Gia Lai phải xây dựng quy hoạch bài bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài
Sáng 18/12, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Gia Lai đã diễn ra với chủ đề: “Gia Lai - Tiềm Năng - Hợp tác - Phát triển". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về dự và chỉ đạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng vì trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng trong 5 năm (2011-2015), Gia Lai vẫn đạt được những kết quả khả quan và đã có những bước phát triển khá toàn diện. Thủ tướng đánh giá, Gia Lai có tiềm năng, lợi thế và hội tụ nhiều điều kiện, như: Đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và các mặt hàng nông sản chủ lực. Bên cạnh đó còn có tiềm năng để phát triển du lịch với di tích thắng cảnh, khí hậu ôn hòa và hệ thống giao thông kết nối với nhiều địa phương trong nước và quốc tế; có nhiều khu công nghiệp sẽ thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư....
Thủ tướng hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã có tư duy đổi mới, sáng tạo, khi tổ chức Hội nghị này để kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định những việc mà Chính phủ sẽ làm để tạo điều kiện không chỉ cho Gia Lai mà cho cả Tây Nguyên phát triển kinh tế. Tới đây, Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư vào Tây Nguyên cũng như chính sách để bình ổn giá nông sản đặc trưng ở Tây Nguyên.
Về nhiệm vụ của tỉnh Gia Lai, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh phải xây dựng quy hoạch bài bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài. Đi cùng với việc xây dựng một chiến lược du lịch tầm cỡ quốc gia, cũng như xác định được phân khúc thị trường du lịch ở đây. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng phải xây dựng ngành công nghiệp chế biến, bởi Gia Lai có hơn 100.000 ha cà phê, nhưng không có thương hiệu cà phê nào nổi tiếng.
Nhắc lại yêu cầu phải trở thành một chính quyền hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định lại yêu cầu đối với lãnh đạo Tỉnh là cần phải có khát vọng và ý chí. Thủ tướng đặc biệt lưu ý chính quyền các cấp của Gia Lai phải nỗ lực trở thành chính quyền đối thoại và có các cam kết minh bạch. Chính quyền từ cấp tỉnh đến huyện, xã phải chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và lưu ý tránh tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”.
Chính quyền phải “3 cùng” với doanh nghiệp. Đó là cùng lo với doanh nghiệp, cùng làm với doanh nghiệp, cùng chia sẻ thất bại và thành công với doanh nghiệp, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Chính quyền phải biết động viên, tôn vinh doanh nghiệp làm tốt, dám nghĩ, dám làm.
Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh, chính quyền phải có cam kết minh bạch với nhà đầu tư, phải tập trung phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn có thể làm được nếu tạo môi trường tốt cho đầu tư, phát triển.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao một tỉnh nhiều tiềm năng như Gia Lai còn nghèo?”. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư phải nghiên cứu để làm ăn lâu dài ở đây, vì thực tế đã có nhiều doanh nghiệp thành công ở đây mà tại sao các doanh nghiệp khác không làm được. Muốn thành công, các doanh nghiệp phải đổi mới cách suy nghĩ cùng nhau hợp tác. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nhiều doanh nghiệp đã hợp tác đầu tư thành công ở Gia Lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các nhà đầu tư khi triển khai các dự án không được làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân,
Là tỉnh có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ 2 trong 5 tỉnh Tây Nguyên và cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng nhất, tuy nhiên, Gia Lai vẫn nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất cả nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Gia Lai mới chỉ được 12 triệu USD, đứng thứ 61 trong 63 tỉnh, thành.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Gia Lai chú trọng mời gọi các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án quan trọng, hấp dẫn, khả năng sinh lời lớn, đi kèm với đòi hỏi tương xứng về tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Tỉnh khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào 9 ngành nghề và lĩnh vực như sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su; gạch không nung; chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột; chế biến sản phẩm hồ tiêu; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại; đầu tư xây dụng các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử; đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu-cụm công nghiệp; sản xuất tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đã tiến hành trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ đồng....
Theo đó, 10 dự án nói trên bao gồm: Dự án Nhà máy điện sinh khối An Khê do Công ty CP Đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với quy mô 95MW, tổng vốn đầu tư 1,9 ngàn tỷ đồng; Dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê, Công ty CP Đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, tổng vốn 1.653 tỷ đồng; Dự án Cụm Công nghiệp Sinh học, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh làm chủ đầu tư, tổng vốn 500 tỷ đồng; Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công ty CP ĐTPT Thái Sơn BQP làm chủ đầu tư, tổng vốn 359 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nước sạch công suất 9.500 m3/ngày đêm tại thị xã An Khê do Công ty CP nước Sài Gòn - An Khê làm chủ đầu tư, tổng vốn 160 tỷ đồng; Dự án khách sạn Hoàng Nhi Plaza, Công ty CP vật liệu xây lắp Gia Lai làm chủ đầu tư, tổng vốn 136 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm tại huyện Chư Sê, Công ty CP cấp nước Chư Sê làm chủ đầu tư, tổng vốn 125 tỷ đồng; Dự án khu thực nghiệm nuôi bò thịt, Công ty CP bò sữa Tây Nguyên làm chủ đầu tư, tổng vốn 112 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp siêu thị vật liệu nội thất và khu dân cư mới, Tập đoàn BOSSCO làm chủ đầu tư, tổng vốn 107 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai tiến hành công bố 53 dự án thuộc “Danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2018”. Tổng số vốn kêu gọi đầu tư khoảng trên dưới 25.000 tỷ đồng.../.
Bình luận