Gần 23 nghìn doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 10 tháng
Trong tháng 10 năm 2016, số doanh nghiệp được thành lập mới là 10.314 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 81.524 tỷ đồng, tăng 28,2% về số doanh nghiệp và tăng 7,1% về số vốn đăng ký so với tháng 9/2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 10 đạt 8,0 tỷ đồng, giảm 16,5% so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 91.765 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 710.618 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015 (So sánh 2015/2014: doanh nghiệp tăng 29,2%; vốn tăng 37,9%).
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2016 là 2.055.725 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 710.618 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.345.107 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2016 đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2015. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2016 là 1.061,3 nghìn lao động, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo vùng lãnh thổ, tất cả các vùng đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 12.538 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng nhiều nhất là 23,5%; tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng có 27.656 doanh nghiệp, tăng 20,1%; Đông Nam Bộ có 39.374 doanh nghiệp, tăng 17,4%; Trung du và miền núi phía Bắc có 3.472 doanh nghiệp, tăng 15,8%; Tây Nguyên có 2.192 doanh nghiệp, tăng 15,6%; và Đồng bằng sông Cửu Long có 6.533 doanh nghiệp, tăng 10,2%.
Theo lĩnh vực hoạt động, chỉ có ở 02 ngành nghề có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2015, đó là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Các ngành nghề còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước (Biểu đồ 1).
Trong 10 tháng năm 2016, một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 498.397 lao động; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 192.145 lao động; Xây dựng là 94.899 lao động; Vận tải kho bãi với 43.489 lao động...
Một tín hiệu tích cực khác trong bức tranh doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2016, đó là cả nước có 22.486 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã đặt niềm tin rất lớn vào triển vọng của nền kinh tế (So sánh 2015/2014: doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24,6%).
Cùng theo thống kê, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các ngành so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Giáo dục và đào tạo có 382 doanh nghiệp, tăng 64,7%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 232 doanh nghiệp, tăng 63,4%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 1.186 doanh nghiệp, tăng 51,7%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 3.044 doanh nghiệp, tăng 47,3%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 8.404 doanh nghiệp, tăng 40,4%; Kinh doanh bất động sản có 380 doanh nghiệp, tăng 39,7%...
Về tình hình doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước có 17.574 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 29,0% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh và có 33.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê theo quy mô vốn tại Bảng 1 cho thấy, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,6% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. So sánh với cùng kỳ của năm 2015 thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ, giảm 29,8%.
Về tình hình doanh nghiệp giải thể, phá sản, trong 10 tháng năm 2016, cả nước có 9.295 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước (So sánh 2015/2014: doanh nghiệp giải thể giảm 1,2%). Thống kê cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp giải thể có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng (Bảng 2).
Theo vùng lãnh thổ, tình hình doanh nghiệp đăng ký giải thể trong 10 tháng năm 2016 tăng tại một số vùng trong cả nước so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể: vùng Đông Nam Bộ có 4.090 doanh nghiệp, tăng 58,7%; Đồng bằng sông Hồng có 1.723 doanh nghiệp, tăng 17,9%; Tây Nguyên có 280 doanh nghiệp, tăng 12,0% và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 1.352 doanh nghiệp, tăng 8,2%. Ngược lại, Trung du và miền núi phía Bắc có 443 doanh nghiệp, giảm 13,6% và Đồng bằng sông Cửu Long có 1.407 doanh nghiệp, giảm 11,5%.
Còn theo lĩnh vực hoạt động, trong 10 tháng năm 2016, một số ngành còn lại có số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Thông tin và truyền thông có 345 doanh nghiệp, giảm 14,6%; Khai khoáng có 91 doanh nghiệp, giảm 9,0% và Sản xuất, phân phối điện, nước, ga có 62 doanh nghiệp, giảm 8,8% (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2: Số doanh nghiệp giải thể theo lĩnh vực hoạt động (Đơn vị: DN) |
Bình luận