Doanh nghiệp mới bất ngờ giảm cả lượng và chất
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 07/2016, số doanh nghiệp được thành lập mới là 9.621 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 69.196 tỷ đồng, giảm 1,4% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với tháng 6/2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 7 đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 10,3% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu tính chung 7 tháng đầu năm, thì số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể: cả nước có thêm 64.122 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 496.958 tỷ đồng, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015 (So sánh 2015/2014: doanh nghiệp tăng 22,7%; vốn tăng 22,4%).
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2016 là 1.391.880 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 496.958 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 894.922 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2016 là 744,3 nghìn lao động, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo vùng lãnh thổ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2016 của các vùng đều tăng. Điển hình như: vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 8.958 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng nhiều nhất là 30,6%; tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng có 19.321 doanh nghiệp, tăng 25,5%; Trung du và miền núi phía Bắc có 2.449 doanh nghiệp, tăng 22,1%; Đông Nam Bộ có 27.321 doanh nghiệp, tăng 21,7%...(Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo vùng lãnh thổ
Theo lĩnh vực hoạt động, 7 tháng đầu năm 2016, hầu hết các ngành, lĩnh vực hoạt động có xu hướng tăng về tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm 2015, như: Kinh doanh bất động sản đăng ký; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Hoạt động dịch vụ khác; Giáo dục và đào tạo; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác... Ngược lại, duy nhất lĩnh vực Nghệ thuật, vui chơi và giải trí là có số doanh nghiệp thành lập mới là 806 doanh nghiệp, giảm 31,2% (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo lĩnh vực hoạt động
Nếu xét trên chỉ tiêu vốn đăng ký, thì một số ngành có tỷ lệ vốn đăng ký tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: Kinh doanh bất động sản đăng ký 120.297 tỷ đồng, tăng 301,8%; Khai khoáng đăng ký 19.775, tăng 264,0%; Thông tin và truyền thông đăng ký 16.530 tỷ đồng, tăng 207,1%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác đăng ký 30.884 tỷ đồng, tăng 145,5%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga đăng ký 22.046 tỷ đồng, tăng 131,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo đăng ký 68.020 tỷ đồng, tăng 127,0%;...
Ngược lại với các ngành trên, những ngành còn lại đều có số vốn đăng ký giảm so với năm trước. Cụ thể: Xây dựng đăng ký 70.156 tỷ đồng, giảm 14,5%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy đăng ký 70.283 doanh nghiệp, giảm 9,3%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí đăng ký 3.131 tỷ đồng, giảm 6,8%; Vận tải kho bãi đăng ký 19.958, giảm 6,0%; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác đăng ký 10.753 tỷ đồng, giảm 2,2%.
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2016 là 16.706 doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long Long có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất là 1.809 doanh nghiệp, tăng 104,6%; tiếp đó là vùng Đông Nam Bộ với 6.678, tăng 80,9%; Đồng bằng sông Hồng với 4.463 doanh nghiệp, tăng 56,5%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 2.471 doanh nghiệp, tăng 56,2%... Đây là con số hết sức khích lệ, cho thấy niềm tin của cộng đồng vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, trong bức tranh doanh nghiệp 7 tháng đầu năm cũng cho thấy những mảng tối đáng chú ý, đó là số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh cũng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể: trong 7 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời thời hạn của cả nước là 13.656 doanh nghiệp, tăng 35,8%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 22.550 doanh nghiệp, tăng 1,1%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 6.422 doanh nghiệp, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các doanh nghiệp giải thể, thống kê tại Bảng cho thấy, phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng là 5.987 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 93,2% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Bảng: Số doanh nghiệp giải thể theo quy mô vốn
Theo vùng, lãnh thổ, trong 7 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp giải thể tại một số vùng cũng tăng so với cùng kỳ năm 2015, như: vùng Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên...
Phân theo lĩnh vực hoạt động, trong 7 tháng đầu năm 2016 một số ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Thông tin và truyền thông có 245 doanh nghiệp, giảm 18,1%; Kinh doanh bất động sản có 67 doanh nghiệp, giảm 5,6%; Xây dựng có 624 doanh nghiệp, giảm 4,4%. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng so với cùng kỳ./.
Bình luận