Tỷ lệ bán cổ phần nhà nước đang ở mức rất thấp

Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về yêu cầu phải đưa cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa lên giao dịch tại hệ thống giao dịch UPCoM. Tuy nhiên, kết quả bán cổ phần của các doanh nghiệp này lại khá ì ạch.

Trả lời báo chí hồi đầu năm 2017, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2005-2010, khi nền kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, khả năng hấp thụ lượng cổ phần từ các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tốt, đồng thời lượng hàng hóa chưa nhiều, nhưng tổng lượng cổ phần chào bán được ra đại chúng của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cũng chỉ đạt 15%. Trong khi đó, trong giai đoạn 2011-2015, nền kinh tế và thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều khó khăn, nên chỉ bán được 8% lượng cổ phần ra đại chúng là điều dễ hiểu.

Để đẩy nhanh tiến độ lên sàn, cũng như hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một số văn bản đã được ban hành như Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011, trong vòng 25 ngày (thời gian hoàn tất thủ tục) kể từ sau khi kết thúc IPO, các doanh nghiệp phải hoàn tất đưa cổ phiếu lên sàn. Việc này tạo sức ép buộc các doanh nghiệp vi phạm thời hạn phải đưa cổ phiếu lên sàn.

Đồng thời, Nghị định 145/2016 có hiệu lực từ ngày 15/12/2016 cũng nâng mức phạt chậm niêm yết lên mức cao nhất là 400 triệu đồng.

Nhờ đó, từ cuối năm 2016 đã có một làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước lên sàn. Tuy nhiên, dường như sức hấp dẫn của doanh nghệp nhà nước vẫn còn thấp.

Điển hình như sự kiện mới đây hãng hàng không nổi tiếng của Việt Nam là VietnamAirlines chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán. Mặc dù bấy lâu nay, Vietnam Airlines vẫn được coi anh cả của ngành hàng không Việt Nam với khối tài sản hơn 4 tỷ USD, nhưng cổ phiếu lại kém xa so với hãng Vietjet Air (có tài sản chỉ bằng 1/5 Vietnam Airlines) lên sàn cùng thời điểm.

Cổ phiếu Vietjet Air vừa lên sàn từ ngày 28/2/2017 với giá trị vốn hóa 32.400 tỷ đồng. Chỉ sau đúng 1 tuần giao dịch, cổ phiếu Vietjet Air tăng giá mạnh và giá trị của hãng hàng không này đã tăng 27%, lên 41.220 tỷ đồng. Trong khi đó, Vietnam Airlines hiện chỉ có giá trị chưa tới 40.000 tỷ, khi cổ phiếu liên tục giảm giá thời gian gần đây.

Đẩy nhanh tiến độ lên sàn là giải pháp nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Đi tìm nguyên nhân

Các phân tích cho thấy cầu về cổ phiếu cổ phần hóa doanh nghệp nhà nước đang có nhiều hạn chế. Thứ nhất, đối tượng mua là người lao động trong các chính doanh nghệp nhà nước, được mua ưu đãi nhưng không có nhiều tiền. Thời gian qua kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động bị cắt giảm. Vì vậy, không có nhiều tiền tiết kiệm để bỏ ra mua cổ phiếu. Còn vay ngân hàng thì không được, bởi ngân hàng hiện nay rất hạn chế cho vay để đầu tư vào chứng khoán hay mua cổ phiếu.

Với các nhà đầu tư, cũng tương tự, muốn mua cổ phiếu thì cũng phải có tiền. Vay ngân hàng không thể được, chỉ còn cách là tìm nguồn vốn khác, chẳng hạn như chuyển đổi các danh mục đầu tư, bán bớt các tài sản khác đi lấy tiền. Tuy nhiên, với nhà đầu tư, nếu mua để đầu cơ sẽ phải tính toán rất kỹ, bán tài sản khác để đầu tư vào cổ phiếu doanh nghệp nhà nước có nên không.

Theo đó, chỉ những doanh nghệp nhà nước làm ăn có lãi, có khả năng sinh lời mới được quan tâm, còn những doanh nghệp nhà nước, không sinh lời sẽ khó có người mua. Mà thực trạng đáng buồn hiện nay là phần lớn các doanh nghiệp nhà nước lại hoạt động kém hiệu quả, lãi ít, lỗ nhiều!

Bên cạnh đó, nhìn vào phương án IPO của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thấy tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ hậu cổ phần hóa vẫn cao, nên họ không mặn mà tham gia.

Chẳng hạn, khi cổ phần hóa một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu với tỷ lệ cao nhưng không thể, do phương án cổ phần hóa thể hiện tỷ lệ cổ phần Nhà nước sở hữu sau cổ phần hóa quá cao. Thậm chí, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp không muốn bán nhiều cổ phần ra bên ngoài khi IPO, vì dư âm việc bán mạnh cổ phần tại nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mất ghế, mất việc trước đó làm cho không ít người e ngại, có thái độ co cụm lại. Tổ chức IPO là thật, nhưng “trong bụng” nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhà đầu tư mua hết cổ phần.

Điều này cho thấy tư tưởng cổ phần hóa còn chưa thông, nên hoàn toàn hiểu được tại sao lượng cổ phần bán được ít trong nhiều đợt IPO.

Quay trở lại câu chuyện của VietnamAirlines, trên thực tế Nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn ở VietnamAirlines. Nguyên tắc thị trường cổ đông nắm cổ phần lớn sẽ giữ quyền quyết định, chi phối từ vốn đến quyền bổ nghiệm tất cả hoặc phần lớn thành viên hội đồng quản trị nên cổ phiếu của VietnamAirlines không hấp dẫn bằng cổ phiếu VJC cũng là điều dễ hiểu.

Từ năm 2017 Nhà nước sẽ tập trung tạo độ sâu cho cổ phần hóa bằng nhiều giải pháp. Đó là gia tăng tối đa lượng cổ phần bán ra bên ngoài khi IPO (đề xuất áp dụng cơ chế bán tối thiểu 10% vốn điều lệ), thậm chí bán 100% tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, để hấp dẫn nhà đầu tư; đồng thời, tạo động lực thay đổi chất lượng quản trị doanh nghiệp hậu cổ phần hóa. Với những biện pháp mới của Nhà nước, hy vọng nhiều tin vui sẽ đến với cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước./.

Nguồn tham khảo:

1. http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/ban-von-nha-nuoc-nhieu-lanh-dao-doanh-nghiep-khong-muon-nha-dau-tu-mua-het-co-phan-174940.html

2. http://cafebiz.vn/vietjet-air-vua-vuot-mat-vietnam-airlines-tro-thanh-hang-hang-khong-lon-nhat-viet-nam-20170306161557942.chn