TS. Thái Vân Hà

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tóm tắt

Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khuyến khích chuyển giao công nghệ, Việt Nam có thể tối ưu hóa lợi ích từ nguồn vốn FDI, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng cho tất cả các vùng miền và ngành kinh tế. Bài viết đưa ra những quan điểm về nguồn vốn FDI, khung pháp lý quản lý FDI tại Việt Nam; thực trạng sử dụng FDI, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực để tối ưu hóa lợi ích từ nguồn vốn quan trọng này.

Từ khóa: thu hút FDI, vai trò của FDI, giải pháp

Summary

The effective use of foreign direct investment (FDI) is a key factor in helping Vietnam maintain and improve economic growth, improving the quality of human resources and competitiveness in the international markets. By improving the investment environment, investing in technical infrastructure, improving the quality of human resources, and encouraging technology transfer, Vietnam can optimize benefits from FDI capital, while ensuring sustainable and equitable development for all regions and economic sectors. The article provides perspectives on FDI capital sources and the legal framework for FDI management in Vietnam; the status of using FDI, and at the same time proposes practical solutions to optimize benefits from this important capital source.

Keywords: attracting FDI, role of FDI, solutions

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những yếu tố then chốt đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Nguồn vốn FDI không chỉ mang lại nguồn lực tài chính dồi dào, mà còn đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi ích từ các dòng vốn FDI, Việt Nam cần xây dựng và thực thi các giải pháp cụ thể, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả và bền vững.

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VỀ NGUỒN VỐN FDI

Lý thuyết OLI của Dunning, J.H. (1988)[1] giải thích FDI dựa trên ba yếu tố chính: Quyền sở hữu (Ownership), Địa điểm (Location), và Nội bộ hóa (Internalization). FDI xảy ra khi các công ty thấy rằng việc đầu tư trực tiếp vào một quốc gia khác mang lại lợi thế về quyền sở hữu tài sản, lợi thế địa điểm và lợi thế từ việc nội bộ hóa các hoạt động kinh doanh

Theo Caves, R.E. (1996)[2], FDI là quá trình mà một công ty hoặc cá nhân từ một quốc gia đầu tư vào một doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất ở một quốc gia khác với mục đích thu lợi nhuận dài hạn. Điều này bao gồm việc mua lại tài sản cố định hoặc lập mới các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài .

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra định nghĩa như sau về FDI: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Trong phần lớn trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản mà người đó quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh. Trong những trường hợp đó, nhà đầu tư thường hay được gọi là "công ty mẹ" và các tài sản được gọi là "công ty con" hay "chi nhánh công ty"[3].

Doanh nghiệp FDI là viết tắt của Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài hoặc là thành viên của tổ chức hoặc là cổ đông. FDI là viết tắt của cụm từ Foreign Direct Investment[4], là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này[5].

Như vậy có thể hiểu, Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hình thức đầu tư mà nhà đầu tư từ một quốc gia đầu tư vào một doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất tại một quốc gia khác với mục đích thu lợi nhuận lâu dài và có quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể đến quản lý của doanh nghiệp đó. FDI là một trong những động lực chính thúc đẩy toàn cầu hóa và phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Căn cứ Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư bao gồm:

+ Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

+ Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

+ Thực hiện dự án đầu tư.

+ Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

+ Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Các quan điểm về khái niệm FDI phản ánh sự đa dạng trong cách nhìn nhận và đánh giá về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ các góc độ kinh tế, chính trị, xã hội đến phát triển, FDI được xem xét không chỉ như một nguồn vốn và công nghệ, mà còn như một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chủ quyền, quan hệ quốc tế, và phát triển bền vững của các quốc gia. Việc hiểu rõ và quản lý hiệu quả FDI là cần thiết để tối đa hóa các lợi ích và giảm thiểu các thách thức mà nó mang lại.

KHUNG PHÁP LÝ VỀ FDI QUA TỪNG THỜI KỲ

Giai đoạn 1: Giai đoạn sơ khởi (1986-1996)

Năm 1986, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã khởi xướng chính sách Đổi Mới[6], chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo điều kiện cho sự ra đời của các chính sách thu hút FDI.

Năm 1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài[7], đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thu hút FDI. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất đối với đầu tư nước ngoài. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài, các hình thức đầu tư và ưu đãi đầu tư.

Luật Đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi vào các năm 1990 và 1992 để mở rộng và đơn giản hóa các quy định, nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài[8].

Giai đoạn 2: Giai đoạn mở rộng (1997-2006)

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiên định trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1998)[9] được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển và hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)[10] vào năm 2006, mở ra nhiều cơ hội mới cho thu hút FDI. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách đầu tư để phù hợp với các cam kết quốc tế.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hội nhập sâu rộng (2007-2015)

Luật Đầu tư năm 2005 hợp nhất Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích Đầu tư trong nước, tạo ra một khung pháp lý thống nhất cho mọi hình thức đầu tư. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong việc quản lý và thu hút FDI.

Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư (2006)[11], cụ thể hóa các quy định về ngành nghề đầu tư, ưu đãi đầu tư và thủ tục hành chính liên quan đến FDI.

Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác kinh tế lớn, mở rộng thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn FDI vào các ngành nghề chiến lược.

Giai đoạn 4: Giai đoạn tăng cường hiệu quả (2016- đến nay)

Luật Đầu tư 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, thay thế Luật Đầu tư 2005, với nhiều cải tiến nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư.

Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư với các quy định rõ ràng hơn về ngành nghề đầu tư có điều kiện, danh mục ngành nghề cấm đầu tư, và các ưu đãi đầu tư.

Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, và hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhằm thu hút các dự án FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại, và các khu vực khó khăn.

Việt Nam ký kết và tham gia nhiều FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)[12], tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn FDI và tăng cường liên kết kinh tế toàn cầu.

Quá trình hình thành và phát triển các chính sách liên quan đến FDI tại Việt Nam phản ánh sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và ổn định. Từ những bước đi đầu tiên trong công cuộc Đổi Mới đến những cải cách pháp lý và các hiệp định thương mại quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nâng cao sức hấp dẫn của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hội nhập quốc tế.

TÌNH HÌNH THU HÚT VÀ SỬ DỤNG VỐN FDI TẠI VIỆT NAM

Những kết quả đạt được

Năm 1988, kinh tế Việt Nam mở ra một chương mới với việc cấp giấy phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ban đầu, các nhà đầu tư nước ngoài còn khá dè dặt, số lượng dự án và vốn đầu tư tăng chậm. Trong hai năm 1988 - 1990, Việt Nam đã cấp giấy phép cho 213 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn giải ngân vẫn thấp do các nhà đầu tư đang chờ đợi quá trình cải cách và các cam kết từ Chính phủ Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 30 năm thu hút vốn FDI, từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước đã thu hút 26.438 dự án FDI từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD. Vốn FDI đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP.

Năm 2017, khu vực FDI đóng góp khoảng 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách. 10 đối tác đứng đầu có số vốn đăng ký khoảng 82%, trong đó phải kể đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapor và Đài Loan (Trung Quốc)[13].

Giai đoạn 2015-2019, vốn FDI không có bước nhảy vọt như những năm 2005-2008 mà tăng ổn định, kể cả vốn đăng ký lẫn giải ngân trên thực tế. Đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 khiến các hoạt động đầu tư xuyên biên giới gián đoạn, dòng vốn từ đó cũng trồi sụt.

FDI đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ, mở ra cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI thường áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ, quản lý và sản xuất cao hơn, từ đó cải thiện thu nhập và điều kiện sống cho lao động.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI chiếm khoảng 20-25% GDP hàng năm, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, và dịch vụ là những lĩnh vực nhận được nhiều vốn FDI nhất, tạo ra sự đa dạng và phong phú cho nền kinh tế Việt Nam.Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, lượng FDI mới và tăng vốn đầu tư vào năm 2023 đạt mức rất cao, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam.

Vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện chỉ tăng 3,5%, đạt mức 23,18 tỷ USD. Đặc biệt, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này năm 2023 đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về thu hút FDI năm 2023 với tổng vốn đăng ký 5,85 tỷ USD; tiếp theo là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình. TP. Hà Nội 2 năm liền không nằm trong Top 5 về thu hút FDI [14].

FDI không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn mang lại những lợi ích rộng rãi cho phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ FDI, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ và quản lý hiệu quả để đảm bảo FDI đóng góp tích cực và bền vững cho nền kinh tế quốc gia.

Một số hạn chế và thách thức

Một là, Mặc dù FDI đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng sự phân bổ vốn đầu tư chưa đồng đều giữa các vùng miền và ngành kinh tế. Các khu vực kinh tế trọng điểm như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, và các tỉnh lân cận nhận được nhiều vốn FDI hơn so với các khu vực khác. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các vùng miền. Trong năm 2022, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm hơn 40% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước[15], trong khi các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Hai là, Việc thu hút FDI quá mạnh mẽ đôi khi dẫn đến sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nội địa có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và phát triển do thiếu nguồn lực và công nghệ. Hơn nữa, các công ty FDI thường có xu hướng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, làm giảm hiệu quả kinh tế trong nước. Tại một số khu công nghiệp ở Bình Dương, các doanh nghiệp FDI chiếm đến 70-80% số lượng doanh nghiệp[16], khiến các doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và phát triển

Ba là, Một số dự án FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp nặng, có thể gây ra các vấn đề về môi trường nếu không được quản lý chặt chẽ. Các vấn đề như ô nhiễm không khí, nước và đất đai đã được ghi nhận tại một số khu công nghiệp lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Điển hình như vụ việc nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung vào năm 2016 là một trong những ví dụ điển hình. Sự cố này đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng được nguồn vón FDI trong thời gian tới, cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, việc cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch và ổn định của chính sách là cần thiết để thu hút và sử dụng hiệu quả FDI. Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, giảm bớt các rào cản pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật như giao thông, năng lượng, và công nghệ thông tin. Việc phát triển hạ tầng hiện đại và đồng bộ sẽ giúp các dự án FDI hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.

Thứ hai, Chính phủ và các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chương trình đào tạo nghề, hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, và các khóa học nâng cao kỹ năng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại và công nghệ cao. Đồng thời cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp nội địa. Điều này bao gồm các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính, và các chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển.

Thứ ba, để đảm bảo sự phát triển bền vững, việc quản lý chặt chẽ các dự án FDI về mặt môi trường là rất quan trọng. Chính phủ cần thiết lập các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt và thực thi các biện pháp giám sát để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1988-2023), Báo cáo tình hình thu hút FDI các năm, từ năm 1988 đến năm 2023.

2. Caves, R.E. (1996), Multinational Enterprise and Economic Analysis, Cambridge: Cambridge University Press.

3. Dunning, J.H. (1988), Explaining International Production, London: Unwin Hyman.

4. Tổng cục Thống kê Việt Nam (2023), Niên giám Thống kê 2022, Nxb Thống kê


[1] Dunning, J.H. (1988). Explaining International Production. London: Unwin Hyman

[2] Caves, R.E. (1996). Multinational Enterprise and Economic Analysis. Cambridge: Cambridge University Press

[3] Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), www.wto.org

[4] Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020

[5] Bách khoa toàn thư mở (WIKIPEDIA)

[6] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI

[7] Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam số 4-HĐNN8 ban hành ngày 29/12/1987

[8] Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992

[9] Luật số 03/1998/QH10 của Quốc hội, ngày 20/05/1998 về khuyến khích đầu tư trong nước

[10] Báo cáo của Ban Công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam, Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (WTO)

[11] Nghị định số 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2006

[12] Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn

[13] Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 1988 – đến nay

[14] Báo cáo FDI 2023

[15] Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2022

[16] Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2022

Ngày nhận bài: 18/5/2024; Ngày phản biện: 06/6/2024; Ngày duyệt đăng: 17/6/2024