Chỉ mang tính thời cơ

Mới đây Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Philippines 500 ngàn tấn gạo, với Cuba 50 ngàn tấn. Giá gạo vì vậy cũng bắt đầu tăng lên. Như vậy, chỉ sau khoảng14 ngày, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã ở mức 430-440 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn, đưa gạo Việt Nam vượt giá gạo Thái Lan.

Như vậy, việc tăng giá gạo xuất khẩu sẽ tạo động lực lớn trong nâng giá nội địa, tạo được bước đệm để giải quyết tồn kho hiện còn trong doanh nghiệp và tiêu thụ lúa gạo đầu vụ đông xuân 2013-2014.

Song, nếu nhìn vào thực chất vấn đề, thì động cơ khiến cho giá gạo tăng thực ra chỉ mang tính thời cơ. Do yếu tố bên ngoài tác động vào. Sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trúng thầu hợp đồng với Philippines cộng hưởng với tình hình bất lợi về chính trị của Thái Lan khiến cho gạo của Việt Nam lần đầu tiên vượt được đối thủ “nặng ký” Thái Lan.

Nhưng đây cũng lần đầu tiên Việt Nam phải đối diện với lo lắng thiếu nguồn cung gạo xuất khẩu. Lượng gạo tồn kho còn khá thấp và rất có thể đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam còn rất ít gạo gối đầu cho năm sau. Hơn nữa, mục tiêu xuất khẩu gạo mới hoàn thành 86% kế hoạch, cụ thể là kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2013 có thể dừng ở mức 6,7 triệu tấn, thay vì 7,5 triệu tấn như mục tiêu đặt ra đầu năm.

Nguyên nhân khiến nguồn cung gạo nội địa lùi bước được nhận định là do bán gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tăng đột biến. Dự báo tình hình xuất khẩu qua biên giới trong tháng 12/2013 và tháng 1/2014 sẽ nóng trong khi chờ thu hoạch vụ đông xuân.

Rõ ràng, về sâu xa gạo Việt Nam được giá vẫn chưa đến từ nguyên nhân đột phá chất lượng. Yếu tố này sẽ khiến cho mức tăng giá của gạo không bền vững.

Để vững cả lượng và giá trị

Dự kiến thị trường lúa gạo thế giới năm 2014 sẽ thấp, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có những tính toán, chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa và doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến thương mại cấp Chính phủ, tạo điều kiện ký các hợp đồng tập trung lớn để dẫn dắt giá gạo xuất khẩu.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để khẳng định giá trị hạt gạo cần phải được tính toán kỹ. Để giải bài toán này cần có sự chung tay của các nhà khoa học về giống, các doanh nghiệp về thị trường, bao tiêu sản phẩm, các ngân hàng trong cung cấp vốn tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích các thành phần kinh tế trên tham gia vào chuỗi xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.

Cơ chế, chính sách hợp lý sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng lên trong lĩnh vực lúa gạo, tăng nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn để triển khai công nghiệp hóa.
Bên cạnh đó, ngành lúa gạo không nên xem yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ là những lợi thế so sánh nữa, mà phải nâng cao yếu tố tri thức trong sản xuất và quản lý.

Nếu các biện pháp trên được triển khai đồng bộ, với diện tích sản xuất lúa Đồng bằng sông Cửu Long từ 2,7-3 triệu ha, tăng đầu tư khoa học - kỹ thuật, giống cho nông dân để phấn đấu đạt năng suất từ 6-7 tấn/ha/vụ và mỗi năm làm hai vụ, Việt Nam sẽ có 36 triệu tấn lúa với khoảng 18 triệu tấn gạo. Như vậy, mỗi năm Việt Nam vẫn xuất khẩu được khoảng 10 triệu tấn gạo, tiếp tục đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo.

Còn theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 bên, đó là: doanh nghiệp - nông dân - đối tác. Hiện mô hình liên kết mà VFA đang thực hiện có ba dạng: 1 là cánh đồng mẫu lớn, 2 là doanh nghiệp lo giống, đầu ra sản phẩm và 3 là đầu vào do doanh nghiệp khác đầu tư, còn đầu ra do doanh nghiệp gạo lo. Trong đó, VFA chú trọng dạng liên kết thứ 3 vì thực lực doanh nghiệp gạo đang suy yếu, không đủ sức đầu tư hết./.