Dự thảo Luật Báo chí mới nhất sẽ có quy định quản trang thông tin điện tử
Văn phòng Chính phủ ngày 19/02/2016 đã khẳng định điều này với báo chí.
Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
Để bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thông tin nêu trên, tiếp thu ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cho biết, dự thảo Luật đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp và thông tin có tính chất báo chí trên mạng xã hội.
Trước đó, mặc dù Dự thảo Luật báo chí sửa đổi đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tới lần thứ 19, nhưng tại cuộc họp cho ý kiến vào bản Dự thảo này vào ngày 19/02/2016, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn không đồng tình nhiều điểm. Trong đó có vấn đề có luật hóa trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử trong luật hay không?
Dự thảo Luật báo chí không điều chỉnh đối với trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử. Lý giải về việc này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, khác với sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện và một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí khác (bản tin, đặc san), trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý trang mạng xã hội, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng.
Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Nguyễn Bắc Son thì trong thế giới phẳng, truyền thông xã hội trên Internet ngày càng phát triển, nhưng được quản lý bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác chứ không quản lý bằng Luật Báo chí.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Son, Việt Nam không tư nhân hóa báo chí, nên Luật Báo chí điều chỉnh cả trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử (do tư nhân và doanh nghiệp thực hiện) thì vô hình trung chúng ta thừa nhận trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội là báo chí tức là thừa nhận có báo chí tư nhân.
Nhiều đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa trang tin điện tử vào đối tượng điều chỉnh của Luật Báo chí
Tuy nhiên, quan điểm trên không được đồng tình bởi nhiều đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dẫn quy định của Hiến pháp năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị cấm bằng luật. Tự do báo chí và tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân, vì thế, “không thể sử dụng nghị định để hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội”.
“Nên nghiên cứu đưa một điều khoản quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào Luật Báo chí và giao Chính phủ quy định chi tiết”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gợi ý.
Trước những tranh luận hết sức gay gắt về nội dung này và nhiều nội dung khác trong Dự thảo Luật Báo chí, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra phải tiếp tục nghiên cứu hết sức thận trọng.
“Nếu vẫn còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau thì nên lùi việc trình Quốc hội thông qua Luật báo chí sang Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung thay vì trình thông qua tại Kỳ họp thứ 11 tới đây”, bà Phóng yêu cầu.
Tuy nhiên, về đề xuất đưa các trang thông tin điện tử vào quản trong Luật Báo chí, một số luật sư lại có ý kiến ngược chiều.
Cụ thể, trao đổi với PV Infonet, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng: “Về mặt pháp lý, tôi hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Theo tôi, không nên đưa trang Thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội vào Luật Báo chí”.
Cũng cùng quan điểm với luật sư Phạm Công Út, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Theo quan điểm cá nhân tôi thì không nên đưa quy định quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội vào trong Luật Báo chí sửa đổi. Hãy để cho các văn bản pháp luật khác điều chỉnh, để người dân có phương tiện để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, đa dạng hóa các nguồn thông tin và chúng ta vẫn và đang có đủ chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm phát sinh trong các lĩnh vực này”
Thực tiễn, các trang mạng xã hội chính là diễn đàn, là công cụ để các cá nhân bày tỏ các quyền tự do của mình, bày tỏ thái độ, quan điểm, tình cảm… của mình trước những vấn đề trong đời sống xã hội, là công cụ giao tiếp. Việc phát ngôn, bày tỏ quan điểm trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 174/2013/NĐ-CP… thậm chí nếu có hành vi vi phạm tới mức nguy hiểm cho xã hội thì vẫn có thể áp dụng cả các quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý ..
Như vậy, có thể thấy các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội là công cụ cá nhân, là phương tiện của cá nhân sử dụng để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin… nếu họ lợi dụng các phương tiện này để vi phạm pháp luật, xâm hại các quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác thì họ sẽ bị xử lý theo pháp luật, có thể là xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
“Thêm nữa, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là không tư nhân hóa báo chí, không để báo chí núp bóng tư nhân, vì vậy, nếu Luật báo chí điều chỉnh cả trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử thì vô hình trung chúng ta thừa nhận trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội là báo chí tức là thừa nhận có báo chí tư nhân”- Luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Cường, nếu đưa việc quản lý mạng xã hội, trang thông tin điện tử vào Luật Báo chí sửa đổi sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này, làm mâu thuẫn giữa đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh, vi phạm các nguyên tắc của luật báo chí./.
Bình luận