Cổ đông tổ chức điều tiết tác động của tránh thuế đến giá trị doanh nghiệp tại Việt Nam
Phạm Thành Luân
NCS. Trường Đại học Tài chính – Marketing, Việt Nam
Email: ncs20100708@sv.ufm.edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu xem xét sự điều tiết của cổ đông tổ chức đối với tác động của tránh thuế thu nhập doanh nghiệp đến giá trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Mẫu dữ liệu được sử dụng là 397 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2022 với 3.176 quan sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố Tránh thuế tác động cùng chiều đến Giá trị doanh nghiệp tại Việt Nam; Cổ đông tổ chức điều tiết làm suy giảm mối quan hệ tác động cùng chiều của Tránh thuế đến Giá trị doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số đề xuất đối với các nhà đầu tư và các nhà quản trị doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và kinh doanh.
Từ khóa: cổ đông tổ chức, giá trị doanh nghiệp, tránh thuế
Summary
The study examines the moderation of institutional shareholders on the impact of corporate income tax avoidance on enterprise value in Vietnam. The data sample used is 397 enterprises listed on the Vietnamese stock market from 2015 to 2022, with 3,176 observations. The research results show that Tax Avoidance positively impacts Enterprise Value in Vietnam; Institutional shareholders moderate the positive impact of Tax Avoidance on Enterprise Value. Based on the research results, the author proposes some recommendations for investors and enterprise administrators to optimize investment and business efficiency.
Keywords: institutional shareholders, enterprise value, tax avoidance
GIỚI THIỆU
Giá trị doanh nghiệp (GTDN) đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến GTDN là tránh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo lý thuyết truyền thống, tránh thuế làm tăng GTDN. Theo đó, các nhà quản lý phải thực hiện các hoạt động tối đa hóa lợi nhuận sau thuế bằng cách giảm thiểu chi phí, trong đó, có chi phí thuế TNDN và làm tăng GTDN. Ở Việt Nam, đa số kết quả nghiên cứu cho thấy, tránh thuế tác động cùng chiều đến GTDN. Tuy nhiên, theo Mangoting và cộng sự (2021), việc tránh thuế cũng đi đối với rủi ro thuế, từ đó, ảnh hưởng đến tránh thuế, vì nó liên quan đến sự không chắc chắn về thuế trong tương lai. Theo đó, tránh thuế phải được xem xét cùng với rủi ro về thuế khi nghiên cứu tác động từ tránh thuế đến GTDN. Nhiều học giả chưa xem xét yếu tố rủi ro khi nghiên cứu tác động của tránh thuế đến GTDN. Kết quả nghiên cứu của Guedrib và Marouani (2023) cho rằng, rủi ro thuế điều tiết làm suy yếu mối quan hệ giữa tránh thuế và GTDN. Theo Neuman và cộng sự (2020), yếu tố cổ đông tổ chức là thước đo rủi ro về thuế vì họ gây ra rủi ro về doanh tiếng. Do đó, việc nghiên cứu yếu tố cổ đông tổ chức điều tiết mối quan hệ tác động tránh thuế đến GTDN là rất cần thiết nhằm xác định rõ các yếu tố điều tiết mối quan hệ này, cũng như làm rõ các tác động giữa tránh thuế và GTDN tại Việt Nam.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết và khung phân tích
Theo lý thuyết đại diện, mâu thuẫn giữa lợi ích của chủ sở hữu và người đại diện phát sinh nhiều chi phí đại diện (Jensen và Meckling, 1976). Nhà quản lý theo đuổi mục tiêu của cá nhân và không xem mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp là quan trọng. Do đó, khi doanh nghiệp thực hiện tránh thuế thành công, lợi ích sẽ thuộc về cá nhân người quản lý và giảm GTDN.
Các nghiên cứu về tác động tránh thuế đến GTDN ở các nước khác nhau có kết quả khác nhau. Kết quả tránh thuế tác động cùng chiều đến GTDN, hoặc tránh thuế tác động ngược chiều đến GTDN hoặc không tác động phụ thuộc vào bối cảnh nghiên cứu. Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu xem xét vai trò điều tiết của yếu tố quản trị đến mối quan hệ giữa tránh thuế và GTDN. Theo đó, các yếu tố quản trị gồm: rủi ro thuế, đặc trưng hội đồng quản trị (HĐQT), cơ cấu sở hữu, cơ chế quản trị, tính minh bạch, vốn tổ chức. Qua đó, các nghiên cứu cho thấy rõ hơn đặc trưng quản trị cụ thể của từng quốc gia trong việc nghiên cứu tác động của tránh thuế đến GTDN.
Đa số nghiên cứu liên quan chủ đề này tại Việt Nam cho thấy, tránh thuế làm tăng GTDN, như các nghiên cứu của Vu và Le (2021), Le và cộng sự (2022), Oanh và Gan (2022). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu về tác động của tránh thuế đến GTDN có xem xét các yếu tố điều tiết bằng cách sử dụng 2 yếu tố đặc trưng là HĐQT và sở hữu nhà nước để điều tiết mối quan hệ này. Các nghiên cứu này đã đóng góp nhất định vào nghiên cứu tác động của tránh thuế đến GTDN tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại chưa xem xét yếu tố rủi ro về thuế khi nghiên cứu tác động tránh thuế đến GTDN tại Việt Nam. Neuman và cộng sự (2020) cho rằng, cổ đông tổ chức là một yếu tố làm thước đo rủi ro về thuế. Do đó, nghiên cứu này kế thừa yếu tố cổ đông tổ chức làm thước đo rủi ro về thuế của Neuman và cộng sự (2020) nhằm kiểm định sự điều tiết yếu tố rủi ro này đến mối quan hệ giữa tác động tránh thuế đến GTDN trong bối cảnh của Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu dạng bảng hàng năm từ báo cáo tài chính được kiểm toán từ các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (HOSE và HNX) từ năm 2015 đến năm 2022. Mẫu nghiên cứu 397 gồm doanh nghiệp niêm yết và 3.176 quan sát, trong đó, loại trừ các công ty không có dữ liệu đầy đủ và liên tục từ năm 2015 đến 2022 và không bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản. Phương pháp S-GMM (System-Generalized Method of Moments) được sử dụng để ước lượng và đánh giá các tác động của Tránh thuế đến GTDN thông qua vai trò điều tiết của cổ đông tổ chức để làm rõ kết quả nghiên cứu.
Mô hình nghiên cứu
Nghiên cứu này kiểm tra sự điều tiết của cổ đông tổ chức đối với mối quan hệ tác động giữa Tránh thuế đến GTDN. Dựa trên mô hình của các nghiên cứu trước của Guedrib và Marouani (2023), tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:
Các biến được tổng hợp cụ thể trong Bảng 1. Trong đó, biến phụ thuộc GTDN (FV) được đo lường bằng TobinsQ. Biến độc lập Tránh thuế (TA) được đo lường bằng thuế suất hiệu quả (ETR) hiện hành, được nhân với (-1) để dễ biện luận kết quả. Theo đó, TA càng lớn thì tránh thuế càng hiệu quả.
Tương tự Guedrib và Marouani (2023), giả thuyết được đưa ra là: tỷ lệ sở hữu tổ chức làm suy giảm mối quan hệ tác động tích cực giữa Tránh thuế đến GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (HOSE và HNX).
Bảng 1: Tổng hợp các biến trong mô hình
Tên biến | Ký hiệu | Đo lường | Tác giả | Kỳ vọng |
Biến phụ thuộc FV | ||||
Giá trị doanh nghiệp | Tobin’s Q | (Giá thị trường vốn cổ phẩn + tổng nợ)/Tổng tài sản | Safiq và cộng sự (2021) |
|
Biến độc lập | ||||
Tránh thuế | TA | ETR hiện hành = Chi phí thuế hiện hành Thu nhập kế toán trước thuế | Hanlon và Heitzman (2010) | + |
Biến điều tiết | ||||
Cổ đông tổ chức | TAXRISK | Tỷ lệ % sở hữu tổ chức/tổng số cổ phiếu đang lưu hành. | Tác giả kế thừa và xây dựng từ Neuman và cộng sự (2020) | - |
Biến kiểm soát | ||||
Quy mô doanh nghiệp | SIZE | Ln (tổng tài sản) | Chen và cộng sự (2014) |
|
Đầu tư | INV | ((Tài sản cố định năm t) – (Tài sản cố định năm t-1))/Tổng tài sản năm t | Assidi và cộng sự (2016) |
|
Thời gian hoạt động | YEAR | Số năm hoạt động | Assidi và cộng sự (2016) |
|
Tỷ suất sinh lợi | ROA | Thu nhập sau thuế/tổng tài sản bình quân | Chen và cộng sự (2014) |
|
Cấu trúc nợ | DEBT | Tổng nợ chia vốn sở hữu | Chen và cộng sự (2014) |
|
Tốc độ tăng trưởng doanh thu | GROWTH | ((Doanh số năm t) – (doanh số năm t-1))/Doanh số năm t-1 | Chen và cộng sự (2014) |
|
Tăng trưởng kinh tế | GDP | Tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm | Aggarwal và Padhan (2017) |
|
Lạm phát | INF | Tỷ lệ lạm phát hàng năm | Aggarwal và Padhan (2017) |
|
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả nghiên cứu
Bảng 2 thể hiện kết quả thống kê mô tả các biến, cho thấy biến TobinsQ có giá trị trung bình là 1,2071 đều > 1, thể hiện định giá giá trị thị trường của doanh nghiệp cao hơn giá trị sổ sách. Mô tả thống kê các biến còn lại cho thấy sự phù hợp giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất, lớn nhất.
Bảng 2: Thống kê mô tả các biến trong mô hình
Các biến | Quan sát | Trung bình | Độ lệch chuẩn | Nhỏ nhất | Lớn nhất | Đơn vị đo lường |
TobinsQ | 3.176 | 1,2071 | 0,6883 | 0,2694 | 9,0439 | % |
TA | 3.176 | -0,19868 | 0,1029 | -0,9863 | 0 | % |
TA*TAXRISK | 3.176 | -8,5106 | 7,5026 | -71,5088 | 0 | Điều tiết |
SIZE | 3.176 | 27,4907 | 1,6229 | 23,4406 | 33,1829 | Ln |
INV | 3.176 | 0,0354 | 0,6103 | -23,7093 | 1 | % |
YEAR | 3.176 | 29,3639 | 15,6694 | 4 | 133 | Năm |
ROA | 3.176 | 0,0730 | 0,0720 | -0,4709 | 0,7836 | % |
DEBT | 3.176 | 1,4291 | 2,1141 | 0,0026 | 33,0270 | % |
GROWTH | 3.176 | 0,2304 | 2,6894 | -0,9932 | 127,4579 | % |
GDP | 3.176 | 0,0612 | 0,0201 | 0,0255 | 0,0812 | % |
INF | 3.176 | 0,0267 | 0,0092 | 0,0063 | 0,0354 | % |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng 3 thể hiện kết quả mối tương quan giữa các biến trong mô hình, cho thấy hệ số tương quan giữa các biến < 0,8. Kết quả này chỉ ra mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến. Hơn nữa, hệ số VIF của mô hình < 10 và đạt giá trị khá thấp. Điều này càng cho thấy, mô hình không có vấn đề đa cộng tuyến.
Bảng 3: Ma trận tương quan giữa các biến độc lập
Các biến | TA | TA*TAXRISK | SIZE | INV | YEAR | ROA | DEBT | GROWTH | GDP | INF |
(1) TA | 1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(2) TA*TAXRISK | 0,5465 | 1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
(3) SIZE | -0,0362 | -0,0244 | 1 |
|
|
|
|
|
|
|
(4) INV | -0,0004 | -0,0151 | 0,0495 | 1 |
|
|
|
|
|
|
(5) YEAR | -0,0656 | -0,1612 | 0,0688 | 0,0195 | 1 |
|
|
|
|
|
(6) ROA | 0,1559 | 0,0015 | -0,0354 | -0,0196 | 0,0327 | 1 |
|
|
|
|
(7) DEBT | -0,1697 | -0,0589 | 0,2104 | 0,0241 | 0,0564 | -0,2894 | 1 |
|
|
|
(8) GROWTH | 0,0086 | 0,0295 | 0,0299 | 0,0023 | -0,0326 | 0,0383 | 0,1289 | 1 |
|
|
(9) GDP | -0,0538 | -0,0355 | -0,0315 | 0,0531 | -0,0498 | 0,0440 | 0,0093 | 0,0259 | 1 |
|
(10) INF | -0,0036 | 0,0081 | 0,0487 | -0,0094 | 0,0511 | -0,0355 | 0,0068 | -0,0084 | 0,1571 | 1 |
VIF | 1,50 | 1,48 | 1,06 | 1,01 | 1,04 | 1,13 | 1,19 | 1,03 | 1,04 | 1,04 |
VIF Trung bình | 1,15 |
Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm Stata 16
Kết quả kiểm định Durbin Wu - Hausman cho thấy, mô hình có vấn đề nội sinh. Do đó, tác giả sử dụng phương pháp ước lượng S-GMM để khắc phục hiện tượng nội sinh, hiện tượng tự tương quan và phương sai sai số thay đổi (Blundell và Bond, 1998) cho mô hình này như nghiên cứu trước (Khương và cộng sự, 2020). Kết quả hồi quy S-GMM thể hiện ở Bảng 4.
Bảng 4: Kết quả hồi quy S-GMM
Các biến | Kỳ vọng | TobinsQ | |
Hệ số | P > |t| | ||
TobinsQ L1 |
| 0,3309*** | 0,001 |
TA | + | 1,6074** | 0,039 |
TA*TAXRISK | - | -0,0299** | 0,018 |
SIZE |
| 0,0151 | 0,338 |
INV |
| 0,2754 | 0,294 |
YEAR |
| -0,0174** | 0,021 |
ROA |
| 2,9423** | 0,030 |
DEBT |
| 0,0405** | 0,041 |
GROWTH |
| 0,0789 | 0,413 |
GDP |
| -2,7239*** | 0,000 |
INF |
| -11,4467*** | 0,000 |
Hệ số |
| 1,1643** | 0,013 |
Số quan sát | 3,176 | ||
Số nhóm (Group) | 397 | ||
Biến công cụ (Instrument) | 43 | ||
AR(1) (P-value) | 0,042 | ||
AR(2) (P-value) | 0,544 | ||
Sargan test (P-value) | 0,423 | ||
Hansen test (P-value) | 0,248 | ||
Prob > chi2 | 0,000 |
Ghi chú: ***, **, * có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, 5%, 10%
Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm Stata 16
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Bảng 4 trình bày kết quả hồi quy S-GMM về cổ đông tổ chức điều tiết tác động Tránh thuế đến GTDN của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đối với biến Tránh thuế (TA), kết quả cho thấy, biến Tránh thuế tác động cùng chiều với biến GTDN TobinsQ với hệ số là 1,6074 (mức ý nghĩa 5%), phù hợp với kỳ vọng của giả thuyết ban đầu (+). Kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp tránh thuế càng nhiều, thì càng làm tăng GTDN. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Guedrib và Marouani (2023) và lý thuyết truyền thống là doanh nghiệp tránh thuế nhằm giảm thiểu chi phí thuế phải nộp và tăng dòng tiền sau thuế, cuối cùng là làm tăng GTDN.
Đối với biến Tương tác (TA*TAXRISK), kết quả cho thấy, biến TA*TAXRISK tác động ngược chiều với biến GTDN TobinsQ với hệ số lần lượt là -0,0299 (mức ý nghĩa 5%), phù hợp với kỳ vọng của giả thuyết ban đầu (-). Kết quả này cho thấy, biến tương tác càng lớn, thì càng giảm GTDN. Như vậy có nghĩa là các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu tổ chức càng lớn, thì doanh nghiệp càng rủi ro về thuế, điều này sẽ điều tiết làm giảm GTDN khi tránh thuế. Jiang và cộng sự (2021) cho rằng, cổ đông tổ chức tác động cùng chiều đến tránh thuế. Do đó, họ sẽ có xu hướng tác động vào chiến lược tránh thuế hơn. Hơn nữa, các cổ đông tổ chức này gây ra rủi ro đáng kể cho các công ty, vì họ có ảnh hưởng lớn và độ tin cậy đối với thị trường và gây ra nhiều rủi ro về danh tiếng hơn. Kết quả này phù hợp với lý thuyết các bên liên quan là: các bên liên quan (cụ thể là cổ đông tổ chức) có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp cả trực tiếp và gián tiếp (Tarmidi, 2019), từ đó, sẽ ảnh hưởng đến GTDN. Theo đó, (1) các cổ đông tổ chức tác động đến công ty để tránh thuế và tạo ra rủi ro cao về thuế dẫn đến GTDN giảm; (2) cổ đông tổ chức này gây ra rủi ro đáng kể cho các công ty, vì họ có ảnh hưởng lớn đối với thị trường và gây ra nhiều rủi ro về danh tiếng đến công ty và làm cho GTDN giảm. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của (Guedrib và Marouani, 2023).
Đối với các biến: Kiểm soát thời gian hoạt động của doanh nghiệp (YEAR); Tỷ suất sinh lợi (ROA); Tốc độ tăng trưởng doanh thu (GROWTH); Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm (GDP); Lạm phát hàng năm (INF), kết quả cho thấy đều tác động đến GTDN và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, 5%, 10%. Các biến kiểm soát còn lại, như: Đầu tư (INT); Quy mô doanh nghiệp (SIZE), cấu trúc nợ (DEBT) tác động cùng chiều đến GTDN, nhưng không có ý nghĩa thống kê.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Dựa trên mẫu nghiên cứu 397 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX từ năm 2015 đến năm 2022, sử dụng phương pháp ước lượng S-GMM để ước lượng cổ đông tổ chức điều tiết tác động tránh thuế đến GTDN, kết quả nghiên cứu cho thấy, Tránh thuế tác động cùng chiều đến GTDN tại Việt Nam và cổ đông tổ chức điều tiết làm suy giảm mối quan hệ tác động cùng chiều của Tránh thuế đến GTDN.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số đề xuất khuyến nghị như sau:
Đối với các nhà đầu tư: Các nhà đầu tư nên lựa chọn danh mục đầu tư cổ phiếu của các công ty có biện pháp tránh thuế tạo ra GTDN tăng thêm. Các doanh nghiệp có ETR hiện hành thấp hơn đồng nghĩa tránh thuế tốt hơn, thì GTDN sẽ tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp các công ty niêm yết có ETR hiện hành thấp hơn, nhà đầu tư nên thận trọng lựa chọn danh mục đầu tư cổ phiếu của các công ty này nếu có tỷ lệ sở hữu tổ chức (cổ đông tổ chức) lớn. Khi các công ty có tỷ lệ sở hữu tổ chức lớn sẽ phát sinh rủi ro cho công ty và giảm GTDN.
Đối với các nhà quản trị công ty: Các công ty nên sử dụng các biện pháp tránh thuế như ETR hiện hành để giảm thiểu chi phí thuế, tăng dòng tiền sau thuế, tăng GTDN. Tuy nhiên, công ty nên chọn lọc cẩn thận các nhà đầu tư là tổ chức khi chuyển nhượng vốn cổ phần cho các nhà đầu tư này. Vì nhà đầu tư là tổ chức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công ty và làm giảm GTDN.
Tránh thuế sẽ tạo ra rủi ro về thuế cho doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp có cổ đông tổ chức lớn là một trong những yếu tố tạo ra rủi ro về thuế đó. Do vậy, các nghiên cứu tương lai cần xem xét thêm các yếu tố khác gây ra rủi ro về thuế, góp phần bổ sung thêm các yếu tố điều tiết tác động tránh thuế đến GTDN trên thị trường chứng khoán Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aggarwal, D., and Padhan, P. C. (2017), Impact of capital structure on firm value: Evidence from Indian hospitality industry, Theoretical Economics Letters, 7(4), 982-1000.
2. Assidi, S., Aliani, K., and Omri, M. A. (2016), Tax optimization and the firm's value: Evidence from the Tunisian context, Borsa Istanbul Review, 16(3), 177-184.
3. Blundell, R., and Bond, S. (1998), Initial conditions and moment restrictions in dynamic panel data models, Journal of econometrics, 87(1), 115-143.
4. Chen, X., Hu, N., Wang, X., and Tang, X. (2014), Tax avoidance and firm value: evidence from China, Nankai Business Review International, 5(1), 25-42.
5. Guedrib, M., and Marouani, G. (2023), The interactive impact of tax avoidance and tax risk on the firm value: new evidence in the Tunisian context, Asian Review of Accounting, 31(2), 203-226.
6. Hanlon, M., and Heitzman, S. (2010), A review of tax research, Journal of accounting and Economics, 50(2-3), 127-178.
7. Jensen, M. C., and Meckling, W. H. (1976), Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure, Journal of Financial Economics, 3, 305–360.
8. Khuong, N. V., Liem, N. T., Thu, P. A., and Khanh, T. H. T. (2020), Does corporate tax avoidance explain firm performance? Evidence from an emerging economy, Cogent Business & Management, 7(1), 1780101.
9. Le, V. H., Vu, T. A. T., and Nguyen, M. H. (2022), Tax Planning and Firm Value: The Case of Companies with Different State Ownership in Vietnam, Journal of Eastern European and Central Asian Research (JEECAR), 9(2), 333-343.
10. Mangoting, Y., Yuliana, O. Y., Effendy, J., Hariono, L., and Lians, V. M. (2021), The effect of tax risk on tax avoidance, Doctoral dissertation, Petra Christian University.
11. Neuman, S. S., Omer, T. C., and Schmidt, A. P. (2020), Assessing tax risk: Practitioner perspectives, Contemporary Accounting Research, 37(3), 1788-1827.
12. Oanh, H. K., and Gan, C. (2022), Corporate Tax Avoidance: Evidence from Vietnamese Firms, Review of Pacific Basin Financial Markets and Policies, 25(01), 2250002.
13. Safiq, M., Phan, S., and Kusumastati, W. W. (2021), the Relationship Between Tax Avoidance and Firm Value, Moderated By Executive Compensation, Jurnal Inovasi Penelitian, 2(7), 2193-2202.
14. Tarmidi, D. (2019), Tax compliance and uncompliance entity: a comparative study of investor reaction, International Journal of Academic Research in Accounting, Finance and Management Sciences, 9(1), 105-110.
15. Vu, T. A. T., and Le, V. H. (2021), The effect of tax planning on firm value: A case study in Vietnam, The Journal of Asian Finance, Economics and Business (JAFEB), 8(2), 973-979.
Ngày nhận bài: 7/9/2024; Ngày phản biện: 19/9/2024; Ngày duyệt đăng: 14/10/2024 |
Bình luận