Dự kiến thương mại điện tử Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023
Thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16%-30%
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi số Công Thương xanh và bền vững”, do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 21/11/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn giảm mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Diễn đàn |
Thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, kéo theo thương mại toàn cầu cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 01/11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16%-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó, giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20%-25%
Thông tin về tình hình chuyển đổi số ngành Công Thương đến năm 2030, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Bộ Công Thương đã chuyển từ giai đoạn chính phủ điện tử sang chính phủ số. Trong đó, cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 96,6% trực tuyến toàn trình, tỷ lệ hồ sơ số hóa chiếm hơn 93% trên cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương…
Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xếp vị trí đầu về dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về kinh tế số, Bộ Công Thương tập trung chuyển đổi số trong thương mại điện tử, công nghiệp và năng lượng. Bộ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20%-25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái số đạt 50%, 70% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Điển hình như ngành năng lượng đã tối đa hóa và tự động hóa mạng lưới điện tử, kết nối đồng hồ đo điện, tăng sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố mạng lưới, tiết kiệm năng lượng…
Tại diễn đàn, để có được các sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, tăng cường đóng góp của chuyển đổi số đối với sự phát triển ngành Công Thương nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đề nghị tập trung chia sẻ, thảo luận một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, các xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành Công Thương nói riêng; các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số ngành Công Thương trong các lĩnh vực trọng điểm như: năng lượng, sản xuất thông minh, thương mại điện tử, logistics...
Thứ hai, các giải pháp tiếp tục xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững, thu hẹp khoảng cách số, tăng tính liên kết vùng...
Thứ ba, các giải pháp phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương tại các địa phương...
Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương 2023, đã diễn ra triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng thương mại điện tử của khoảng 20 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và nước ngoài, với khoảng trên 1.000 đại biểu tham gia các hoạt động của Diễn đàn.
Ngoài ra, 2 hội thảo được tổ chức tại diễn đàn về các chuyên đề “Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành Công Thương” và “Phát triển thương mại điện tử bền vững” có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia./.
Bình luận