Đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Diễn đàn, ông Lê Việt Anh bày tỏ tin tưởng VCSF lần thứ 11 năm nay với chủ đề: “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi” sẽ tiếp tục là một đối thoại quan trọng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đối tác trong nước, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp về các định hướng và thực tiễn phát triển bền vững, đồng thời, cũng là một dịp để ghi nhận những đóng góp, nỗ lực bền bỉ và sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự hỗ trợ của các bạn bè, tổ chức quốc tế trong hành trình hướng tới bền vững, thịnh vượng chung và đảm bảo mục tiêu cốt lõi “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong hành trình chuyển đổi xanh

Chia sẻ về những thành quả bước đầu đã đạt được trong hành trình chuyển đổi xanh hướng tới hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, ông Lê Việt Anh cho biết, kể từ sau Hội nghị COP 26, hướng tới phát thải ròng bằng 0 - Net Zero đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chiến lược quan trọng như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Vấn đề chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net Zero đã được tích cực lồng ghép và thúc đẩy triển khai thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của quốc gia, ngành/lĩnh vực và địa phương.

Doanh nghiệp cần chuyển đổi tư duy, bắt tay vào hành động để chuyển đổi xanh
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại VCSF 2024

Trong đó, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm hướng tới 4 mục tiêu quan trọng: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (ii) Xanh hóa các ngành kinh tế; (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (iv) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Theo đó, chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, nhiều quy trình sản xuất, bảo quản tiên tiến giúp gia tăng hiệu quả, giảm tổn thất sau thu hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu được công nhận và ứng dụng. Ngành công nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến trong hiện đại hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ và cơ cấu lại các ngành tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch được thúc đẩy, tập trung bước đầu vào các phương tiện công cộng tại các đô thị lớn. Du lịch xanh, bền vững trở thành định hướng phát triển du lịch trọng tâm, với các mô hình, sản phẩm sáng tạo. Các mô hình mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, thí điểm tại các doanh nghiệp. Tư duy áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong mô hình cộng sinh công nghiệp, công nghiệp sinh thái được hiện thực hóa, thu được kết quả rất tích cực khi thử nghiệm tại một số địa phương. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đánh giá công bố doanh nghiệp bền vững, sáng kiến EGS... thu hút được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn vốn xanh tăng trưởng mạnh mẽ

Công tác huy động nguồn lực tài chính, đầu tư cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nhận nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, các bên liên quan và đã đạt được nhiều kết quả thực chất, tích cực. Nội dung vận động, thu hút nguồn lực cho chuyển đổi xanh được lồng ghép xuyên suốt trong các cuộc làm việc, tiếp xúc trong và ngoài nước của các lãnh đạo cấp cao.

Hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh, bền vững được tăng cường, tiếp tục chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn, cơ chế hợp tác mới nhằm tranh thủ sự ủng hộ về nguồn lực của các quốc gia, tổ chức quốc tế. Theo đó, nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký kết, triển khai, trong đó phải kể để Kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Tuyên bố chính trị JETP thỏa thuận với cam kết ban đầu đạt 15,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân đạt nhiều kết quả khả quan. Tín dụng xanh tăng trưởng nhanh với mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 23%/năm trong giai đoạn 2017-2022, cao hơn tốc độ tăng tín dụng bình quân chung của nền kinh tế. Tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo (45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Nguồn vốn FDI được thu hút có chọn lọc, tập trung vào các dự án công nghệ cao, đầu tư xanh, có phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến, đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường. Ngày càng nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực xanh của Việt Nam.

3 điểm nhấn thể hiện vai trò của cộng đồng doanh nghiệp

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” đã khẳng định đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các doanh nghiệp không chỉ sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm dịch vụ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động, qua đó giúp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là ở các vùng khó khăn thông qua các mô hình kinh doanh bao trùm (Inclusive Business). Các doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước thông qua việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và đồng hành hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero, bên cạnh sự dẫn dắt, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, thì vai trò sáng tạo, tham gia mạnh mẽ và thúc đẩy sự chuyển đổi của cộng động doanh nghiệp là rất quan trọng, thể hiện qua 3 điểm sau:

Thứ nhất, cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Theo đó, trong cuộc đua xanh toàn cầu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần định nghĩa lại về tiêu chuẩn thành công của doanh nghiệp ngày nay. Giờ đây các doanh nhân cần thay đổi tư duy, xác định gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Chỉ khi gắn kết được mục tiêu tăng trưởng kinh tế với giảm phát thải khí nhà kính, trung hoà các-bon, giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên thì doanh nghiệp mới có được sự phát triển thành công, bền vững trong thời đại ngày nay.

Thứ hai, cần thay đổi trong mô hình kinh doanh. Thực tế, mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh vị lợi nhuận (business as usual) đã không còn là một lựa chọn tối ưu. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang kinh doanh “vị tự nhiên” (nature positive business). Theo đó, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn cân bằng đa dạng sinh thái… là những hướng đi tiên tiến của doanh nghiệp kinh doanh “vị tự nhiên”. Các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy thực hành khung ESG trong quản trị doanh nghiệp thông qua việc tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0, các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số.

Thứ ba, cần lan tỏa chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Hiện nay, 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa và các DNNVV cần xác định việc thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững không chỉ giành riêng cho các doanh nghiệp lớn, mà các DNNVV cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào cuộc đua xanh này. Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các hiệp định này đòi hỏi các nước thành viên phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, điều cần thiết để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp lớn cần thúc đẩy, lan tỏa việc chuyển đổi xanh vào cộng đồng DNNVV, định hướng và tạo thuận lợi cho DNNVV trong nước tham gia vào chuỗi giá trị xanh toàn cầu.

Hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý chính sách cho chuyển đổi xanh

Liên quan đến khung thể chế, chính sách, ông Lê Việt Anh cho biết, để hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero về đích, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường; chuyển đổi tư duy hoạch định xây dựng chính sách, tư duy quản lý, tư duy giám sát hướng tới đưa chuyển đổi xanh, phát triển bền vững vào sâu trong “hơi thở” của chính sách, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp theo đuổi thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ tập trung nỗ lực để dẫn dắt doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế xanh thông qua đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn cho phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường kết nối với khu vực và thế giới; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, tăng tỷ trọng vốn tín dụng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon.

Đồng thời, Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách để hướng cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội thay đổi tư duy trong lối sống, chuyển từ tiêu dùng “xám” sang “xanh” thông qua việc thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hướng tới sử dụng năng lượng bền vững và tiết kiệm năng lượng; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản, theo nguyên tắc thị trường; đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường để có khả năng vốn hóa các nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.

“Với quyết tâm và cam kết chính trị cao, Việt Nam phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 nhằm hướng tới cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho hôm nay và mai sau, không chỉ của người dân Việt Nam, mà còn vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Hướng tới mục tiêu Net Zero là một hành trình dài, đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến hết sức phức tạp mà ngay tại lúc này chúng ta đang phải gồng mình chống chọi với những tác động khủng khiếp của bão Yagi. Hành trình này đòi hỏi nỗ lực bền bỉ, không ngừng nghỉ của tất cả các bên liên quan và bên cạnh đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách điều hành của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần cùng nhau chuyển đổi tư duy, bắt tay vào hành động để thực hiện vì một thế giới tốt đẹp hơn”, ông Việt Anh nhấn mạnh./.