Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự “Hội thảo Quốc gia về Kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 30/9.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Bắc Giang chia sẻ, Tỉnh này có 38 nghìn ha trồng vải, trong đó có 8 nghìn ha xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGap. Nhưng, sản xuất theo tiêu chuẩn này mới chỉ giúp địa phương xuất khẩu được sang Trung Quốc, còn việc xuất khẩu vải thiều sang các thị trường cao cấp, như: châu Âu, Nhật Bản... còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vấn đề bảo quản.

Thực tiễn cho thấy, đa số nông dân và các cơ sở sản xuất, thu mua đều thu hoạch và mua bán rau quả theo tập quán, không có quy trình bảo quản. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, làm hạn chế khả năng xuất khẩu của trái cây Việt Nam.

Đồng tình với những ý kiến trên, một đại diện của khu vực miền Trung cho biết, ngành cà phê của Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, ngành hạt điều và hồ tiêu thì đang đứng ở vị trí số 1. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng này vẫn xuất khẩu ở dạng thô. Do đó, giá trị gia tăng trong các sản phẩm này cực kỳ thấp.

Cũng tại Hội thảo, đại diện của Công ty Cổ phần kho vận miền Nam cũng nêu nên những khó khăn đặc thù của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đó là: thiếu thông tin thị trường đầu ra, quy trình sản xuất chưa đồng nhất, quản lý chất lượng và chi phí kém hiệu quả.

Bổ sung cho những ý kiến trên, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Cần Thơ cho biết, các doanh nghiệp trong nước còn yếu ở trình độ quản lý và chưa trang bị đủ các kiến thức về xuất khẩu.

Do đó, để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, thì các doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều vào khâu chế biến, xây dựng thương hiệu và nâng cao trình độ quản lý.

Một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu là phải nâng cao năng lực xúc tiến thương mại. Ông Nguyễn Khánh Tùng nhấn mạnh: “Đó là cánh tay nối dài để doanh nghiệp tăng cường phát triển xuất khẩu”. Nhà nước cần phải hỗ trợ chuỗi cung ứng xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; phải có hệ thống marketing phù hợp, có hệ thống xúc tiến thương mại ở các tỉnh.

Cùng ý kiến về đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Khanh cho biết: “Với các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cần tập trung vào vấn đề cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Tại các thị trường mới và khó tính thì phải cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về thị trường, giá cả, rào cản kỹ thuật, đối tác khách hàng, văn hóa kinh doanh… để doanh nghiệp có chiến lược phát triển phù hợp”.

Theo Kế hoạch Quốc gia về Phát triển Xuất khẩu vùng mà Cục xúc tiến thương mại đưa ra tại hội thảo thì, tại 3 khu vực Bắc – Trung – Nam các chuyên gia sẽ chọn ra một số địa phương có ngành hàng xuất khẩu nổi bật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm gia tăng hiệu quả xuất khẩu.

Trong đó, các nhóm hàng ưu tiên để phát triển xuất khẩu ở 3 miền bao gồm: miền Bắc (quả vải, chè, dệt may, giày dép, logistic, dịch vụ); miền Trung (cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mật ong, cá ngừ, thủ công mỹ nghệ - xuất khẩu tại chỗ, thủ công mỹ nghệ mây tre lá, logistic, du lịch); miền Nam (gạo thơm, trái cây tươi, cá tra, may mặc, thủ công mỹ nghệ, logistic, du lịch).

Riêng với sản phẩm nông nghiệp, cần hỗ trợ thành lập các hợp tác xã theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap...; chọn thị trường phù hợp cho từng loại sản phẩm; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin; nâng cao năng lực quản lý, tay nghề cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Tuynh, công ty TNHH một thành viên Tiến Tài cũng kiến nghị, Nhà nước nên có các khóa tập huấn nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xuất khẩu và những yêu cầu của khách hàng, thị trường... Cần tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn doanh nghiệp để phát triển đội ngũ chuyên môn về xuất, nhập khẩu, thiết kế mẫu mã, bao bì... Nhà nước cũng cần đơn giản các thủ tục, như: chứng nhận chất lượng, chứng nhận xuất xứ... để tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí cho các doanh nghiệp.

Cũng tham gia thảo luận về giải pháp gỡ khó cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải biết nguồn lực của mình đến đâu để tiếp cận thị trường cho phù hợp, nên khai thác thị trường lớn hay thị trường ngách. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nên nghĩ đến hướng liên kết để tạo thành một nhóm doanh nghiệp có khả năng hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Có như vậy, chúng ta mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu./.