ThS. Trần Hoàng Thủy

Khoa Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì

Tóm tắt

Từ năm 2019, Phú Thọ bắt đầu triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Các sản phẩm OCOP đã góp phần gìn giữ và phát triển tinh hoa làng nghề truyền thống, ngành nghề mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Bài viết làmthực trạng phát triển sản phẩn OCOP trên địa bàn Phú Thọ, từ đó đưa ra một số giải pháp và định hướng để đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

Từ khóa: sản phẩm OCOP, Phú Thọ, cơ hội và thách thức

Summary

Since 2019, Phu Tho has started implementing the “One Commune One Product” (OCOP) Program as a program to develop the rural economy in the direction of promoting internal strength and increasing value. OCOP products have contributed to preserving and developing the quintessence of traditional craft villages and new industries, promoting rural economic development, and restructuring agriculture towards sustainability. The article clarifies the current situation of OCOP product development in Phu Tho, thereby proposing several solutions and orientations to promote the development of the OCOP Program in Phu Tho Province in the coming time.

Keywords: OCOP products, Phu Tho, opportunities and challenges

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tỉnh Phú Thọ có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều vùng sản xuất như: cây ăn quả có múi, lúa chất lượng cao, chè, rau an toàn và nguyên liệu phục vụ chế biến. Với những lợi thế này, Phú Thọ đã triển khai chương trình OCOP từ sớm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình OCOP không tránh khỏi những những khó khăn, thách thức. Do vậy, cần nắm bắt những cơ hội, vượt qua các thách thức phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ một cách hiệu quả.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Những kết quả đạt được

Tỉnh Phú Thọ bắt đầu Phú Thọ triển khai chương trình OCOP từ năm 2019. Từ đó đến nay, hệ thống chỉ đạo, điều hành Chương trình OCOP của Tỉnh từng bước được kiện toàn. Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia đánh giá hạng 5 sao - sản phẩm quốc gia và hạng 4 sao - sản phẩm cấp tỉnh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống gắn với thực hiện Chương trình OCOP.

Các cấp chính quyền cũng phối hợp với địa phương được đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP và chủ động đăng ký tham gia. Các chủ thể tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ, định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá sản phẩm.

Về phía các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, qua đó góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn, nâng hạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhờ đó, sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm của tỉnh Phú Thọ. Ngày càng có nhiều sản phẩm tốt với chất lượng cải thiện, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh xuất xứ sản phẩm và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát sản phẩm. Cụ thể, số lượng sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tăng dần qua các năm (năm 2020: 28 sản phẩm; năm 2021: 50 sản phẩm; năm 2022: 61 sản phẩm; năm 2023: 109 sản phẩm) (Mai Bích, 2024). Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm (thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch), phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh.

Tính đến ngày 31/12/2023, Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó: 1 sản phẩm hạng 5 sao, chiếm 0,4%; 54 sản phẩm hạng 4 sao, chiếm 22,8%; 182 sản phẩm hạng 3 sao, chiếm 76,8%) với 172 chủ thể (57 hộ, chiếm 33%; 90 HTX/THT, chiếm 52%; 25 doanh nghiệp, chiếm 15%). Giá trị sản lượng hàng hóa từ các sản phẩm OCOP năm 2023 đạt trên 1.305 tỷ đồng. Một số chủ thể có doanh thu tăng cao như: Công ty TNHH chè Hoài Trung, doanh thu tăng 20%; Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô, doanh thu tăng 35%; Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods, doanh thu tăng 30%; Hợp tác xã Thịt chua Thanh Sơn, doanh thu tăng 25%; Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc, doanh thu tăng 15%..., góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 5.246 lao động, với thu nhập từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng (Phương Thảo, 2024).

Chương trình OCOP giúp các chủ thể chủ động trong phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Trên địa bàn Tỉnh đã có hơn 150 doanh nghiệp, trên 300 gian hàng cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đăng ký cung cấp sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chương trình sản phẩm OCOP cũng góp phần tích cực làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín.

Khó khăn và thách thức

Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình phát triển sản phẩm OCOP tại Phú Thọ cũng gặp một số khó khăn, cụ thể như sau:

- Hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được quan tâm triển khai, nhưng còn manh mún; chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm OCOP và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.

- Một số sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa phát huy được hiệu quả, bởi chủ thể không biết quảng bá hoặc đảm bảo chất lượng tốt như ban đầu, nên khó giữ chân được khách hàng. Một số chủ thể còn chưa thấy được ý nghĩa của việc tham gia OCOP, nên sản phẩm của mình đến thời hạn đánh giá lại cũng không quan tâm, để ý làm hồ sơ.

- Trình độ lao động thấp, cơ sở hạ tầng sản xuất và thương mại còn yếu kém, nên năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ còn khá cao.

- Khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường đầu ra do các điều kiện tín dụng, như: hợp tác xã quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều, năng lực tài chính, tài sản có giá trị thấp, mặt bằng chủ yếu đi thuê, máy móc công nghệ lạc hậu; năng lực người đứng đầu điều hành hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu; phương án/dự án thiếu tính khả thi, hiệu quả. Đặc biệt, khả năng tài chính của hợp tác xã và vốn góp của thành viên tổ chức này chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy phần lớn số hợp tác xã không đủ điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

- Các chủ thể đa số sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, phát triển từ nông hộ, sản xuất còn theo tư tưởng tiểu nông, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đồng đều và số lượng lớn, liên tục.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần tiếp tục phối hợp thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực (vốn, đất đai, công nghệ…) nhằm ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tham gia Chương trình OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao.

Thứ hai, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý Chương trình và sản phẩm OCOP; kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho người lao động, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý Chương trình và sản phẩm OCOP; kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trực tiếp hoặc trực tuyến trên mạng internet cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.

Thứ ba, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh thương mại điện tử. Hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, đưa sản phẩm OCOP lưu thông tại các hệ thống phân phối…

Thứ tư, tập trung phát triển làng nghề nông thôn với các sản phẩm là thế mạnh của Tỉnh, có giá trị kinh tế cao; gắn sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của Tỉnh để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Các sản phẩm ngoài việc chú trọng đến chất lượng, thì cần phải đặc biệt chú trọng đến mẫu mã sản phẩm, mẫu mã bao bì. Bởi thị hiếu của người tiêu thụ cả trong và ngoài nước có nhiều thay đổi và có sự quan tâm đến mẫu mã sản phẩm.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận các sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP...), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu đầu tư hệ thống nhận diện bảo hộ thương hiệu sản phẩm nhằm cải thiện, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP (Vuong và Nguyen, 2024)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huỳnh Dũng (2024), Gỡ điểm nghẽn vốn đối với chương trình kinh tế nông thôn OCOP, truy cập từ https://vneconomy.vn/go-diem-nghen-von-doi-voi-chuong-trinh-kinh-te-nong-thon-ocop.htm.

2. Mai Bích (2024), Nâng tầm sản phẩm OCOP, truy cập từ https://baophutho.vn/nang-tam-san-pham-ocop-208628.htm.

3. Quốc Huy (2024), Phú Thọ: Sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, truy cập từ https://doanhnghiephoinhap.vn/phu-tho-san-pham-ocop-thuc-day-phat-trien-kinh-te-nong-thon-40468.html&link=1

4. Phương Thảo (2024), Phú Thọ: Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế nông thôn, truy cập từ http://nongthonmoiphutho.vn/chuong-trinh-ocop/phu-tho-chuong-trinh-ocop-thuc-day-kinh-te-nong-thon-1579

5. Tạ Văn Toàn (2022), Phú Thọ: Gỡ khó cho phát triển sản phẩm OCOP, truy cập từ https://dantocmiennui.vn/phu-tho-go-kho-cho-phat-trien-san-pham-ocop-post326731.html

6. Toàn Đức (2024), Phú Thọ: Huy động gần 12 tỷ đồng phát triển sản phẩm OCOP, truy cập từ https://dantocmiennui.vn/phu-tho-huy-dong-gan-12-ty-dong-phat-trien-san-pham-ocop-post346949.html

7. Vân Đình (2024), Sau 5 năm triển khai, tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP, truy cập từ https://nongsanviet.nongnghiep.vn/sau-5-nam-trien-khai-tinh-phu-tho-co-237-san-pham-ocop-d379892.html

8. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://books.google.com/books/about?id=vy4ZEQAAQBAJ

Ngày nhận bài: 10/8/2024; Ngày phản biện: 25/9/2024; Ngày duyệt đăng: 14/10/2024