Lê Ngọc Đoan Trang

Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Cửu Long

Đặng Ngọc Đại

Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Mục tiêu của bài viết là nghiên cứu vai trò của nguồn vốn tài chính và vốn xã hội gồm (vốn nhận thức, vốn quan hệ và vốn cấu trúc) tác động đến hành vi tham gia vào các hoạt động khởi tạo doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nguồn vốn này có tác động cùng chiều đến Ý định khởi tạo doanh nghiệp và Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp. Từ kết quả đạt được, nhóm tác giả đưa ra các hàm ý quản trị cho các nhà khởi tạo doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn về tài chính, cũng như phát huy hiệu quả các nguồn vốn xã hội để thúc đẩy hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp tốt hơn.

Từ khóa: nguồn vốn tài chính, vốn nhận thức, vốn quan hệ, vốn cấu trúc, ý định khởi tạo doanh nghiệp, hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp

Summary

This paper aims to study the role of financial capital and social capital (cognitive capital, relational capital, and structural capital) in influencing the behavior of participating in business creation activities in the Mekong Delta and the Southeast. The research results show that financial capital, cognitive capital, relational capital, and structural capital positively impact the intention to create a business and the behavior of participating in business creation activities. Based on the research result, the authors propose managerial implications for business creators to easily access financial capital, as well as effectively promote social capital to promote better behavior of participating in business creation activities.

Keywords: financial capital, cognitive capital, relational capital, structural capital, intention to create a business, behavior of participating in business creation activities

GIỚI THIỆU

Trên thế giới, nhiều quốc gia rất chú trọng tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển và họ xem đó là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta xem việc khởi sự doanh nghiệp như một nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Do vậy, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cũng là một chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện. Khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ là nơi có phong trào khởi nghiệp đang được thực hiện khá sôi nổi, trong đó, riêng TP. Hồ Chí Minh là nơi có nhiều doanh nghiệp được thành lập nhất trên cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu về vấn đề khởi nghiệp tại Việt Nam nói chung, cũng như tại các khu vực này mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy ý định khởi nghiệp của một cá nhân, trong khi đó, rất ít học giả nghiên cứu về hành vi khởi tạo doanh nghiệp. Do đó, việc nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố tác động đến hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp tại ĐBSCL và khu vực Đông Nam Bộ với hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, để có các giải pháp thúc đẩy hiện thực hóa ý định khởi nghiệp thành hành vi hiện thực, từ đó, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp kinh doanh tại địa bàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của khu vực và cả nước.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Định nghĩa về hành vi tham gia vào các hoạt động khởi tạo doanh nghiệp

Reynolds (1997) chỉ ra rằng, các hoạt động trong giai đoạn hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp bao gồm: tìm kiếm cơ sở vật chất và thiết bị, viết kế hoạch kinh doanh hoặc đầu tư tiền. Sequeira và McGee (2007) định nghĩa hành vi tham gia vào các hoạt động khởi tạo doanh nghiệp là sự tham gia vào các hoạt động cụ thể dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp. Theo đó, hành vi tham gia vào các hoạt động khởi tạo doanh nghiệp là hành động theo sau ý định và ở giai đoạn trước khi tạo ra một doanh nghiệp mới. Như vậy, hành vi tham gia vào các hoạt động khởi tạo doanh nghiệp là giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng thành hành động cụ thể để dần dần tạo ra một doanh nghiệp mới.

Thuyết hành vi dự định TPB

Ajzen (1991) đã đưa ra Thuyết hành vi dự định TPB (Theory of Planned Behavior) là sự kế thừa và phát triển từ của Thuyết hành động hợp lý (Ajzen và Fishbein, 1977). Mô hình TPB - The theory of planned behavior đã được các nhà nghiên cứu làm nền tảng cơ sở để nghiên cứu các loại hành vi dự định. Thuyết hành vi dự định cho rằng ý định là một biến trung gian bị ảnh hưởng bởi thái độ, chuẩn mực chủ quan và kiểm soát hành vi được nhận thức và từ đó, ý định sẽ góp phần hình thành hành vi (Ajzen, 1991).

Lý thuyết nhận thức xã hội - Social cognitive theory

Lý thuyết nhận thức xã hội được Bandura (1986) phát triển dựa trên lý thuyết học tập xã hội của Bandura và Walters (1977). Lý thuyết xác định rằng, hành vi của con người là sản phẩm của sự tương tác giữa các yếu tố: cá nhân, nhận thức, hành vi và môi trường. Trong đó, hoạt động nhận thức của con người có thể ảnh hưởng đến môi trường, môi trường có thể thay đổi nhận thức của một người và hành vi của một người được xác định bởi môi trường mà người đó tiếp xúc và hành vi đó bị thay đổi bởi môi trường. Môi trường bao gồm các yếu tố về xã hội và vật lý. Môi trường xã hội bao gồm: gia đình, bạn bè và đồng nghiệp..., môi trường vật lý thuộc về những vật chất xung quanh cá nhân đó, như: kích thước của căn phòng, nhiệt độ xung quanh hoặc khả năng tiếp cận… Lý thuyết nhận thức xã hội mô tả ý kiến, thái độ và kiến thức của một cá nhân là các quá trình xảy ra giữa các kích thích có thể cảm nhận được bên ngoài và các phản ứng xảy ra trong các tình huống thực tế (Bandura,1986).

Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở tổng hợp, kế thừa các lý thuyết và nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Vai trò của nguồn vốn tài chính và vốn xã hội tác động đến hành vi tham gia vào các hoạt động khởi tạo doanh nghiệp: Trường hợp nghiên cứu tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Các giả thuyết tương ứng được đưa ra cụ thể như sau:

Dựa trên thuyết hành vi dự định TPB của Ajzen (1991) và những nghiên cứu trước đây, giả thuyết H1 được đề xuất như sau:

H1: Ý định khởi tạo doanh nghiệp có tác động dương đến Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp.

Một số những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, việc tiếp cận tài chính là yếu tố cần thiết để thành lập doanh nghiệp (Kortum và Lerner, 1998; Kristiansen, S., và Indarti, N., 2004). Lý thuyết nhận thức xã hội của Bandura (1986) cũng cho rằng, các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài sẽ góp phần thay đổi hành vi. Do vậy, trong quá trình triển khai các hoạt động khởi sự kinh doanh, nếu doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề phát sinh về vốn có thể sẽ dẫn đến việc thay đổi hành vi của họ. Vì vậy, nhân tố nguồn vốn được xem là rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đối với hành vi khởi sự kinh doanh. Do đó, các giả thuyết H2 và H3 sau đây được đề xuất:

H2: Nguồn vốn tài chính tác động cùng chiều đến Ý định khởi tạo doanh nghiệp.

H3: Nguồn vốn tài chính tác động cùng chiều đến Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp.

Vốn xã hội được các nhà nghiên cứu mô tả là một tài sản gắn liền với các mối quan hệ của các cá nhân, cộng đồng, mạng lưới xã hội (Nahapiet và Ghoshal, 1998; Burt, 1997; Walker và cộng sự, 1997). Do vậy, vốn xã hội được xem là một yếu tố nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động thành lập doanh nghiệp và đã được chứng minh là yếu tố quan trọng cần có của một chủ doanh nghiệp (Nguyễn Thành Long và Lê Nguyễn Hậu, 2013). Vốn xã hội có nhiều thuộc tính khác nhau và được phân loại thành 3 hình thức: vốn cấu trúc, vốn quan hệ và vốn nhận thức (Tsai và Ghoshal, 1998; Anderson và Jack, 2002; Lan và Luc, 2020). Do đó, nghiên cứu đề xuất các giả thuyết như sau:

H4: Vốn cấu trúc tác động cùng chiều đến Ý định khởi tạo doanh nghiệp.

H5: Vốn cấu trúc tác động cùng chiều đến Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp.

H6: Vốn quan hệ tác động cùng chiều đến Ý định khởi tạo doanh nghiệp.

H7: Vốn quan hệ tác động cùng chiều đến Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp.

H8: Vốn nhận thức tác động cùng chiều đến Ý định khởi tạo doanh nghiệp.

H9: Vốn nhận thức tác động cùng chiều đến Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kết hợp phương pháp định tính và định lượng. Trước khi thực hiện nghiên cứu chính thức, nhóm tác giả tiến hành khảo sát 9 chuyên gia và khảo sát sơ bộ với mẫu là 100 để điều chỉnh thang đo. Tiếp theo, nghiên cứu tiến hành phỏng vấn định lượng chính thức. Việc thu thập mẫu và số liệu nghiên cứu được triến hành qua 2 giai đoạn: giai đoạn ý định (n = 1.732) và giai đoạn hành vi tham gia vào các hoạt động khởi tạo doanh nghiệp (n = 597). Cụ thể, giai đoạn 1, nhóm tác giả tiến hành phỏng vấn 1.732 mẫu người có ý định khởi tạo doanh nghiệp, đối tượng phỏng vấn chủ yếu là các sinh viên năm cuối tại các trường đại học ở khu vực Đông Nam Bộ, trong đó phần lớn là tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực ĐBSCL, thời gian thực hiện từ tháng 9/2018-12/2019. Giai đoạn 2, nghiên cứu tiến hành phỏng vấn lại 1.732 mẫu này để chọn lại những người đang tiếp tục hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2019 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, việc thu thập mẫu ở giai đoạn 2 bị chậm lại, bắt đầu từ tháng 1/2021 kéo dài đến tháng 3/2022. Ở giai đoạn 2, số mẫu đạt yêu cầu còn lại là 597. Sau khi hoàn tất khảo sát, nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 20 để phân tích Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA). Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng phần mềm AMOS 20 để phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm tra độ tin cậy của thang đo

Bảng 1: Phân tích hệ số Cronbach’s Alpha

Nhân tố

Biến số

Hệ số tương quan biến tổng

Hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến

Hệ số Cronbach’s Alpha

Nguồn vốn

tài chính

GS1

0,718

0,742

0,832

GS2

0,686

0,773

GS3

0,671

0,788

Vốn quan hệ

RC1

0,692

0,828

0,855

RC2

0,699

0,831

RC3

0,704

0,828

RC4

0,695

0,820

Vốn nhận thức

CC1

0,713

0,842

0,865

CC2

0,718

0,847

CC3

0,708

0,847

CC4

0,716

0,852

Vốn cấu trúc

SC1

0,672

0,714

0,806

SC2

0,639

0,748

SC3

0,647

0,740

Ý định khởi tạo doanh nghiệp

INT1

0,648

0,815

0,846

INT2

0,657

0,813

INT3

0,687

0,805

INT4

0,669

0,809

INT5

0,603

0,827

Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp

BEH1

0,678

0,872

0,888

BEH2

0,694

0,869

BEH3

0,747

0,861

BEH4

0,738

0,862

BEH5

0,720

0,865

BEH6

0,638

0,878

Nguồn: Phân tích từ kết quả khảo sát

Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha cho thấy, các thang đo đều có hệ số tương quan biến tổng > 0,3; các hệ số Cronbach’s Alpha tổng đều > 0,6 và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến đều nhỏ hơn hệ số Cronbach’s Alpha tổng, nên các thang đo đều đạt yêu cầu để phân tích ở các bước tiếp theo.

Phân tích EFA

Hệ số KMO

0,843

Kiểm định Bartlett

Chi2 xấp xỉ

7097,325

Df

276

Sig.

0,000

Nguồn: Phân tích từ kết quả khảo sát

Kết quả phân tích EFA có hệ số KMO = 0,843 và Sig. = 0,000, nên mô hình được xem là phù hợp, các biến trong mô hình có liên quan chặt chẽ. Ngoài ra, tổng phương sai trích đạt 69,247%, do vậy, các biến thành phần tiếp tục được giữ lại để thực hiện các bước phân tích tiếp theo.

Phân tích CFA

Bảng 3: Kết quả đánh giá sự phù hợp của mô hình

Chỉ báo

Giá trị

Ngưỡng chấp nhận

Nguồn

Chi2/df

4,223 < 5

Chấp nhận được

Hu và Bentler (1999)

CFI

0,890 > 0,8

Chấp nhận được

GFI

0,872 > 0,8

Chấp nhận được

RMSEA

0,054 < 0,06

Chấp nhận được

PCLOSE

0,001

Chấp nhận được

Nguồn: Phân tích từ kết quả khảo sát

Kết quả phân tích CFA cho thấy, các chỉ số trong mô hình đều ở ngưỡng chấp nhận được trở lên. Như vậy, mô hình này đạt yêu cầu.

Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM

Bảng 4: Trọng số hồi quy

Tương quan

Ước lượng

S.E.

C.R.

P

Chấp nhận/Bác bỏ

INT

<---

CC

0,143

0,036

3,995

0,000

Chấp nhận

INT

<---

RC

0,130

0,033

4,008

0,000

Chấp nhận

INT

<---

GS

0,187

0,032

5,775

0,000

Chấp nhận

INT

<---

SC

0,215

0,037

5,827

0,000

Chấp nhận

BEH

<---

CC

0,058

0,024

2,379

0,017

Chấp nhận

BEH

<---

RC

0,088

0,022

3,922

0,000

Chấp nhận

BEH

<---

GS

0,100

0,023

4,366

0,000

Chấp nhận

BEH

<---

SC

0,080

0,026

3,120

0,002

Chấp nhận

BEH

<---

INT

0,543

0,050

10,934

0,000

Chấp nhận

Nguồn: Phân tích từ kết quả khảo sát

Kiểm định giả thuyết tại Bảng hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa cho thấy, các giả thuyết đều được chấp nhận với mức ý nghĩa trên 95% do P-value đều < 0,05.

Bảng 5: Trọng số hồi quy chuẩn hóa

Tương quan

Ước lượng

INT

<---

CC

0,187

INT

<---

RC

0,185

INT

<---

GS

0,277

INT

<---

SC

0,287

BEH

<---

CC

0,086

BEH

<---

RC

0,143

BEH

<---

GS

0,169

BEH

<---

SC

0,122

BEH

<---

INT

0,619

Nguồn: Phân tích từ kết quả khảo sát

Bảng 5 cho thấy, biến tác động đến Ý định khởi nghiệp từ cao đến thấp là: Vốn cấu trúc; Nguồn vốn tài chính; Vốn nhận thức; Vốn quan hệ. Trong khi đó, đối với giai đoạn hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp, thì yếu tố Ý định có hệ số tác động lớn nhất, điều này hoàn toàn phù hợp vì một người muốn đi đến hành vi, thì trước tiên phải có ý định. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố Ý định, thì yếu tố được xem là tác động mạnh đến Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp là Nguồn vốn, thứ tự tiếp theo là các yếu tố: Vốn quan hệ; Vốn cấu trúc và cuối cùng là Vốn nhận thức. Như vậy, nghiên cứu cho thấy, các yếu tố tác động là khác nhau đối với từng giai đoạn ý định và hành vi.

Bảng 6: Giá trị R2

Nhân tố

Ước lượng

INT

0,236

BEH

0,614

Nguồn: Phân tích từ kết quả khảo sát

Bảng 6 cho thấy, giá trị R2 của yếu tố Ý định (INT) là 0,236 = 23,6%, điều này có nghĩa là các biến độc lập tác động lên 23,6% sự biến thiên của ý định. Tương tự, R2 của nhân tố hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp là 0,614 = 61,4%, như vậy, các biến độc lập tác động lên Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp là 61,4%.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Vốn tài chính và Vốn quan hệ, Vốn nhận thức, Vốn cấu trúc tác động cùng chiều đến Ý định khởi tạo doanh nghiệp và Hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã bổ sung vào lý thuyết về hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp, đồng thời cũng đóng góp về mặt thực tiễn cho các nhà quản trị doanh nghiệp.

Hàm ý quản trị

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị giúp các nhà khởi tạo doanh nghiệp có khả năng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn về tài chính trong quá trình khởi tạo doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đề xuất các hàm ý giúp các nhà khởi tạo doanh nghiệp tăng cường được vốn quan hệ, vốn cấu trúc và vốn nhận thức nhằm thúc đẩy hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp tốt hơn, cụ thể như sau:

Nguồn vốn tài chính

Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố Vốn tài chính có tác động lớn nhất đến hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệphỗ trợ tốt cho các nhà khởi tạo doanh nghiệp, thì các nguồn quỹ đầu tư, các tổ chức cung cấp vốn/tài chính phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt các điều kiện khó khăn khi vay vốn để giúp các doanh nhân non trẻ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nên thiết kế những sản phẩm cho vay đặc thù, phù hợp với từng nhóm ngành nghề thực tế để đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khởi sự kinh doanh. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về pháp lý, lãi suất để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khởi tạo doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi nhất.

Vốn quan hệ

Vốn quan hệ cũng là một trong những yếu tố có tác động rất mạnh đến hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp. Thông qua vốn quan hệ cho phép một cá nhân nắm bắt được khả năng tiếp cận, nhận được sự hỗ trợ về mặt thông tin, vật chất và tinh thần trong quá trình khởi tạo doanh nghiệp. Do vậy, để có được vốn quan hệ, các nhà khởi tạo doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ về khởi nghiệp và các cơ quan truyền thông để được hỗ trợ về việc xây dựng dự án, hình thành doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm đến với công chúng, tiếp cận được các nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Ngoài ra, các địa phương cũng cần xây dựng một sinh thái khởi nghiệp thật tốt, hài hòa và đồng bộ để hỗ trợ các start up thuận lợi trong khởi nghiệp.

Vốn cấu trúc

Vốn cấu trúc thể hiện những kết nối, những vệ tinh xung quanh một nhà khởi tạo doanh nghiệp để họ có khả năng truy cập thông tin, các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết từ hệ thống mạng lưới xung quanh. Như vậy, để hỗ trợ việc khởi tạo doanh nghiệp, thì cần tăng cường thêm nhiều điều kiện kết nối, các vệ tinh hỗ trợ xung quanh cho các nhà khởi nghiệp, như: kinh nghiệm của các doanh nhân đã thành công, các câu lạc bộ, vườn ươm và các hoạt động hỗ trợ từ các viện, trường. Các thành viên trong mạng lưới sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về các chính sách ưu đãi dành cho nhà khởi tạo doanh nghiệp, thông tin về thị trường, công nghệ, các kinh nghiệm trong vấn đề khởi tạo doanh nghiệp.

Vốn nhận thức

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vốn nhận thức có vai trò thúc đẩy hành vi tham gia vào hoạt động khởi tạo doanh nghiệp. Để tăng cường vốn nhận thức trong hoạt động khởi tạo doanh nghiệp, thì các cơ sở giáo dục và cơ quan truyền thông có vai trò rất lớn. Do vậy, các cơ sở giáo dục nên đẩy mạnh việc giảng dạy về khởi nghiệp ở các cấp học. Ngoài ra, cơ quan truyền thông nên cùng chung tay thúc đẩy phát huy vai trò và hiệu quả của truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Những hoạt động này bao gồm: truyền thông về các chủ trương, chính sách của Nhà nước nói chung và về vấn đề khởi sự kinh doanh nói riêng; tổ chức các sự kiện nhằm kết nối các doanh nhân non trẻ với những nhà đầu tư tiềm năng để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn tốt; đưa tin tức về tấm gương các doanh nhân, qua đó, góp phần giúp quảng bá các sản phẩm dịch vụ của họ đến với cộng đồng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational behavior and human decision processes, (2), 179-211.

2. Ajzen, I., and Fishbein, M. (1977), Attitude-behavior relations: A theoretical analysis and review of empirical research, Psychological bulletin, (5), 888.

3. Anderson, A. R., and S. L. Jack (2002), The Articulation of Social Capital in Entrepreneurial Networks: A Glue or a Lubricant, Entrepreneurship and Regional Development, 14(3), 193–210.

4. Bandura, A. (1986), Social foundations of thought and action, Englewood Cliffs, , 23-28, 2.

5. Bandura, A and Walters. (1977), Social learning theory, Englewood Cliffs.

6. Burt, R. S. (1997), The contingent value of social capital, Administrative science quarterly, 42(2), 339-365.

7. Hu, L. T., and Bentler, P. M. (1999), Cutoff criteria for fit indexes in covariance structure analysis: Conventional criteria versus new alternatives, Structural equation modeling: a multidisciplinary journal, 6(1), 1-55.

8. Kortum, S., and Lerner, J. (1998), Does venture capital spur innovation? No. w6846, National Bureau of Economic Research.

9. Kristiansen, S., and Indarti, N. (2004), Entrepreneurial intention among Indonesian and Norwegian students, Journal of enterprising culture, (01), 55-78.

10. Lan, P. X., and Luc, P. T. (2020), A conceptual model of social entrepreneurial intention based on three dimensions of social capital, International Journal of Entrepreneurship and Small Business, (1), 115-128.

11. McGee, J. E., Peterson, M., Mueller, S. L., and Sequeira, J. M. (2009), Entrepreneurial self–efficacy: Refining the measure, Entrepreneurship theory and Practice, 33(4), 965-988.

12. Nahapiet, J., and Ghoshal, S. (1998), Social capital, intellectual capital, and the organizational advantage, Academy of management review, (2), 242-266.

13. Nguyễn Thành Long và Lê Nguyễn Hậu (2013), Một mô hình lý thuyết về năng lực doanh nhân, vốn xã hội và sáng nghiệp công ty trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ, (Q2)16, 97-106.

14. Reynolds, P. D. (1997), Who starts new firms?–Preliminary explorations of firms-in-gestation, Small business economics, (5), 449-462.

15. Sequeira, J., Mueller, S. L., and McGee, J. E. (2007), The influence of social ties and self-efficacy in forming entrepreneurial intentions and motivating nascent behavior, Journal of developmental entrepreneurship, (03), 275-293.

16. Tsai, W., and Ghoshal, S. (1998), Social capital and value creation: The role of intrafirm networks, Academy of management Journal, (4), 464-476.

17. Walker, G., Kogut, B., và Shan, W. (1997), Social capital, structural holes and the formation of an industry network, Organization science, (2), 109-125.

Ngày nhận bài: 10/8/2024; Ngày phản biện: 01/10/2024; Ngày duyệt đăng: 16/10/2024