Việt Nam đang đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất từ Hoa Kỳ

Thông tin tại Hội thảo “Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA và UKVFTA đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và những lưu ý cho doanh nghiệp” diễn ra gần đây, bà Nguyễn Trang Nhung - Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đến tháng 5/2023, Việt Nam đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu.

Trong 6 năm gần đây (tính từ năm 2017 đến nay) Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc. Trong đó, các sản phẩm thường xuyên bị điều tra là thép, gỗ, sợi…

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại
Các sản phẩm của Việt Nam thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại là thép, gỗ, sợi…

Theo quốc gia, hiện nay, Hoa Kỳ đang đứng số 1 với 53 vụ kiện; tiếp theo là Ấn Độ (30 vụ); Thổ Nhĩ Kỳ (25 vụ); Canada (18 vụ); Australia (18 vụ); EU (14 vụ); Philippines (13 vụ).

Phân theo loại hình thì điều tra chống bán phá giá đứng vị trí số 1 với 126 vụ việc; đứng thứ 2 là điều tra tự vệ với con số 46; điều tra về chống lẩn tránh 33 vụ; điều tra chống trợ cấp 23 vụ.

Thông tin về các vụ phòng vệ thương mại mà EU điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bà Nguyễn Trang Nhung cho biết, chúng ta đã phải đối mặt với 6 vụ việc chống bán phá giá; 1 vụ việc chống trợ cấp; 1 vụ việc tự vệ; 6 vụ việc chống lẩn tránh.

Nói về nguyên nhân các vụ kiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Nhung cho hay là do sự xuất hiện của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs); việc tăng cường bảo hộ thương mại; áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xung đột thương mại dẫn đến sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đã làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyền tải bất hợp pháp.

Khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, mới đây, Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này, đã đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan ứng phó trước các vụ kiện phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ như sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc, chủ động xác định chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Hợp tác đầy đủ với DOC trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất cho doanh nghiệp

Chủ động đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.

Đọc kỹ hướng dẫn của DOC để trả lời và nộp bản trả lời câu hỏi Q&V theo đúng định dạng và thời hạn quy định (hoặc xin gia hạn nếu cần thiết và phải được DOC đồng ý). Các doanh nghiệp đã trả lời bản câu hỏi Q&V này nhưng không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc có thể nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ (separate rate). Trong các vụ việc trước đây DOC điều tra, nếu doanh nghiệp không trả lời bản câu hỏi Q&V, thì không được DOC xem xét hưởng thuế suất riêng rẽ.

Thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước; dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết; xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng./.