Cần thiết hạ tầng để hỗ trợ hệ thống ngân hàng

Tại họp báo Diễn đàn Doanh nghiệp SWIFT Việt Nam sáng 21/7, ông Alain Raes, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Á, cho biết, những năm đầu khi SWIFT mới vào Việt Nam, chỉ có một vài ngân hàng tham gia hệ thống. Đến nay, sau 20 năm cung cấp dịch vụ cho cộng đồng tài chính, thì đã có tới 86 ngân hàng kết nối với SWIFT, chiếm 90% các tổ chức tín dụng của Việt Nam sử dụng dịch vụ của SWIFT khi giao dịch thanh toán.

Ông Alain Raes phát biểu tại họp báo

Ông Alain Raes đánh giá cao Việt Nam - nền kinh tế lớn thứ 6 trong ASEAN với khoảng 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng 6%/năm. Bên cạnh đó, các giao dịch chuyển tiền qua tin nhắn ở Việt Nam đã tăng 60 lần trong 20 năm qua. Sự phát triển nhanh chóng này, theo ông, cần có hạ tầng cần thiết để hỗ trợ hệ thống ngân hàng.

Ông nhận định, hoạt động giao dịch ở Việt Nam đang phát triển theo cấp số nhân, cần sự đảm bảo của hạ tầng thanh toán để các giao dịch này diễn ra thành công.

Bên cạnh đó, sự phát triển này cũng đặt ra yêu cầu thanh toán khác, đặc biệt là hệ thống thanh toán 24/7, tức là giao dịch thông suốt 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Đây cũng sẽ là một phần trong hệ thống thanh toán thực được ông Alain Raes cho rằng sẽ xóa bỏ những rào cản với người dùng.

Biến chuyển tiền qua mạng thành một nét văn hóa

Hiện nay, mức phí thấp nhất khi chuyển tiền qua hệ thống SWIFT là 0,02 xu tính theo đồng Euro, phí này được tính cho cả các giao dịch chuyển tiền quốc tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, phí giao dịch này còn cao. Lý giải về việc tại sao các giao dịch chuyển tiền tại Việt Nam lại cao như vậy, ông Alain Raes cho rằng, trong khi các quốc gia như Singapore áp dụng hệ thống SWIFT cho các giao dịch quốc tế và cả giao dịch nội địa, thì nhiều nước như Việt Nam muốn sử dụng hệ thống độc quyền cho các giao dịch nội địa của mình. Mức phí tính cho khách hàng sẽ phụ thuộc vào đó là loại giao dịch gì, ứng dụng công nghệ nào, dung lượng thông tin và cả các khoản chi phí thanh toán cho bên thứ ba.

“Có một nguyên tắc nữa là càng giao dịch càng nhiều thì chi phí càng lớn. Việt Nam có dân số lớn nhưng chưa đảm bảo dung lượng thị trường như mong muốn. Cần phải làm gì đó để người Việt Nam vui vẻ khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua mạng và văn hoá chuyển tiền qua mạng sẽ trở thành văn hoá của Việt Nam”, ông nói thêm.

Theo ông Alain Raes, một ngân hàng có thể sử dụng SWIFT cho giao dịch quốc tế nhưng cũng có thể sử dụng cho những giao dịch nội địa. Các ngân hàng có thể thực hiện các dịch vụ thanh toán của mình thông qua các ngân hàng trung ương, các giao dịch thanh toán từ giao dịch chứng khoán, hay những giao dịch nguồn vốn quốc tế thông qua SWIFT.

Ông Alain Raes khẳng định, SWIFT xây dựng một nền kinh tế quy mô cho tất cả các ngân hàng trên thế giới. Mục tiêu của SWIFT khi xây dựng một nền kinh tế quy mô đó là thực hiện bằng được phương châm “càng thực hiện nhiều giao dịch thì chi phí càng rẻ đi”.

Tuy nhiên, ông Alain Raes cũng nhận thấy, ở nhiều quốc gia như Việt Nam vẫn muốn thể hiện bản sắc riêng với việc sử dụng hệ thống giao dịch nội địa thay vì sử dụng những hệ thống có nền tảng quốc tế. Do đó, để đảm bảo và duy trì độ tin cậy giữa các đối tác khi thực hiện các chức năng giao dịch, vẫn cần phải đạt được khối lượng giao dịch ở mức độ nhất định nào đó./.

SWIFT là trung tâm của ngành công nghiệp tài chính toàn cầu, hàng năm quản lý hơn 4 tỷ tin nhắn chuyển tiền giữa các tổ chức tài chính, các thị trường và các doanh nghiệp. SWIFT cũng mang cộng đồng tài chính đến với nhau cùng hợp tác để hình thành các luật chơi của thị trường, xác định các tiêu chuẩn và trao đổi về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của ngành tài chính ngân hàng.