Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ về nhiều mặt để vượt khó
Thông tin cập nhật từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đại đa số các doanh nghiệp gặp khó khăn thuộc khối DNNVV. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ sớm tạo lực đỡ chính sách, giúp các doanh nghiệp trụ lại thương trường và tìm cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Định danh doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/8/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng lĩnh vực |
8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh do chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP kỳ vọng sẽ tạo lực đỡ chính sách, giúp các doanh nghiệp trụ lại thương trường. |
Nghị định quy định rõ nguyên tắc thực hiện hỗ trợ. Theo đó, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) quyết định số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc DNNVV nộp hồ sơ trước được hỗ trợ trước; DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ và DNNVV là doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật được hỗ trợ trước.
Trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn một mức hỗ trợ có lợi nhất.
Ngoài các nội dung hỗ trợ riêng theo quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa quy định chi tiết tại Nghị định này, các nội dung hỗ trợ chung cho DNNVV được áp dụng cho cả doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa đáp ứng điều kiện hỗ trợ quy định tại Nghị định này.
DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hưởng các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Chương IV và các nội dung hỗ trợ khác không trùng lặp quy định tại Chương III Nghị định này.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở năng lực thực hiện, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV trực tiếp cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV đủ điều kiện.
Về tiêu chí xác định DNNVV, Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Lĩnh vực hoạt động của DNNVV được xác định căn cứ vào ngành, nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ về công nghệ, vốn, lãi suất, đào tạo…
Các khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng được hưởng mức chênh lệch lãi suất ngân sách nhà nước cấp bù là 2%/năm. |
Nghị định quy định việc hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trong đó, đối với hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm các tiêu chí xác định DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Phương thức lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ; Nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Nghị định đưa ra tiêu chí xác định cụm liên kết ngành và lựa chọn DNNVV tham gia cụm liên kết ngành để hỗ trợ; Tiêu chí xác định chuỗi giá trị và lựa chọn DNNVV tham gia chuỗi giá trị để hỗ trợ; Nội dung hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Về hỗ trợ lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Nghị định nêu rõ, trong từng thời kỳ, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh theo các nguyên tắc như các DNNVV đáp ứng tiêu chí về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Điều 20 Nghị định này và tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị quy định tại khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 24 Nghị định này, đồng thời chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất của Nhà nước trong cùng một giai đoạn.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với 01 phương án, dự án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn.
Doanh nghiệp vay vốn được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng.
Trong từng thời kỳ, mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng là 2%/năm.
Tổ chức tín dụng thực hiện cho vay có hỗ trợ lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước bố trí; thực hiện tạm ứng, thanh toán, quyết toán theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
DNNVV được hưởng hỗ trợ lãi suất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin cung cấp liên quan tới phương án, dự án sản xuất - kinh doanh thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; hoàn trả số tiền được hỗ trợ lãi suất khi vi phạm các quy định về hỗ trợ lãi suất và pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV, có trách nhiệm xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ DNNVV. |
Tại Nghị định, Chính phủ giao trách nhiệm cho một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV trong việc thu hồi kinh phí hỗ trợ.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV, có trách nhiệm xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ DNNVV; Chủ trì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm hỗ trợ DNNVV quy định tại khoản 5 Điều 11 và Mục 4 Chương IV Nghị định này theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Chủ trì tổng hợp, xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm hỗ trợ DNNVV; phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn chi thường xuyên từ nguồn ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách nhà nước để hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành.
Tổ chức xây dựng, quản lý, phát triển, duy trì cổng thông tin và cơ sở dữ liệu hỗ trợ DNNVV; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thiết lập, kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu hỗ trợ DNNVV; Chủ trì tổ chức xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định này từ nguồn ngân sách trung ương.
Chủ trì hướng dẫn các nội dung hoạt động hỗ trợ về công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định này.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực tham gia chuỗi giá trị của DNNVV để các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV và các tổ chức liên quan có căn cứ áp dụng lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ; Định kỳ hằng năm, rà soát và công bố trên cổng thông tin danh sách các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV cấp trung ương và địa phương.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Nghị định này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định mới./.
Hồng Lĩnh (lược dẫn từ mpi.gov.vn)
Bình luận