Nguyễn Thị Hiền

Trường Đại học Văn Hiến

Email: hiennt@vhu.edu.vn

Tóm tắt

Du lịch ẩm thực là một trong những loại hình du lịch đặc sắc và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Với sự đa dạng và phong phú trong văn hóa ẩm thực, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch chủ lực, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Bài viết này nhằm làm rõ tiềm năng du lịch ẩm thực của Việt Nam, những lợi thế nổi bật của nền ẩm thực truyền thống, cũng như những cơ hội và thách thức trong việc phát triển loại hình du lịch này, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng du lịch ẩm thực.

Từ khóa: phát triển, du lịch ẩm thực, du lịch đặc sắc

Summary

Culinary tourism is one of the unique and increasingly growing types of tourism worldwide. With the diversity and richness of culinary culture, Vietnam has great potential to develop culinary tourism into a key tourism product, contributing significantly to promoting the country's economy. This article aims to clarify the potential of culinary tourism in Vietnam, the outstanding advantages of traditional cuisine, as well as the opportunities and challenges in developing this type of tourism, thereby proposing several solutions to improve the quality of culinary tourism.

Keywords: development, culinary tourism, unique tourism

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch trên thế giới, du lịch ẩm thực đang ngày càng trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Đặc biệt, đối với Việt Nam, một quốc gia nổi bật với nền văn hóa ẩm thực đa dạng và phong phú, du lịch ẩm thực không chỉ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn là cơ hội để tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. Mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những món ăn đặc sản, được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, phản ánh sự sáng tạo và tinh tế trong nền văn hóa ẩm thực lâu đời.

Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng lớn, du lịch ẩm thực ở Việt Nam vẫn chưa phát huy hết sức mạnh của mình. Các sản phẩm du lịch ẩm thực chưa được phát triển một cách bài bản và chưa thực sự tạo ra sự khác biệt so với các quốc gia khác trong khu vực. Hơn nữa, sự thiếu đồng bộ trong quảng bá, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ khách du lịch ẩm thực còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương chưa tận dụng được tiềm năng của món ăn truyền thống trong việc thu hút du khách quốc tế. Bên cạnh đó, một số vấn đề như sự thiếu chuyên nghiệp trong đào tạo nhân lực, thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực quốc gia cũng là những yếu tố cần được giải quyết trong quá trình phát triển ngành du lịch này. Đặt trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực của Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết, không chỉ để phát triển kinh tế mà còn để bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ẨM THỰC Ở VIỆT NAM

Trong những năm gần đây, du lịch ẩm thực tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ cả chính quyền và các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt khi nhận thấy tiềm năng to lớn từ việc phát huy nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng. Việt Nam nổi bật với hơn 3.000 món ăn, phản ánh sự phong phú về nguồn nguyên liệu, các phương thức chế biến và ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau qua nhiều thế kỷ (Nguyễn Thị Hồng Yến, 2024). Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi thế tự nhiên và văn hóa, việc phát triển du lịch ẩm thực tại Việt Nam vẫn chưa đạt được tiềm năng tối đa. Một số yếu tố sau đây làm rõ thực trạng của du lịch ẩm thực ở Việt Nam hiện nay, như sau:

Đặc trưng văn hóa ẩm thực phong phú

Ẩm thực Việt Nam được biết đến không chỉ với hương vị độc đáo mà còn gắn liền với lịch sử và đặc trưng văn hóa từng vùng miền. Mỗi khu vực của Việt Nam có những món ăn đặc sản nổi bật như phở Hà Nội, bún bò Huế, cơm tấm Sài Gòn hay bánh xèo miền Tây. Các món ăn này không chỉ phản ánh sự sáng tạo và tinh tế trong nền văn hóa ẩm thực Việt mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá đất nước đối với du khách quốc tế (Phạm Thị Ngọc Diệp, 2022).

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã được CNN bình chọn là một trong những điểm đến du lịch ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, và các món ăn Việt Nam cũng được yêu thích tại nhiều quốc gia. Những món ăn truyền thống như phở, bánh mì, gỏi cuốn hay cà phê sữa đá dần trở thành đại diện của nền ẩm thực Việt, không chỉ ở trong nước mà còn tại các quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch ẩm thực, tuy nhiên vẫn cần có sự đồng bộ trong việc khai thác và quảng bá các món ăn truyền thống để thu hút du khách.

Chưa phát huy hết tiềm năng du lịch ẩm thực

Mặc dù có nền tảng vững chắc từ các giá trị văn hóa ẩm thực, du lịch ẩm thực tại Việt Nam vẫn chưa phát triển toàn diện và chưa tạo ra được sự khác biệt rõ rệt so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Ngô Thị Minh, 2024). Một trong những lý do chính là sự thiếu đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai chiến lược du lịch ẩm thực tại các địa phương.

Một số tỉnh/thành ở Việt Nam như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An đã bắt đầu chú trọng phát triển du lịch ẩm thực nhưng chưa có sự liên kết và quy hoạch chiến lược phát triển lâu dài. Các hoạt động quảng bá du lịch ẩm thực vẫn chưa thật sự được chú trọng, và phần lớn du khách đến Việt Nam vẫn tìm kiếm các món ăn truyền thống thông qua các quán ăn nhỏ lẻ hoặc chợ đêm, thay vì trải nghiệm một dịch vụ du lịch ẩm thực bài bản và chuyên nghiệp.

Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch ẩm thực còn thiếu và yếu. Hầu hết các nhà hàng và cơ sở phục vụ du lịch ẩm thực chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức độ đáp ứng nhu cầu ăn uống cơ bản, chưa chú trọng vào việc nâng cao chất lượng trải nghiệm du khách, chẳng hạn như thiếu những tour du lịch ẩm thực trọn gói, những hoạt động hướng dẫn nấu ăn truyền thống hoặc các chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các du khách quốc tế và người dân địa phương. Thêm vào đó, việc kết nối giữa các sản phẩm du lịch ẩm thực với các hoạt động du lịch khác, như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa hay du lịch cộng đồng, còn rất hạn chế.

Thiếu chuyên nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nhân lực có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch ẩm thực bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế, ngành du lịch ẩm thực Việt Nam vẫn đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao (Phạm Thu Huyền, 2023). Các đầu bếp, nhân viên phục vụ hay hướng dẫn viên du lịch ẩm thực thường chưa được đào tạo bài bản và chưa có kiến thức sâu rộng về văn hóa ẩm thực của các vùng miền khác nhau. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách, từ đó làm giảm sức hấp dẫn của du lịch ẩm thực Việt Nam.

Các chương trình đào tạo về du lịch ẩm thực còn khá hạn chế và thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao từ các doanh nghiệp du lịch và du khách quốc tế. Cần phải có những khóa học chuyên sâu về ẩm thực Việt Nam, bao gồm cả lý thuyết và thực hành, từ các trường học nghề đến các trung tâm đào tạo nghề, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch ẩm thực.

Chưa khai thác hết giá trị văn hóa và lịch sử của ẩm thực Việt

Ẩm thực không chỉ là những món ăn mà còn là sự kết nối với lịch sử, văn hóa và bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, du lịch ẩm thực tại Việt Nam vẫn chưa khai thác hết giá trị này. Nhiều món ăn truyền thống gắn liền với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lịch sử của từng dân tộc, nhưng chưa được giới thiệu rộng rãi đến du khách quốc tế một cách đầy đủ và sinh động. Chưa có nhiều chương trình du lịch khám phá văn hóa ẩm thực gắn liền với những câu chuyện lịch sử, lễ hội truyền thống hay thậm chí là các tour du lịch tìm hiểu nguyên liệu, phương pháp chế biến đặc trưng của từng vùng miền.

Ngoài ra, các sản phẩm ẩm thực địa phương, đặc sản của các vùng miền chưa được tổ chức thành những tour du lịch đặc trưng, giúp du khách có thể trải nghiệm, học hỏi về quy trình chế biến và hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của món ăn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và nghiên cứu sâu về các món ăn, đồng thời cần có những chiến lược quảng bá và bảo vệ các giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam.

GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH ẨM THỰC Ở VIỆT NAM

Để khai thác và phát triển tiềm năng du lịch ẩm thực của Việt Nam, cần có một chiến lược tổng thể, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đến việc xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch ẩm thực quốc gia. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể:

Một là, xây dựng chiến lược quảng bá du lịch ẩm thực quốc gia

Việc quảng bá du lịch ẩm thực Việt Nam ra thế giới cần phải được triển khai bài bản và có hệ thống. Cần phát triển chiến lược quảng bá toàn diện, kết hợp giữa các kênh truyền thống và hiện đại (truyền hình, báo chí, mạng xã hội, các nền tảng du lịch quốc tế). Các món ăn nổi bật của từng vùng miền nên được giới thiệu không chỉ ở các lễ hội ẩm thực trong nước mà còn tại các sự kiện quốc tế, các hội chợ du lịch, đặc biệt là những chương trình quảng bá ẩm thực tại các quốc gia có nhiều du khách tiềm năng. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển các nền tảng trực tuyến giới thiệu về ẩm thực Việt Nam, tạo ra các blog, website và ứng dụng điện thoại giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về các món ăn, quán ăn nổi tiếng và các tour du lịch ẩm thực.

Hai là, phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực đặc trưng

Để du lịch ẩm thực trở thành một sản phẩm chủ lực, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour du lịch ẩm thực đặc trưng, phù hợp với từng đối tượng du khách. Các tour này có thể bao gồm việc tham quan các làng nghề ẩm thực, tìm hiểu quy trình sản xuất thực phẩm truyền thống, tổ chức các lớp học nấu ăn, hay thậm chí các hoạt động giao lưu với người dân địa phương để hiểu rõ hơn về phong tục ẩm thực của từng vùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc sản của từng địa phương như phở Hà Nội, bánh mì Sài Gòn, hủ tiếu miền Nam, bánh xèo miền Trung cần được giới thiệu trong các gói du lịch chuyên biệt, khuyến khích du khách không chỉ thưởng thức mà còn hiểu rõ về lịch sử, nguồn gốc và giá trị văn hóa của từng món ăn.

Ba la, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nhân lực

Chất lượng dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh du lịch ẩm thực Việt Nam. Các nhà hàng, quán ăn phục vụ du lịch cần chú trọng đến việc nâng cao tay nghề của nhân viên phục vụ, đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch và quản lý. Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường hợp tác để tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về du lịch ẩm thực, từ kỹ năng chế biến món ăn đến kỹ năng giao tiếp, quản lý và hướng dẫn du lịch. Đặc biệt, đào tạo nhân lực về kiến thức văn hóa ẩm thực của các vùng miền là rất quan trọng, vì điều này không chỉ giúp nhân viên phục vụ nâng cao trình độ mà còn giúp du khách có những trải nghiệm sâu sắc về các món ăn mà họ thưởng thức.

Bốn là, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ

Cơ sở hạ tầng cần phải được cải thiện để phục vụ du lịch ẩm thực một cách hiệu quả. Các khu vực du lịch ẩm thực cần có những cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hệ thống giao thông thuận tiện để du khách dễ dàng tiếp cận các điểm đến ẩm thực. Hơn nữa, các điểm du lịch ẩm thực cũng cần chú trọng đến việc bảo tồn cảnh quan, môi trường, tạo ra không gian thoải mái cho du khách. Để thuận tiện cho việc tiếp cận thông tin và dịch vụ, cần đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ số như các ứng dụng di động, website, hệ thống đặt vé online, giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch du lịch, đặt dịch vụ ẩm thực và tham gia các tour du lịch ẩm thực.

Năm là, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống

Du lịch ẩm thực không chỉ đơn giản là việc phục vụ món ăn ngon mà còn là việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có chính sách bảo vệ và phát triển các món ăn truyền thống, các làng nghề ẩm thực lâu đời, đồng thời kết hợp với việc truyền dạy cho thế hệ trẻ về giá trị của văn hóa ẩm thực dân tộc. Việc bảo vệ các nguyên liệu truyền thống, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc duy trì sự đặc sắc của các món ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch ẩm thực bền vững.

Sáu là, thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp

Để du lịch ẩm thực có thể phát triển mạnh mẽ, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức xã hội. Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch ẩm thực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hợp tác giữa các đơn vị này sẽ giúp xây dựng một hệ thống du lịch ẩm thực hoàn chỉnh, từ sản phẩm du lịch đến việc quản lý và cung cấp dịch vụ du lịch. Ngoài ra, việc thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch ẩm thực cũng sẽ tạo ra cơ hội quảng bá rộng rãi, mở rộng thị trường du lịch và đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới./.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thu Huyền (2023), Một số giải pháp phát triển ẩm thực cho ngành du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế, Tạp chí Công Thương, số 3, tháng 2/2023.

2. Phan Thị Ngọc Diệp (2022), Ẩm thực du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa, Tạp chí Công Thương, số 22, tháng 10/2022.

3. Ngô Thị Minh (2024), Phát triển du lịch từ khai thác thế mạnh ẩm thực, truy cập từ https://consosukien.vn/phat-trien-du-lich-tu-khai-thac-the-manh-am-thuc.htm.

4. Nguyễn Thị Hồng Yến (2024), Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam theo hướng bền vững, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-du-lich-am-thuc-viet-nam-theo-huong-ben-vung-29913.html.

Ngày nhận bài: 10/01/2025; Ngày phản biện: 17/01/2025; Ngày duyệt đăng: 17/2/2025