Hợp tác cùng có lợi

VBF năm nay có chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực tiễn nhiều năm cải cách đổi mới ở Việt Nam và xu hướng hiện nay đã chứng minh một cách thuyết phục rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, góp phần xây dựng vị thế Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có 600 nghìn doanh nghiệp đăng ký, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập trong một năm, tức bình quân 1 giờ có 12 doanh nghiệp được thành lập mới.

Thủ tướng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2016-2020, Đảng đã xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam ở đây bao gồm cả các doanh nghiệp FDI đã được đăng ký, cấp phép.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 coi FDI là một thành phần kinh tế phát triển của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tham gia cộng đồng AEC, ký 12 hiệp định FTA và đang đàm phán một số hiệp dịnh nữa. Điều đó giúp Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, gồm các nước G7 và 15/20 thành viên G20, là nơi lý tưởng cho các nhà đầu tư.

Bằng chứng là Việt Nam đã có hơn 21 nghìn doanh nghiệp FDI kinh doanh đầu tư với hơn 300 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn danh tiếng. Đây là khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển tốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Năm nay tuy có những khó khăn, song tổng mức đầu tư FDI cũng đã trên 17 tỷ USD, đây là thành công lớn.


Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn

Theo Thủ tướng, FDI là mắt xích không thể tách rời trong nền kinh tế Việt Nam và thực tiễn cho thấy khu vực này đã có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những đóng góp này và cam kết tạo điều kiện thuận lợi tốt hơn nữa cho việc phát triển khu vực FDI tại Việt Nam.

Song, Chính phủ cũng mong muốn có sự chia sẻ trong hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào những cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường.

Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ không đón chào các nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, thiếu trách nhiệm với môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi đã cam kết.

Mặc dù đánh giá cao vai trò của FDI nhưng nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh. Thủ tướng cho rằng, điều này không phải quan điểm mâu thuẫn, mà ngược lại hỗ trợ, tương tác cùng chiều cho nhau, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo sức sống và sự phát triển cho nền kinh tế, mọi thành phần kinh tế đều hưởng lợi. Với ý nghĩa đó, Chính phủ tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế của người dân, phấn dấu đạt mục tiêu cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó có nhiều doanh nghiệp trưởng thành lớn mạnh, vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

Nói về sự hợp tác liên kết giữa 2 khu vực kinh tế tư nhân trong nước và FDI, Thủ tướng cho biết, Việt Nam muốn khu vực FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, thị trường và năng lực quản trị sẽ có những cam kết hành động cụ thể, thực chất để hỗ trợ, tăng cường liên kết, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cùng phát triển, hài hòa lợi ích chung. Hai khu vực này cần tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển trong nền kinh tế quốc gia. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là mọi doanh nghiệp, dù nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân trong nước hay FDI đều bình đẳng trước pháp luật, khuyến khích tôn trọng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị.

Chính phủ đặc biệt ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia, cung ứng nhiều linh kiện, phụ tùng, dịch vụ đạt tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp FDI. Các bên cùng nhau hợp tác, đưa hàng Việt Nam vào thị trường khu vực và thế giới.

Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực và tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công tư, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm dịch vụ, chủ động tham gia và đề xuất chính sách và dự án đầu tư hiệu quả phù hợp với mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và tăng trưởng mang tính toàn diện.

Trước đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và các bên liên quan, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ để các chỉ số cơ bản về môi trường cạnh tranh theo xếp hạng của WB và năng lực cạnh tranh của WEF đạt mức trung bình các nước ASEAN 4 trước năm 2020.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành tiếp thu các nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị phù hợp của các hiệp hội doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung, chính sách pháp luật liên quan. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, có kế hoạch triển khai nội dung trong các nhóm vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, trước hết là gỡ thể chế, chấn chỉnh những bất cập kéo dài trên tinh thần phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế. Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ làm việc hết mình đẻ tạo một môi trường đầu tư tốt, để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác lớn mạnh trên sân nhà và sẽ vươn ra toàn cầu.

Môi trường kinh doanh chưa bứt phá mạnh

Trước đó trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2016 có thể coi là năm của doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ đánh dấu một chặng đường vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp mà còn là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cả hệ thống chính trị và xã hội. Đặc biệt là việc Chính phủ mới đã quyết tâm đẩy nhanh công cuộc cải cách, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng, năm 2016 doanh nghiệp Việt Nam có bước khởi sắc, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khẳng định doanh nghiệp đã phục hồi sau một thời gian khó khăn, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận “doanh nghiệp tuy đông nhưng chưa mạnh”. Nhiều doanh nghiệp chưa khẳng định và củng cố được khát vọng lớn mạnh, vươn cao, vươn xa.

Doanh nghiệp nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Bộ trưởng chia sẻ, dù giải quyết được vấn đề việc làm nhưng thiếu doanh nghiệp lớn, mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn, khả năng dẫn dắt cuộc chơi tại thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới.

Nói tới vấn đề môi trường kinh doanh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năng lực cạnh tranh nền kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện về thứ hạng. Thế nhưng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận rằng sự tiến bộ ấy “chưa tạo được bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN”.

Ông Dũng cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng 5 trong 10 nước ASEAN, tuy nhiên các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua, thì các nước xếp sau chúng ta lại cải thiện vượt bậc. Cho nên không cẩn thận chúng ta vừa khó tiếp cận trung bình ASEAN 3-4 mà lại tụt lại phía sau.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trong phát biểu sau đó cũng cho biết, mặc dù trong thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp nhưng các chính sách, thủ tục vẫn đang xa vời với thực tế, còn có sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, nhiều chính sách kinh tế còn bất cập, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối quan ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện VCCI cho biết thêm, dường như các cơ quan nhà nước đang lạm dụng các giải pháp quản lý, thủ tục cấp phép mà không tính đến việc những giải pháp đó tạo ra gánh nặng thế nào cho doanh nghiệp, ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa và gây thiệt hại như thế nào đến nền kinh tế.

Ông Kenneth M.Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam thì lưu ý: “Việt Nam vẫn còn những tiềm năng to lớn mà chỉ có thể được đánh thức trong một môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi”.

Còn đại diện của EuroCham nhấn mạnh, việc cải thiện môi trường hành chính thông qua việc đơn giản hóa các luật và thủ tục hành chính, giảm phạm vi lạm quyền bằng cách làm rõ các quy định và cải thiện tiền lương củ công chức nhà nước,… sẽ tăng khả năng đầu tư vào VIệt Nam và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn./.