Các KCN, KKT phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai
Trưởng ban Nguyễn Như Trình (đứng thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các Ban Quản lý KCN, KKT , KCNC tại Hội nghị giao ban Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ IX

PV: Thưa ông, được biết thời gian qua các KCN, KKTCK tỉnh Gia Lai đạt được nhiều bước tiến lớn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trong lĩnh vực KCN, KKT tại địa phương, xin ông chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Quản lý triển khai hiệu quả trong thời gian gần đây?

Trưởng ban Nguyễn Như Trình: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai (Ban Quản lý) được UBND tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKTCK trên địa bàn Tỉnh. Thực hiện chức năng được giao, những năm qua chúng tôi luôn phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKTCK trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã tăng cường nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động để tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được phân cấp. Qua đó góp phần giữ vững ổn định hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKTCK trên địa bàn Tỉnh.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Ban Quản lý tiếp tục quan tâm đẩy mạnh. Về cải cách hành chính, thời gian qua Ban Quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc theo các quyết định các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh và các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ đạo - Điều hành cụ thể của UBND tỉnh Gia Lai. Nhìn chung, công tác cải cách hành chính, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “1 cửa và 1 cửa liên thông” cuả Ban Quản lý tại Trung tâm hành chính công của Tỉnh được thực hiện có hiệu quả, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã thực hiện rà soát thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động và cập nhật thông tin về việc công bố bãi bỏ Danh mục gồm 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý. Công chức, viên chức trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của Tỉnh chấp hành nghiêm thời gian làm việc, thời gian tiếp nhận và thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo chính xác, khoa học; quản lý hồ sơ, tài liệu, cập nhật sổ sách theo dõi việc tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2024, không nhận được phản ánh, kiến nghị nào của cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục hành chính đang thực hiện.

Cùng với đó, công tác hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp được Ban Quản lý quan tâm trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, hỗ trợ doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian tiếp cận thông tin, thúc đẩy dự án sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án, cũng như tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động của dự án.

Mặt khác, công tác quản lý xúc tiến và thu hút đầu tư đầu tư được quan tâm chú trọng. Ngay từ đầu năm, Ban đã xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKTCK, đồng thời tổ chức các xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư hiểu rõ hơn toàn cảnh môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN, KKT của Tỉnh. Với sự cố gắng đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trong KCN Trà Đa, trong đó có 2 dự án tăng vốn đầu tư là 107,782 tỷ đồng; cấp 1 Giấy phép xây dựng cho dự án “Nhà máy chế biến điều” tại KCN Trà Đa; thẩm định 1 Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Nhà máy cà phê Laman’t.

Công tác quản lý môi trường tại các KCN, KKT luôn được thực hiện tốt. Ban thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ môi trường trong các KCN, KKTCK nói chung và tại các doanh nghiệp KCN, KKT nói riêng. Trong 6 đầu năm 2024, Ban đã tham gia Hội đồng thẩm định cấp lại giấy phép môi trường của 3 dự án; làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo bệ môi trường, triển khai các hoạt động hưởng ứng về môi trường nhân các sự kiện có ý nghĩa (Ngày Đất ngập nước Thế giới, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất; “Tháng hành động vì môi trường”)...

Hoạt động quản lý doanh nghiệp được xác định là một trong các nhiệm vụ thường trực của Ban Quản lý, đặc biệt công tác hậu kiểm đối với các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư luôn được quan tâm chú trọng. Ban Quản lý thường xuyên rà soát tình hình triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư/doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp KCN; thường xuyên làm việc với doanh nghiệp KCN, KKTCK và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để tìm giải pháp tối ưu, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; qiua đó đã đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp và tạo được niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Công tác quản lý lao động trong các KCN, KKTCK thời gian qua được quan tâm đẩy mạnh. Ban quản lý thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phố biến chính sách pháp luật về lao động, cùng với các đơn vị trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động như: tiền lương, chế độ đãi ngộ, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, môi trường làm việc, bảo hộ lao động, thực hiện các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…Phối hợp các cơ quan liên quan hỗ trợ giải quyết các vụ việc đình công, lãn công xảy ra trong các KCN, KKTCK đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định trong các doanh nghiệp KCN.

Song song với đó, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, an ninh, trật tự, thi đua khen thưởng trong các KCN, KKTCK tiếp tục được triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra; góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKTCK ngày càng phát triển vững mạnh.

Các KCN, KKT phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai

Đội bóng đá nam của Ban Quản lý KCN tỉnh Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Hội thao Khối thi đua các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh Tây nguyên và Duyên hải miền Trung năm 2023

PV: Ông có thể thông tin rõ hơn về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các KCN, KKTCK tỉnh Gia Lai trong thời gian gần đây?

Trưởng ban Nguyễn Như Trình: Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn KCN, KKTCK tỉnh Gia Lai tiếp tục duy ttì ổn định ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể như sau:

KCN Trà Đa hiện có 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.684,3 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 2.824,3 tỷ đồng, đạt 76,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; trong đó có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký là 493,825 tỷ đồng và vốn đầu tư thực hiện là 491,825 tỷ đồng.

Hiện nay KCN Trà Đa, có 46 dự án đã đi vào hoạt động; 7 dự án cơ bản đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng (trong đó có 3 dự án đã báo cáo số liệu sản xuất kinh doanh); 5 dự án đang xây dựng; 1 dự án đang làm thủ tục sau cấp Quyết định chủ trương đầu tư và 4 dự án quá hạn điều chỉnh, thông báo quy định chấm dứt hoạt động dự án.

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp KCN Trà Đa đạt được các kết quả chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.863,9 tỷ đồng, (tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2023); tổng doanh thu thuần đạt 3.292,7 tỷ đồng (tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2023); doanh thu công nghiệp đạt 3.015,5 tỷ đồng (tăng 77% so với cùng kỳ năm 2023); nộp ngân sách nhà nước đạt 189,76 tỷ đồng (tăng 70,2% so với cùng kỳ năm 2023); kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 548,86 triệu USD (tăng 350% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 451,07 triệu USD, (tăng 378% so với cùng kỳ năm 2023); kim ngạch nhập khẩu đạt 97,79 triệu USD, (tăng 253% so với cùng kỳ năm 2023).

KCN Trà Đa hiện thu hút 1.808 người lao động với thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng.

Các KCN, KKT phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai
Công nhân đang làm việc tại Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH một thành viên Thiên Phúc Plastic trong KCN trà Đa, tỉnh Gia Lai

Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tính đến nay có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 643,9 tỷ đồng. Trong tổng số 40 dự án đầu tư tại KKTCK có 28 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 7 dự án đang xây dựng, 5 dự án chưa triển khai xây dựng. Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu.

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp tại Khu trung tâm KKTCK đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Doanh thu thuần ước đạt 272,240 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đạt 132,85 triệu USD, tăng 96,6% so với cùng kỳ năm 2023 (67,55 triệu USD); thu ngân sách nhà nước 1,923 tỷ đồng; tổng số thu thuế và thu khác thông qua hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đạt 2,67 tỷ đồng.

Khu trung tâm KKTCK quốc tế Lệ Thanh thu hút 99 lao động, thành phần lao động chủ yếu là bộ khung quản lý, còn lại các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ để duy trì hoạt động.

Các KCN, KKT phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai
Lưu thông hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai

PV: Ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai đã đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trong tâm như thế nào trong 6 tháng cuối năm 2024, thưa ông?

Trưởng ban Nguyễn Như Trình: Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và các nội dung công việc đã triển khai trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý xác định một số nội dung công việc trọng tâm cần làm trong 6 tháng cuối năm 2024, đó là: (1) Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng và môi trường. Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, chấp hành các quy định của pháp luật; (2) Tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp KCN, KKT năm 2024; triển khai các hoạt động nhân Ngày pháp luật năm 2024; (3) Đề xuất xử lý các dự án ngừng hoạt động, hoạt động không đúng mục tiêu, không thực hiện báo cáo đúng quy định; (4) Xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT năm 2025; (5) Rà soát theo Quyết định số 33/2023/QĐ-UBND ngày 19/9/2023 của UBND Tỉnh; tiến hành thu hồi đối với trường hợp thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về Đất đai nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư tiềm năng; (6) Phối hợp với UBND huyện Đức Cơ triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Khu trung tâm, KKTCK quốc tế Lệ Thanh; (7) Tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN, KKT thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; (8) Chủ trì phối hợp với UBND huyện Đức Cơ, UBND xã Ia Dom tổ chức bàn giao đất ngoài thực địa cho các cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu trung tâm, KKTCK quốc tế Lệ Thanh; (9) Ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện quản lý trật tự xây dựng Dự án Lập quy hoạch chung xây dựng KKTCK quốc tế Lệ Thanh tỉnh Gia Lai đến năm 2045; triển khai xây dựng dự án Hạ tầng KKTCK quốc tế Lệ Thanh (giai đoạn 2022-2025) và triển khai các nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu mở rộng KCN Trà Đa, TP. Pleiku (Điều chỉnh Khu dịch vụ phụ trợ KCN Trà Đa)./.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Các KCN, KKT phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai
Toàn cảnh Quốc môn, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai