xét GDP đầu người hiện nay, thì Việt Nam chưa bằng 1/3 Trung Quốc, chưa bằng 1/2 Thái Lan. Đây là con số thấp.
“Với tốc độ này, Việt Nam không bao giờ kéo được khoảng cách với các nước khác mà sẽ vẫn là nước nghèo", ông Chánh nói.
Đồng thời, cũng theo ông Lương Minh Chánh, Nghị quyết 10 của Trung ương đã xác định kinh tế tư nhân quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế tư nhân chỉ chiếm 40% GDP, kinh tế nhà nước chiếm gần 30%, còn lại là các hộ cá thể, điều này là bất hợp lý. Kinh tế tư nhân phải là trụ cột của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc kinh tế tư nhân cần phải chiếm 50% GDP và kinh tế nhà nước phải giảm dần.
Không đồng tình với quan điểm trên của ông Lương Minh Chánh, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, không thể định nghĩa việc giảm kinh tế nhà nước theo hình thức cơ học. Theo Nghị quyết 11 về việc đổi mới, phát huy doanh nghiệp nhà nước thì phải tận dụng hiệu quả nguồn vốn của khu vực này, khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.
“Chúng ta tạo điều kiện để cho tỷ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế đất nước ngày càng lớn, để chiếc bánh ngày càng phát triển ra, chứ không phải chiếc bánh vẫn cứ như vậy và chúng ta bàn xem anh này phải co lại để cho anh kia phát triển”, ông Kiên khẳng định.
Doanh nghiệp tư nhân cần làm gì để “bứt phá”?
Theo TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tuy cải cách hành chính có giảm và thủ tục thuận lợi hơn nhưng vẫn còn không ít những thủ tục làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Do đó, nếu muốn doanh nghiệp tư nhân “bứt phá” thì chất lượng quản lý nhà nước các cấp, các ngành, các vùng phải có sự “bứt phá” thực sự.
TS. Phan Hữu Thắng đưa ra ba điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân “bứt phá”, đó là: (1) cần phải nâng cao chất lượng; (2) Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp; và (3) các doanh nghiệp cần phải khai thác hiệu quả nguồn vốn ở bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn FDI.
Các diễn giả tham gia buổi đối thoại
Còn về phía doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) – một trong những công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp tư nhân muốn “bứt phá” phải phụ thuộc vào hai yếu tố: Chính phủ có tạo điều kiện hay không và bản thân doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực, đủ trình độ và quyết tâm bứt phá hay không.
Ông Đào Ngọc Thanh cho hay, tại Vinaconex tuy mới thực hiện cổ phần hóa được mấy tháng nhưng trong kế hoạch, doanh thu của Tổng Công ty xây dựng cho năm 2019 đạt tăng trưởng 50% và lợi nhuận tăng trưởng 30%. Đấy chính là “bứt phá”. Bản thân doanh nghiệp phải tự lo cho mình và phải “bứt phá”, nhưng để làm được điều đấy thì trước hết cần có một cơ chế.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, Chính phủ có nhắc đến bứt phá về thể chế là trọng điểm, nhưng theo ông cần bứt phá về con người, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chi phí tăng lên, quản lý không đồng bộ, thiếu hiệu quả.
Còn đại diện phía cơ quan Nhà nước, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, với nguồn vốn 1,5 triệu tỷ đồng mà doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước đang nắm giữ thì cần phát huy hiệu quả sử dụng của đồng vốn này. Đồng thời, cần cải cách thể chế, mở rộng môi trường kinh doanh để tỷ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, “cần phải tạo môi trường bình đẳng để doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, hoàn toàn là doanh nghiệp tư nhân chiếm đất đai làm bất động sản chứ không có doanh nghiệp nhà nước. Thặng dư về bất động sản và chênh lệch địa tô là doanh nghiệp tư nhân chiếm nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Do đó, cần phải có cái nhìn khách quan hơn", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh./.
Bình luận