Doanh nghiệp bất động sản 2017: Còn nhiều lo ngại!
2016, số doanh nghiệp bất động sản mới tăng 83,9%
Theo thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh doanh bất động sản là ngành có nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhất là 3.126 doanh nghiệp, chiếm 2,84% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước, tăng 83,9% so với năm 2015.
Điều này cũng hoàn toàn trùng khớp với những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản năm 2016. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thì tồn kho bất động sản giảm từ 73,2 nghìn tỷ đồng (01/2015) đã giảm xuống còn 33,6 nghìn tỷ đồng (09/2016); tín dụng bất động sản có xu hướng tăng mạnh; các dựa án bất động sản đã phân tích, đầu tư mang tính chuyên nghiệp hơn dựa vào mối quan hệ cung – cầu trên thị trường; các phân khúc bất động sản, như: cơ sở bán lẻ, nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh...
Năm 2016, cả nước có 3.126 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới |
Theo đó, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản, cùng với lợi nhuận tốt của hàng loạt các ông lớn địa ốc là động lực khiến các doanh nghiệp bất động sản "mọc lên như nấm".
Ngày 30/12/2016, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016. Trong đó, người giàu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chiếm một nửa danh sách này, với tổng tài sản đạt 80.122 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng tài sản top 10.
Những tỷ phú bất động sản được nhắc đến trong top nêu trên là Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC, Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Novaland…
Một trong những điểm sáng của bức tranh doanh nghiệp bất động sản trong năm 2016, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) là các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang thống lĩnh và dẫn dắt thị trường bất động sản. Ngay cả thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) lâu nay vẫn là thế mạnh của doanh nghiệp ngoại, thì dự báo, sang năm 2017 cũng sẽ chỉ là sân chơi riêng của doanh nghiệp nội.
Như vậy, doanh nghiệp bất động sản đã cho thấy sức sống mạnh mẽ khi vượt qua được cuộc khủng hoảng trước đây. Họ đã tự cứu mình thông qua hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp nhu cầu và sức mua của thị trường.
Song, vẫn còn một số lo ngại
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2016, tuy nhiên, không phải vì thế mà có ít lo ngại về sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, 2 yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản là đất đai và tín dụng. Tuy nhiên, 2 yếu tố này lại do Nhà nước kiểm soát, nên những doanh nghiệp nào có quan hệ mật thiết với chính quyền, thì rất dễ nắm được quy hoạch, biết nơi phân bổ và chớp lấy cơ hội mua đất với giá rẻ để rồi bán ra với giá cao. Chính vì vậy, sự giàu có của nhiều doanh nghiệp bất động sản thực sự cũng không hẳn là tài kinh doanh, mà là nhờ mối quan hệ.
Do đó, bà Lan kiến nghị, Chính phủ nên có những chính sách công bằng và minh bạch để tránh tình trạng doanh nghiệp nào có quan hệ tốt với chính quyền thì tiếp cận được nguồn lực, còn các doanh nghiệp khác muốn tiếp cận thì cực kỳ khó khăn.
Một lo ngại khác cũng được PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra tại buổi giai lưu trực tuyến “Thị trường bất động sản Việt Nam 2017: Xu hướng và dự báo” ngày 24/11/2016, đó là sự phát triển của doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, chiếm trên dưới 70%. Điều này dẫn đến 3 rủi ro cho doanh nghiệp bất động sản là: rủi ro lãi suất, rủi ro về hạn mức tín dụng, rủi ro về năng lực của bản thân khách hàng.
Cần sự phát triển bền vững
Để tạo lập dòng vốn bền vững cho doanh nghiệp bất động sản, PGS, TS. Trần Kim Chung cho rằng cần tài chính hoá nguồn vốn bằng cách “tạo ra các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư tín thác, hai là hệ thống tái thế chấp, thứ ba là ngân hàng tiết kiệm tương hỗ, thứ tư là các quỹ bảo hiểm, quỹ tiết kiệm hưu trí, các công cụ tài chính khác.
Còn Chủ tịch HoREA thì cho rằng, các vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang mong muốn được tháo gỡ chủ yếu là cải cách thủ tục hành chính, bởi các thủ tục này quá nhiêu khê, dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ công chức.
“Gần như doanh nghiệp phải mất đến 50% quỹ thời gian và năng lượng chỉ để phục vụ các thủ tục hành chính”, ông Châu nói.
Để phát triển bền vững, HoREA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng mạnh vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Đồng thời cần quan tâm phát triển cả nhà cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, và người nhập cư./.
Bình luận