Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/11/2016, cả nước có 2.240 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,028 tỷ USD, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng tính đến thời điểm đó, có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,075 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, tính chung trong 11 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thu hút được 18,103 tỷ USD vốn FDI, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu vốn đăng ký không bằng cùng kỳ năm trước, thì vốn giải ngân lại ở chiều ngược lại, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Cụ thể tính đến ngày 20/11/2016, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 14,3 tỷ USD,

Có 19 ngành, lĩnh vực thu hút được vốn FDI trong 11 tháng đầu năm 2016. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 907 dự án đầu tư đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trong lĩnh vực này là 13,41 tỷ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.

Tiếp sau đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 684,84 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc đang trở thành quốc gia đầu tư hàng đầu vào Việt Nam trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam tính từ đầu năm tới nay. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của Hàn Quốc tính đến nay là 5,29 tỷ USD, chiếm 29,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Đứng ở vị trí thứ 2 là Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,05 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,95 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.

Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 45 dự án cấp mới và 35 lượt dự án điều chỉnh vốn. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Hải Phòng là 2,74 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,93 tỷ USD, chiếm 10,7%. Tiếp theo là Đồng Nai, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,87 tỷ USD; 1,84 tỷ USD và 1,32 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài đang đóng góp khá lớn vào sự cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2016, khu vực FDI đã xuất siêu 21,245 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 19,148 tỷ USD không kể dầu thô.

Cụ thể, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 11 tháng đầu năm 2016 đạt 114,076 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 11 tháng đầu năm 2016 đạt 111,979 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 70,2% kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này đạt 92,831 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 59,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước./.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng đầu năm 2016

- Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng....

- Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD do LG Innotek Co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất mô đun camera tại Hải Phòng.

- Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 315,46 triệu USD.

- Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.