Bị “kẹt’ vì pháp lý

Ý kiến từ một số chuyên gia và doanh nghiệp tại cuộc tọa đàm về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) do Tạp chí Kinh tế Việt Nam vừa tổ chức cho biết, trái phiếu đang ngày càng là kênh giúp doanh nghiệp huy động được lượng vốn lớn để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của FiinRatings, kênh trái phiếu giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn cho phát triển ngay cả trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19.

“Tính riêng giá trị TPDN đang lưu hành, số dư trái phiếu tương đương khoảng 12% số dư nợ của hệ thống ngân hàng, nếu so với phần dư nợ trung và dài hạn thì TPDN chiếm khoảng 30%. Điều này chứng tỏ trong một số năm vừa qua, nếu không có kênh dẫn vốn TPDN thì nhiều doanh nghiệp đã phá sản, hệ thống ngân hàng cũng chịu nhiều gánh nặng...”, ông Thuân nhìn nhận.

Doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu vì Nghị định
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả

Đèo Cả đang triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu ngay trong tháng 9-10 năm nay để thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông mới như: Dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng; Dự án cao tốc Hữu nghị - Chi Lăng và Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, với tổng mức đầu tư lần lượt khoảng 7.500 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng… Thế nhưng, trong quá trình phát hành trái phiếu, chúng tôi gặp vướng mắc...

Theo tiếng nói từ doanh nghiệp, họ có nhu cầu huy động lượng vốn qua kênh TPDN ngày một lớn hơn để thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh. Theo ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, ngân hàng đang thắt chặt cho vay đối với đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT (xây dưng - vận hành - chuyển giao), nên Đèo Cả tiến hành huy động vốn qua kênh trái phiếu để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư).

“Tuy nhiên trong quá trình phát hành trái phiếu, chúng tôi gặp phải vướng mắc về mặt chính sách cũng như thực tiễn. Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ra đời ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thì doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ. Quy định này bó hẹp cho doanh nghiệp trong gọi vốn...”, ông Thế phản ánh.

Đề xuất hướng gỡ tắc

Trước vướng mắc trên, ông Thế đề xuất, các doanh nghiệp BOT cần được phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, vì lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông có nhu cầu nguồn vốn lớn và cũng phù hợp với phát hành trái phiếu quốc tế... Cũng nên xem xét cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi, để sau giai đoạn 3-5 năm khi trái phiếu hết thời hạn, thì chúng có thể chuyển đổi thành cổ phần, biến thành phần vốn góp của nhà đầu tư vào doanh nghiệp hay dự án...

Đồng tình với đề xuất cần mở ra cơ chế cho doanh nghiệp BOT phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để huy động vốn, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nên kiến nghị với Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 28/2021/NĐ-CP để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu vì Nghị định
Ông Cấn Văn Lực

Thông thường có 4 nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng gồm: vốn chủ sở hữu, vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu (ở nước ngoài thường chiếm khoảng 25-30% tổng vốn đầu tư), vốn tín dụng (đến từ định chế tài chính phát triển)...

Liên quan đến phát hành trái phiếu chuyển đổi, ông Lực cho rằng, nếu như loại trái phiếu này do quỹ đầu tư, công ty chứng khoán mua thì hạn mức tín dụng không phải là vấn đề. Tuy nhiên, với ngân hàng thương mại, nếu như đầu tư trái phiếu chuyển đổi, rồi sau này trái phiếu đó chuyển thành cổ phiếu thì không ổn, như vậy sẽ trở thành vấn đề ngân hàng đầu tư trái ngành. Điều này là đi ngược với xu hướng thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh không liên quan tới ngân hàng. Do đó, lời giải cho bài toán này phải đợi sửa Luật Các tổ chức tín dụng trong 1-2 năm tới.

“Chúng tôi đã đề nghị với Ngân hàng Nhà nước tách thành 2 mô hình là ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Nếu Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi theo hướng này, thì kiến nghị của ông Thế sẽ được ngân hàng đầu tư xử lý, nhưng nội dung này đang được tranh luận rất quyết liệt...”, ông Lực cho hay.

Để giúp doanh nghiệp có vốn cho đầu tư các dự án hạ tầng, ông Thế còn kiến nghị cần hình thành Quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia, giống như những mô hình đầu tư ở nước ngoài. Quỹ này thực hiện cho vay ưu đãi hoặc đầu tư vào trái phiếu của các dự án hạ tầng giao thông. Quỹ này tạo vốn mồi, qua đó mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu của lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực băn khoăn rằng, có nên thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng hay không trong bối cảnh vai trò của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là mờ nhạt, liên tục phải tái cấu trúc trong thời gian qua? "Cá nhân tôi cũng có đề xuất cơ cấu lại ngân hàng này, bởi họ có vai trò rất quan trọng là tài trợ vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng nhưng không làm được. Các ngân hàng thương mại cho vay được phần nào nhưng rất khó khăn. Do đó ý kiến thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng là rất đáng quan tâm", ông Lực chia sẻ.../.